Nhiều bệnh nhân Covid-19 sau khi ra viện đã viết thư tay để bày tỏ lòng tri ân với các y, bác sĩ và lực lượng tình nguyện viên.
Nhiều bệnh nhân Covid-19 sau khi ra viện đã viết thư tay để bày tỏ lòng tri ân với các y, bác sĩ và lực lượng tình nguyện viên.
Y, bác sĩ thân thiết với bệnh nhân tại Bệnh viện Dã chiến số 8 (H.Long Thành). Ảnh: C.T.V |
Đây cũng là niềm động viên lớn lao với những người đang trên tuyến đầu chống dịch.
* Bác sĩ là người mẹ thứ hai
“Bệnh viện dã chiến nên không có tấm thiệp khang trang, nhưng từ đáy lòng, chị mến gửi lời cảm ơn chân thành…” - đây là lời mở đầu một bức thư viết vội trên bìa các-tông của bệnh nhân Covid-19 chuẩn bị xuất viện. Chủ nhân bức thư này là chị K.T.T.H., từng là bệnh nhân nhiễm Covid-19 được điều trị tại Bệnh viện Dã chiến số 8 (H.Long Thành).
Theo chia sẻ trong thư, chị H. đã từng tuyệt vọng, kiệt sức khi nhập viện. Chị cũng không dám nói mình là F0 cho người mẹ già ở nhà biết vì sợ bà lo lắng, huyết áp lại tăng đột ngột ảnh hưởng đến sức khỏe. Nhưng may mắn, các y, bác sĩ ở đây đã luôn tận tình vừa chữa bệnh, vừa động viên cổ vũ nên sức khỏe chị ngày càng tốt hơn.
Trước khi ra viện, chị H. lấy vội bìa các-tông để viết thư, nói lên nỗi lòng của mình. Trong thư chị H. có đoạn viết: “Bác sĩ là người mẹ thứ hai của chị, cho chị cuộc đời mới… Thật lòng cảm ơn và biết ơn rất nhiều đối với y, bác sĩ và tình nguyện viên đã tận tình giúp đỡ trong cơn nguy kịch tưởng chừng như không thể vượt qua. Xin chúc gia đình các bác sĩ luôn dồi dào sức khỏe, thành công trong việc đánh bại Covid-19 để trở về cuộc sống bình thường”.
Ngày 2-8, chị N.T.P.T. (ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) đã nhập viện khi mắc Covid-19 trong tình trạng khó thở. Sau 25 ngày chữa trị, chị T. đã khỏi bệnh và về nhà. Những ngày nằm viện là khoảng thời gian chị T. không thể nào quên vì sự gần gũi, tận tâm của các y, bác sĩ, tình nguyện viên tại Bệnh viện Dã chiến số 8.
“Dù tôi mặc đồ bảo hộ nhưng nhiều người vẫn xa lánh, kỳ thị F0. Thậm chí, khi tôi đã hết bệnh nhưng nhiều người vẫn không dám lại gần. Ngược lại, các y, bác sĩ lại không sợ, khi khám bệnh còn nói chuyện vui vẻ, động viên nên tâm lý tôi cũng thoải mái hơn. Không chỉ tôi mà tất cả những bệnh nhân trong phòng đều quý mến y, bác sĩ cả” - chị T. chia sẻ.
Một bệnh nhân khác đã điều trị tại Bệnh viện Dã chiến số 9 (H.Xuân Lộc) vừa viết những tâm sự, vừa làm thơ gửi tặng những “chiến sĩ áo trắng, áo xanh” chữa trị cho mình. Bệnh nhân này cũng trải qua 24 ngày điều trị, trải nghiệm sống ở nơi xa lạ với “cái tên mới là F0”. Trước giờ xuất viện, bệnh nhân viết lên những dòng thơ thể hiện tình cảm của mình gửi lại cho Ban điều hành và tập thể y, bác sĩ, nhân viên của bệnh viện: “Em là F0 cái tên đậm chất buồn/ May mắn sao được gần anh chiến sĩ/ Vì anh thương nên vẽ nét môi cười/ Cho người bệnh với niềm tin sáng tỏ....”.
* Luôn trăn trở vì bệnh nhân
Trước ngày ra viện, các bệnh nhân Covid-19 đều được bác sĩ dặn dò kỹ và trả lời tất cả thắc mắc. Họ còn giữ liên lạc với bác sĩ để nhờ tư vấn sức khỏe khi về nhà.
Những bức thư, bài thơ của các bệnh nhân Covid-19 viết vội cảm ơn lực lượng làm việc tại các bệnh viện dã chiến |
Cuối tháng 7, BS Chế Quang Thống, Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đồng Nai 2 đã tình nguyện vào làm việc tại Bệnh viện Dã chiến số 8. Như bao đồng nghiệp khác, những ngày đầu, BS Thống rất áp lực vì chưa thực sự có nhiều kinh nghiệm chữa trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19. Mỗi lần khám bệnh, ngoài việc thăm khám sức khỏe, kê đơn thuốc cho bệnh nhân thì việc chăm sóc tinh thần cho họ cũng rất quan trọng.
BS Thống tâm sự: “Nếu mình khám bệnh xong rồi rời đi ngay, không trò chuyện, gần gũi thì bệnh nhân sẽ rất hụt hẫng. Bởi ai cũng sợ nhiễm Covid-19 và hoang mang khi mắc bệnh. Điều bệnh nhân cần không chỉ là uống thuốc, hay những bữa ăn, họ còn cần có tinh thần tốt để vượt qua dịch bệnh”.
Vì vậy, các y, bác sĩ ở đây còn bồng bế các “F0 nhí”, xóa khoảng cách giữa nhân viên y tế và bệnh nhân. Kể lại kỷ niệm của mình, bác sĩ Thống nhớ rõ về trường hợp của bệnh nhân Covid-19 K.T.T.H., ngụ H.Nhơn Trạch được chuyển vào viện khi suy hô hấp, viêm phổi nặng và tinh thần khủng hoảng trầm trọng. 2 tuần điều trị viêm phổi ổn, chân chị H. lại bị suy tĩnh mạch, chân to gấp 1,5 lần bình thường. Nhưng sau 1 tháng chữa trị, chị H. đã được xuất viện. Trước khi về, BS Thống cũng mua 2 hộp thuốc kháng đông tặng chị H. để uống ở nhà dưới sự theo dõi, hướng dẫn từ xa của BS Thống.
“Tôi phải động viên chị ấy mỗi ngày và sử dụng thuốc tốt nhất của bệnh viện dã chiến điều trị nên bệnh nhân dần an tâm. Trước khi ra viện, bệnh nhân quyến luyến cảm ơn khiến chúng tôi cảm thấy được an ủi, cũng là động lực cho những ngày tiếp theo”- BS Thống tâm sự.
Ngày cao điểm, Bệnh viện Dã chiến số 9 chữa trị cho hơn 500 bệnh nhân. BS Võ Thư, Phó giám đốc phụ trách chuyên môn bệnh viện dã chiến này cho hay, theo phân tầng thì bệnh viện dã chiến chỉ điều trị cho các bệnh nhân không triệu chứng, bệnh nhẹ. Nhưng thực tế, nhiều bệnh nhân có bệnh nền cũng được chữa trị tại đây. Trong đó, có khoảng 5% bệnh nhân bị suy hô hấp, phải thở oxy dòng thấp và thở qua mặt nạ dưỡng khí.
Công việc áp lực, vất vả nhưng các y, bác sĩ và lực lượng bộ đội làm việc tại đây cũng ấm lòng hơn khi nhận được sự quý mến của người bệnh. “Lâu rồi tôi đã không còn được đọc những lá thư tay. Giờ đây, thấy bệnh nhân viết thư, làm thơ gửi tặng nên mình rất trân quý” - BS Thư bày tỏ.
Theo các y, bác sĩ tại bệnh viện dã chiến, khi có sự tin tưởng lẫn nhau từ 2 phía bệnh nhân và y, bác sĩ thì việc chữa trị sẽ đỡ cực hơn. Nhiều người đã xa gia đình từ vài tháng nay nhưng có sự động viên, hỗ trợ của các cấp chính quyền, tổ chức xã hội và bệnh nhân đã an ủi họ phần nào, tiếp thêm sức mạnh để chống dịch.
Lời cảm ơn từ đáy lòng! Trân trọng những bức thư tay viết vội của bệnh nhân gửi lại, các y, bác sĩ Bệnh viện Dã chiến số 6 (ký túc xá Trường đại học Đồng Nai, TP.Biên Hòa) vẫn còn giữ lá thư tay của bệnh nhân phòng 313, khu B. Bức thư viết: “Cảm ơn những người đã không quản ngại sớm hôm đưa “siêu xe ú à (tiếng còi xe cấp cứu - PV)” đến đón tận nhà, những bạn trẻ tình nguyện viên đã giúp mọi người từ bữa cơm cho đến thu gom rác, từ ngày mới vào viện đến ngày xuất viện. Cảm ơn mọi người vì những giọt mồ hôi ướt đẫm bộ đồ bảo hộ, vì những vết lằn trên da do khẩu trang! Cảm ơn sự hy sinh cao cả của mọi người, những tháng ngày nhớ gia đình, những nỗi lo không tên, những giấc ngủ chưa sâu...”. |
Bích Nhàn