Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần quan tâm đến tinh thần của học sinh trong đại dịch

06:12, 18/12/2021

Trong suốt thời gian dài dạy học online kể từ đầu năm học đến nay, ngành Giáo dục, xã hội, phụ huynh… đã rất quan tâm và bàn nhiều giải pháp nhằm đảm bảo chất lượng dạy học.

Trong suốt thời gian dài dạy học online kể từ đầu năm học đến nay, ngành Giáo dục, xã hội, phụ huynh… đã rất quan tâm và bàn nhiều giải pháp nhằm đảm bảo chất lượng dạy học. Tất cả những mối quan tâm này hầu hết chỉ chú trọng đến mảng kiến thức và dành một ít cho vấn đề kỹ năng. Vấn đề về tâm lý, sức khỏe tâm thần của học sinh dường như chưa được chú ý, hoặc nếu có thì chỉ được nhắc thoáng qua. Trong khi đó, đây đang là vấn đề rắc rối của rất nhiều học sinh.

Khi còn thực hiện giãn cách xã hội, ngoài giờ học online, trẻ còn có nhiều thời gian để giao tiếp, trò chuyện với cha mẹ, người thân trong gia đình. Hiện nay, người lớn phải đi làm nên sau giờ học online, nhiều trẻ chỉ biết thui thủi chơi một mình hoặc “làm bạn” với tivi, điện thoại, máy tính (trường hợp trẻ là con một). Điều này dẫn đến nhiều rủi ro, hệ lụy.

Thời gian học tập online kéo dài cũng đã khiến cho học sinh mệt mỏi, rơi vào tâm trạng nhàm chán, giảm tập trung. Trong khi đó, chỉ còn ít tuần nữa là đến đợt kiểm tra học kỳ 1 nên trẻ đang gặp rất nhiều áp lực trong học tập. Vì vậy, trẻ rất cần có thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn, nạp lại năng lượng…

Trong điều kiện dạy học online, tổ tư vấn tâm lý học đường ở các trường gần như không hoạt động. Qua màn hình máy tính, giáo viên không thể nhận diện hết được những bất ổn của trẻ; trẻ không chủ động tâm sự, chia sẻ cùng thầy cô giáo… Đó là những khó khăn đầu tiên trong công tác tư vấn tâm lý học đường hiện nay.

Mặt khác, giải quyết vấn đề tâm lý, những hệ lụy về mặt tinh thần do đại dịch Covid-19 gây ra đòi hỏi người làm công tác tư vấn phải có kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm về tâm lý. Đây vẫn đang là điểm yếu nhất trong công tác tư vấn tâm lý học đường hiện nay. Không chỉ học sinh bị ảnh hưởng tâm lý, chính đội ngũ giáo viên cũng đang phải chịu rất nhiều áp lực trong quá trình dạy online. Chính họ cũng cần được hỗ trợ về mặt tâm lý.

Tất cả những điều trên cho thấy việc quan tâm, hỗ trợ về mặt tâm lý, sức khỏe tâm thần cho đội ngũ giáo viên, học sinh là điều rất cần thiết. Để làm được điều này cần có sự chung tay của các nhà chuyên môn, tổ chức xã hội. Trong đó, trước hết cần giúp cho đội ngũ giáo viên có được đời sống tinh thần khỏe mạnh, đồng thời tập huấn cho tổ tư vấn tâm lý học đường những kiến thức để nhận diện những tổn thương tâm lý do đại dịch Covid-19 của học sinh. Tổ tư vấn cũng cần được huấn luyện kỹ năng để hỗ trợ tâm lý cho học sinh khi các em quay trở lại trường học. Những trường hợp học sinh chịu tổn thương tâm lý nặng cần phải được chuyển đến các chuyên gia để hỗ trợ kịp thời, tránh để lại hậu quả lâu dài.

Tường Vi

Tin xem nhiều