Với mục tiêu nâng cao chất lượng xây dựng đời sống văn hóa gắn với giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, Đồng Nai đang hướng tới xây dựng, tổ chức các hoạt động phát triển du lịch nông thôn (DLNT) trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn mới.
Với mục tiêu nâng cao chất lượng xây dựng đời sống văn hóa gắn với giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, Đồng Nai đang hướng tới xây dựng, tổ chức các hoạt động phát triển du lịch nông thôn (DLNT) trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn mới.
Sản phẩm du lịch khám phá làng quê Việt tại xã Phú Điền, H.Tân Phú được khách tham quan đánh giá cao. Ảnh: T.Mộc |
Để hoàn thành mục tiêu phát triển nông thôn gắn liền với du lịch, mới đây, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch phát huy tối đa nguồn lực, tiềm năng hiện có của tỉnh để xây dựng, tổ chức các hoạt động phát triển DLNT; triển khai các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, xây dựng mạng lưới điểm đến, sản phẩm DLNT tiêu biểu gắn với xây dựng NTM.
* Thế mạnh của tỉnh NTM
Đồng Nai là địa phương nằm trong tốp đầu cả nước về phong trào xây dựng NTM. Qua hơn 10 năm triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, nông thôn Đồng Nai đã có sự thay đổi mạnh mẽ. Nhiều mô hình sản xuất kinh tế tiêu biểu phát triển theo hướng bền vững và hiệu quả.
Đặc biệt, Đồng Nai còn hình thành nên các vùng trái đây đặc trưng kết hợp với phong trào xây dựng NTM phát triển mạnh mẽ đã tạo nên những vùng nông thôn trù phú với cảnh quan thiên nhiên đặc riêng, tạo nên sự phong phú trong phát triển các sản phẩm DLNT được nhiều du khách trong và ngoài tỉnh biết đến.
Bộ NN-PTNT vừa phối hợp với Bộ VH-TTDL tổ chức hội thảo trực tuyến về Định hướng và giải pháp phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025. Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho cho rằng, DLNT là lĩnh vực rất tiềm năng nhưng còn bỏ ngỏ của ngành Du lịch. Việc phát triển DLNT là cơ hội để nhiều làng quê phát triển đời sống thông qua việc làm du lịch ngay tại địa phương mình. |
Chẳng hạn như khi nói về vùng đất Long Khánh, khách du lịch sẽ nhớ ngay đến du lịch sinh thái vườn với những vườn chôm chôm đỏ rực, những vườn sầu riêng, măng cụt mà mỗi lần tới thăm luôn được chủ nhà vườn đón tiếp niềm nở.
Hay như khi nói về vùng đất cách mạng Chiến khu Đ ở H.Vĩnh Cửu, du khách sẽ nhớ đến những trải nghiệm khám phá rừng chiến khu, những di tích, danh thắng ghi dấu lịch sử đấu tranh anh dũng của quân và dân Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến. Cùng với những cảnh quan thiên nhiên, Vĩnh Cửu còn là huyện NTM nổi tiếng với các vườn trái cây có múi như: bưởi, cam, quýt… và ai ai khi đến Vĩnh Cửu cũng muốn một lần được thưởng thức phong cách ẩm thực dân gian rất đặc trưng của làng bưởi Tân Triều với các món ăn được chế biến từ nông sản địa phương như: bưởi Tân Triều, cá, tôm sông Đồng Nai…
Đồng Nai là một trong 37 tỉnh, thành phố đã hình thành được tuyến DLNT. Vài năm gần đây, nhiều mô hình du lịch sinh thái vườn, du lịch trải nghiệm làng quê, khám phá văn hóa cộng đồng tại Đồng Nai đã bước đầu hình thành, một số sản phẩm được đánh giá chất lượng tốt, thu hút du khách về địa phương. Sự phát triển DLNT đã góp phần nâng giá trị và vị thế cho nông sản địa phương, tạo công ăn việc làm cho người dân.
Theo PGS-TS Nguyễn Công Hoan, Trường đại học Tài chính marketing, nếu địa phương có các sản phẩm tốt, được quảng bá bài bản, người dân làm du lịch được tập huấn đầy đủ các kỹ năng thì chắc chắc sẽ kéo được lượng khách đến để mua sản phẩm của mình. Du lịch là ngành kinh tế tiền tươi thóc thật, du khách sẵn sàng chi tiền cho nhu cầu hưởng thụ của mình nên cách duy trì sản phẩm hiệu quả nhất chính là phải làm cho du khách đến tận nơi để thưởng thức, trải nghiệm các sản phẩm và góp ý trực tiếp nếu sản phẩm đó chưa làm mình hài lòng.
* Không để tiềm năng bị bỏ ngỏ
Tuy đã có những sản phẩm DLNT đặc trưng nhưng nhìn chung Đồng Nai cũng như nhiều tỉnh, thành khác vẫn còn những hạn chế trong khai thác các sản phẩm DLNT. Bởi các sản phẩm DLNT chủ yếu quy mô nhỏ do các doanh nghiệp, hộ gia đình, tổ hợp tác cung cấp. Mô hình tổ chức DLNT hiện chủ yếu mang tính chất tự phát, chưa có các mô hình quản lý du lịch cộng đồng hiệu quả mặc dù những năm gần đây, Đồng Nai đã chú trọng nhiều hơn đến phát triển DLNT.
Một số doanh nghiệp du lịch đã thiết kế các tour du lịch trải nghiệm, khám phá nông thôn Đồng Nai được du khách đánh giá cao như: tour du lịch cộng đồng tại Làng dân tộc Tà Lài (xã Tà Lài, H.Tân Phú), thu hút rất đông khách du lịch quốc tế; tour DLNT với những trải nghiệm tham quan, khám phá cảnh đẹp thiên nhiên và cuộc sống của người dân trồng lúa tại xã Phú Điền (H.Tân Phú); một số điểm du lịch sinh thái vườn tại các huyện: Xuân Lộc, Long Thành, Vĩnh Cửu... đã tạo được tiếng vang trên thị trường du lịch.
Du lịch sinh thái vườn tại TP.Long Khánh thu hút hàng ngàn du khách vào mùa trái cây |
Gắn bó với sự hình thành và phát triển về lĩnh vực DLNT tại Đồng Nai nhiều năm nay, Th.S Phan Bửu Toàn, Phó hiệu trưởng Trường cao đẳng Nghề du lịch Sài Gòn cho biết, qua các buổi tập huấn, giảng dạy về kỹ năng du lịch cho nhiều địa phương trong tỉnh, ông nhận thấy Đồng Nai có nhiều điểm đến rất có tiềm năng. Tuy nhiên, vấn đề phát triển DLNT của Đồng Nai vẫn còn những hạn chế, trong đó các vấn đề về chích sách phát triển du lịch, quy hoạch về phát triển DLNT cần có sự bài bản hơn. Đặc biệt, Đồng Nai cần chung tay với người dân thúc đẩy phát triển DLNT qua việc hỗ trợ các chính sách về vốn, các nguồn vay ưu đãi. Song song đó, Đồng Nai cần hoạch định những quy định, tiêu chuẩn, tiêu chí riêng đối với các sản phẩm DLNT, để bảo đảm trong quá trình triển khai, hình thành các sản phẩm có sự đồng bộ, tính chuyên nghiệp sẽ tăng lên.
Theo kế hoạch kế hoạch xây dựng, tổ chức các hoạt động để phát triển DLNT trên cơ sở phát huy tối đa nguồn lực, tiềm năng hiện có của tỉnh, Đồng Nai đã đặt ra mục tiêu đến năm 2025 có 100% số xã đạt chuẩn tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa và văn hóa; phấn đấu xây dựng được từ 4-5 mô hình điểm văn hóa du lịch, điểm du lịch cộng đồng gắn với xây dựng NTM đi vào hoạt động hiệu quả. Ưu tiên theo hướng phát triển cảnh quan môi trường nông thôn gắn với phát triển du lịch cộng đồng; có từ 2-3 mô hình điểm về xây dựng đời sống văn hóa, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.
Với mục tiêu này, kế hoạch phát triển DLNT gắn với công tác xây dựng NTM được kỳ vọng góp phần đưa chương trình xây dựng NTM của tỉnh đi vào chiều sâu, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng thương mại dịch vụ, tăng tỉ trọng đóng góp của dịch vụ du lịch vào kinh tế nông thôn.
Thủy Mộc