Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài khiến bác sĩ, nhân viên y tế tuyến cơ sở (phường, xã) bị quá tải. Việc nhiều, thu nhập không đủ trang trải cuộc sống, không ít nhân viên y tế tuyến cơ sở đã phải xin nghỉ việc. Đây là thực trạng đang được ngành Y tế và dư luận quan tâm.
Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài khiến bác sĩ, nhân viên y tế tuyến cơ sở (phường, xã) bị quá tải. Việc nhiều, thu nhập không đủ trang trải cuộc sống, không ít nhân viên y tế tuyến cơ sở đã phải xin nghỉ việc. Đây là thực trạng đang được ngành Y tế và dư luận quan tâm.
Để phòng chống dịch, nhiều tháng qua nhân viên Trạm y tế P.Trung Dũng (TP.Biên Hòa) tham gia công tác lấy mẫu xét nghiệm để sàng lọc F0 trong cộng đồng. Ảnh: Phương Liễu |
Để “giữ chân” nguồn nhân lực y tế cơ sở, nhiều ý kiến cho rằng, ngoài việc bảo đảm nguồn thu nhập ổn định cho đội ngũ này, còn phải tăng định suất biên chế, bổ sung nguồn nhân lực cũng như tạo sự công bằng trong môi trường làm việc, nâng cao năng lực chuyên môn cho bác sĩ, nhân viên y tế tuyến cơ sở...
Giám đốc Trung tâm Y tế TP.Biên Hòa Nguyễn Xuân Hùng:
Nhân viên y tế phường, xã đang quá tải công việc
Là tuyến cơ sở, suốt thời gian cao điểm của dịch Covid-19, bác sĩ, nhân viên y tế tại các trạm Y tế (TYT) phường, xã của TP.Biên Hòa thường xuyên quá tải công việc. Chỉ tính riêng công tác tiêm chủng, bình thường 1 năm, các TYT ở Biên Hòa tiêm chủng mở rộng cho khoảng 20 ngàn trẻ, nay chỉ trong 1 tháng, các TYT đã tiêm vaccine cho hơn 1 triệu người dân (bằng khối lượng công việc của 50 năm). Ngoài ra, TYT còn phải truy vết F0, lấy mẫu xét nghiệm, khám chữa bệnh, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia... Ngay cả khi tỉnh bước sang giai đoạn “bình thường mới”, công việc của lực lượng y tế cơ sở không giảm mà lại càng nhiều hơn, nặng nề hơn, áp lực hơn khi phải quản lý, giám sát cách ly F0 tại nhà.
Thời gian qua, đã có nhiều nhân viên TYT phường, xã bỏ việc. Do đó, cần có sự quan tâm, chia sẻ, hỗ trợ kịp thời của các cấp về cả vật chất lẫn tinh thần, để anh em tuyến đầu yên tâm, gắn bó công tác. Cụ thể, cần tăng thu nhập tỷ lệ thuận với khối lượng công việc hiện nay, đồng thời có sự hỗ trợ, tăng cường nhân lực về lâu dài cho các TYT.
Chủ tịch Công đoàn ngành Y tế Đồng Nai Đàm Đức Chính:
Nhiều nhân viên y tế cơ sở xin nghỉ việc
Những tháng qua, có nhiều lý do để cán bộ, nhân viên y tế tuyến cơ sở xin nghỉ việc, nhưng nguyên nhân chính vẫn là do áp lực công việc quá lớn mà thu nhập lại quá thấp. Công đoàn ngành cũng đã ghi nhận tâm tư, nguyện vọng của đội ngũ này, từ khi làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát từ cuối tháng 4-2021 đến nay, khối lượng công việc của cán bộ, nhân viên y tế tuyến cơ sở tăng gấp nhiều lần.
Trước kia, nhân viên TYT chỉ làm 8 giờ/ngày, được nghỉ thứ bảy, chủ nhật và ngày lễ, nay họ phải làm “3 tại chỗ” trong nhiều tháng với mỗi ngày từ 16-18 giờ, không có ngày nghỉ, ngày lễ. Trong khi đó, mức thu nhập vẫn giữ nguyên. Đó là chưa kể, do tập trung hết vào công tác phòng, chống dịch nên các TYT không triển khai công tác khám chữa bệnh, không có thu nhập tăng thêm, dù khoản tiền tăng thêm này không nhiều.
Do đó, các cấp cần có giải pháp tăng lương, tăng chế độ, thu nhập chính đáng để nhân viên y tế cơ sở an tâm công tác. Dù đã cơ bản được kiểm soát, nhưng dịch Covid-19 vẫn còn xuất hiện nhiều trong cộng đồng, nên ngoài chế độ đãi ngộ, cần có sự “chia lửa” dài ngày với nhân viên y tế cơ sở trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn.
Phó chủ tịch UBND P.Long Bình (TP.Biên Hòa) Trần Văn Thắng:
Cần chế độ khuyến khích, động viên đội ngũ nhân viên y tế phường, xã đông dân
Long Bình là một trong những phường đông dân nhất của tỉnh. Trong thời gian cao điểm dịch bệnh cũng như khi đã trở về trạng thái bình thường mới, dịch Covid-19 trên địa bàn vẫn diễn biến phức tạp. Do y tế cơ sở là tuyến đầu, thời gian qua, các nhân viên y tế phường đã rất vất vả trong công tác phòng chống dịch. Là nơi tiếp xúc trực tiếp với nhiều F0, nên môi trường làm việc của nhân viên y tế phường không chỉ nguy cơ cao, mà còn phải làm rất nhiều công việc như: truy vết, tiêm chủng, quản lý F0 tại nhà, test nhanh Covid-19, cấp giấy cách ly tại nhà, giấy chứng nhận hoàn thành cách ly cho hàng trăm F0, F1... Đội ngũ này luôn trong tình trạng quá tải công việc. Trong suốt mùa dịch vừa qua, hầu như nhân viên TYT phường đều “3 tại chỗ”, làm ngoài giờ hành chính, do đó cần có chế độ khuyến khích, động viên thỏa đáng cho đội ngũ nhân viên y tế cơ sở, nhất là ở những phường, xã đông dân để họ có điều kiện nâng cao thu nhập, chăm lo sức khỏe, ổn định cuộc sống, yên tâm công tác.
Anh Trần Thắng Tiến (ngụ P.An Bình, TP.Biên Hòa):
Mùa dịch này, nhân viên y tế cơ sở quá vất vả
Em gái tôi công tác tại một TYT ở TP.Biên Hòa. Trong suốt mấy tháng dịch bệnh diễn ra, do hằng ngày tiếp xúc với F0, F1 nguy cơ cao nên em tôi cũng từng nhiễm Covid-19. Để tập trung cho công tác phòng chống dịch, em tôi phải gửi con nhỏ cho cha mẹ coi giúp suốt nhiều tháng liền để trực chiến phòng dịch tại TYT. Khi con bệnh, em tôi cũng không dám về vì lo ngại lây Covid-19 cho con, cho người thân trong gia đình.
Tôi gọi điện hỏi thăm, em cho biết công việc rất áp lực khi nhân lực TYT ít mà phải làm rất nhiều việc. Tôi nghĩ rằng, trong mùa dịch này, đội ngũ nhân viên y tế dù ở tuyến nào cũng quá vất vả. Tuy nhiên, những người làm việc ở tuyến cơ sở như em tôi quá vất vả, áp lực nhưng thu nhập lại không xứng với sức lao động bỏ ra. Vì thế, tôi nghĩ cần có sự bù đắp xứng đáng khi yêu cầu công việc tăng cao và nhiều áp lực.
Theo Sở Y tế, tổng thu nhập của một bác sĩ lâu năm ở TYT hiện nay khoảng 8-9 triệu đồng/người/tháng. Còn các bác sĩ mới ra trường thì tầm 5-6 triệu đồng/người/tháng (đã bao gồm chế độ thu hút). Riêng đội ngũ y sĩ, điều dưỡng, dược sĩ trung học thu nhập chỉ ở mức 3-4 triệu đồng/người/tháng. |
Phương Liễu (ghi)