Học sinh trong tỉnh Đồng Nai đã bước vào năm học mới 2021-2022 trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Cho đến khi dịch bệnh được khống chế, học trực tuyến vẫn là lựa chọn tốt nhất. Mối quan tâm lớn nhất lúc này chính là làm thế nào để triển khai dạy và học trực tuyến một cách hiệu quả nhất.
Học sinh trong tỉnh Đồng Nai đã bước vào năm học mới 2021-2022 trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Cho đến khi dịch bệnh được khống chế, học trực tuyến vẫn là lựa chọn tốt nhất. Mối quan tâm lớn nhất lúc này chính là làm thế nào để triển khai dạy và học trực tuyến một cách hiệu quả nhất.
Giáo viên Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP.Biên Hòa) dạy học online (năm học 2020-2021). Ảnh: Hải Yến |
Chịu tác động của dịch Covid-19, trong 2 năm qua, ngành Giáo dục Đồng Nai đã có nhiều đợt tổ chức dạy học trực tuyến. Vì vậy, đối với đa phần giáo viên và học sinh, hình thức học tập này không còn xa lạ. Công tác chuẩn bị cho việc dạy học trực tuyến của năm học mới vì thế cũng diễn ra nhịp nhàng, suôn sẻ hơn.
* Chuẩn bị kỹ cho các lớp học online
Đến thời điểm hiện nay, hầu hết các trường học trong tỉnh đã tổ chức họp chuyên môn, phân công giáo viên chủ nhiệm (GVCN) các lớp, thống nhất nền tảng dạy học trực tuyến chung cho toàn trường. GVCN đã kết nối với học sinh để nắm bắt tình hình thực tế nhằm chuẩn bị tốt nhất cho năm học mới.
Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Quyền (TP.Biên Hòa) Phan Trọng Nghĩa cho biết, năm học này, nhà trường thống nhất sử dụng ứng dụng Microsoft Teams để dạy học trực tuyến. Sau khi thống nhất, nhà trưởng tổ chức 2 buổi tập huấn cho toàn bộ giáo viên về phần mềm này. Gần 1.400 học sinh của trường cũng đã được cấp tài khoản, giáo viên chủ nhiệm các lớp đã tổ chức sinh hoạt lớp, hướng dẫn cho học sinh sử dụng phần mềm này. Ngoài ra, mỗi lớp còn lập 1 nhóm Zalo để giáo viên thuận tiện trong trao đổi với phụ huynh, học sinh.
“Hiện nay, nhà trường đã kết nối được với 100% học sinh khối 12. Riêng học sinh khối 10 và 11 thì vẫn còn vài trường hợp gặp khó khăn về thiết bị phục vụ học online (máy tính không có webcam, điện thoại chưa cài đặt được ứng dụng…). Đối với những trường hợp này, GVCN sẽ có trách nhiệm kết nối để hướng dẫn, hỗ trợ các em khắc phục khó khăn, sẵn sàng cho việc học vào ngày 13-9” - thầy Phan Trọng Nghĩa cho hay.
Em Nguyễn Thị Hải Yến, học sinh lớp 12A1 Trường THPT Ngô Quyền nhận xét: “Sau khi tham gia sinh hoạt lớp trên Microsoft Teams và được thầy giáo chủ nhiệm hướng dẫn sử dụng phần mềm này, em thấy phầm mềm có nhiều ưu điểm hơn so với phần mềm học online của trường hồi năm ngoái. Vì phần mềm có kết nối với Gmail nên em dễ dàng nhận thông báo của lớp học qua mail. Em cài đặt phần mềm cả trên máy tính và điện thoại để thuận tiện cho việc học. Về sách giáo khoa, em đã chuẩn bị từ hồi đầu hè nên bây giờ có thể yên tâm để học”.
Thầy Hoàng Văn Ân, Hiệu trưởng THCS Huỳnh Thúc Kháng (H.Trảng Bom) cho biết, về nền tảng dạy học, nhà trường sử dụng phần mềm do VNPT cung cấp. Đây là phần mềm mà nhà trường đã sử dụng từ năm học trước. Ưu điểm của phần mềm là có thể lưu trữ thông tin, giúp nhà trường quản lý việc dạy và học (giáo viên dạy lúc nào, bao nhiêu học sinh tham gia tiết học; tài nguyên dạy học mà giáo viên đã đưa lên...). Điều này tạo thuận lợi cho nhà trường trong công tác quản lý.
Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng đã tiến hành khảo sát học sinh về các điều kiện sẵn sàng cho học trực tuyến. Kết quả, có khoảng 70% học sinh của trường có thể theo học online. Số còn lại là những học sinh gặp khó khăn về thiết bị: không có máy tính, điện thoại, không có kết nối internet…
* Đa dạng hình thức học tập
Khó khăn mà Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng gặp phải cũng là khó khăn chung của rất nhiều trường học trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các trường học ở vùng sâu, vùng xa.
Tổng hợp báo cáo khảo sát của các trường học trong tỉnh gửi lên Sở GD-ĐT, tính đến thời điểm hiện nay, có 45% học sinh tiểu học (lớp 3, 4, 5), 70% học sinh THCS và 93% THPT đăng ký, có thiết bị và sẵn sàng tham gia học online.
Sở GD-ĐT đã giới thiệu các phần mềm dạy học trực tuyến để nhà trường lựa chọn. Sở GD-ĐT sẽ phối hợp với các đơn vị cung cấp phần mềm dạy học trực tuyến để tập huấn cho giáo viên toàn tỉnh. |
Tuy nhiên, khó khăn không có nghĩa là các trường sẽ không tổ chức dạy học theo kế hoạch đã đề ra. Bởi trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay thì dạy học online là giải pháp phù hợp nhất. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để việc dạy học online có hiệu quả. Lãnh đạo các trường học đều cho biết, giải pháp chung là bên cạnh kết nối lớp học online trực tiếp thì các trường học sẽ có nhiều hình thức dạy học kết hợp khác nữa.
Theo đó, trong mỗi tiết dạy, giáo viên cần chủ động thu lại bài giảng, đăng tải trên website, Facebook của nhà trường hoặc gửi đường link cho học sinh để các em có thể học vào thời điểm thích hợp.
Giáo viên cũng sẽ đăng tải nội dung bài dạy bằng bản Word, PowerPoint (tóm tắt nội dung chính, trọng tâm, diễn giải rõ ràng, dễ hiểu) để học sinh đọc nếu không xem được các video bài giảng. Hình thức phát tài liệu học tập này đã được nhiều trường áp dụng trong các đợt dạy học trực tuyến trước đây và ít nhiều cũng mang lại hiệu quả. Trong bối cảnh giãn cách xã hội hiện nay, mỗi tuần phụ huynh vẫn được đi chợ 2 lần nên có thể tranh thủ đi nhận tài liệu học tập cho con.
Cô Trần Thị Hiên, Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Quốc Toản (xã Bắc Sơn, H.Trảng Bom) cho hay, hiện nay, xã Bắc Sơn vẫn đang là “vùng đỏ” trong bản đồ chống dịch Covid-19. Tuy vậy, nhà trường đã tuyển sinh được 100% chỉ tiêu lớp 1 bằng hình thức online. Các GVCN đã liên lạc được với 100% phụ huynh học sinh lớp 1. Các khối lớp còn lại cũng đã hoàn tất công tác chuyển giao cho GVCN mới.
Theo cô Hiên, hơn 90% học sinh của trường có thể tham gia học online. Đối với học sinh lớp 1, 2, nhà trường sẽ kết hợp cùng phụ huynh, hướng dẫn con học qua truyền hình (kênh VTV7) kết hợp học trực tuyến với giáo viên. Để dạy học online hiệu quả, ngay từ đầu năm học giáo viên phải phân loại được đối tượng học sinh và phân chia nhóm học tập. Học sinh nào có năng lực tiếp thu tốt thì giáo viên dạy nhanh; học sinh nào chậm thì giáo viên phải tạo nhóm riêng để tương tác thêm.
“Thời gian dạy học phải linh hoạt, có thể 1 lớp phải chia làm 3 ca: sáng, chiều, tối để thuận tiện cho học sinh vì độ tuổi tiểu học cần có sự phối hợp của phụ huynh, mà phụ huynh của trường đa phần là công nhân đi làm theo ca kíp. Với những học sinh không có phương tiện để học online, giáo viên phải liên lạc điện thoại với phụ huynh để phối hợp, hướng dẫn các em học tập. Như vậy giáo viên sẽ vất vả hơn rất nhiều. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay thì không có cách nào tốt hơn cả. Bản thân giáo viên của trường cũng thấu hiểu điều này và sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ” - cô Hiên chia sẻ thêm.
Phó giám đốc Sở GD-ĐT Võ Ngọc Thạch cho biết, các trường học sẽ tiếp tục khảo sát học sinh, các tổ chuyên môn xây dựng lại kế hoạch dạy học, nội dung nào trực tuyến, nội dung nào dạy trực tiếp. Tiêu chí dạy trực tuyến là phải cô đọng, cốt lõi, học sinh dễ tiếp thu… Những bài học có nội dung cần đào sâu, mở rộng, ứng dụng… sẽ dạy khi học sinh đến trường.
* Tranh thủ “thời gian vàng” khi học sinh đến trường
Theo thầy Nguyễn Đình Thiện, Hiệu trường Trường THPT Long Khánh (TP.Long Khánh), chất lượng dạy học trực tuyến chắc chắn không thể bằng dạy học tại trường nhưng đây là hình thức phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Những buổi học đầu, giáo viên sẽ củng cố lại kiến thức, thậm chí là dạy lại một số bài cho học sinh trước khi chính thức bước vào chương trình mới.
Học sinh học online trong dịp hè. Ảnh: Hải Yến |
Để đảm bảo chất lượng dạy học, đồng thời đáp ứng việc kiểm tra, đánh giá học sinh thì các trường sẽ tranh thủ “thời gian vàng” khi học sinh quay trở lại trường để ôn tập, củng cố kiến thức, đồng thời tập trung dạy những bài có kiến thức trọng tâm cho các em. Đối với những học sinh không tham gia đầy đủ hoặc tiếp thu chậm trong quá trình học trực tuyến, nhà trường sẽ tổ chức dạy phụ đạo thêm cho các em.
Tương tự, đối với học sinh tiểu học, đặc biệt là học sinh lớp 1, 2, trong thời gian học trực tuyến, GVCN sẽ phối hợp cùng phụ huynh để hướng dẫn trẻ học tập và tham gia các hoạt động phù hợp, nhẹ nhàng. Nhà trường sẽ xây dựng thời khóa biểu linh hoạt, tăng tiết tối đa cho 2 môn Tiếng Việt, Toán khi học sinh quay trở lại trường.
Đối với nội dung tập viết, giáo viên không kỳ vọng phụ huynh có thể cầm tay rèn chữ được cho trẻ nhưng sẽ có hướng dẫn chi tiết (điểm đặt bút, điểm kết thúc, độ cao chữ…) để phụ huynh cho trẻ rèn viết. Ngoài ra, phụ huynh có thể tìm các video hướng dẫn tập viết (theo chuẩn) ở trên mạng để tham khảo thêm.
Phó giám đốc Sở GD-ĐT Võ Ngọc Thạch cho biết, trải qua nhiều đợt dạy học trực tuyến, các trường học trong toàn tỉnh đều đã có sự chủ động, chuẩn bị chu đáo cho hình thức dạy học này. Bản thân giáo viên cũng có ý thức tự trau dồi kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin. Do vậy, khó khăn khi triển khai dạy học trực tuyến đa phần đến từ phía phụ huynh, học sinh mà chủ yếu là do không có thiết bị để học hoặc không có đường truyền internet. Đây cũng là khó khăn khó khắc phục nhất.
“Trước mắt, chúng tôi rất mong các mạnh thường quân có thể tặng lại máy tính, điện thoại thông minh đã qua sử dụng cho học sinh vùng sâu, vùng xa; các nhà mạng có thể tặng sim 3G, 4G hoặc cung cấp các gói cước ưu đãi cho học sinh. Trường hợp quá khó khăn, tạm thời học bằng các hình thức khác. Tuy vậy, trong bối cảnh phát triển của xã hội hiện nay thì học trực tuyến là xu hướng sẽ phát triển song song với hình thức học trực tiếp ở nhà trường. Do vậy, không chỉ các trường học mà cả phụ huynh cũng cần có sự chủ động hơn nữa để thích ứng với sự phát triển này” - ông Thạch chia sẻ.
Game hóa kiến thức Ngoài sử dụng phần mềm dạy học chung, để tiết mỗi bài giảng hiệu quả, giáo viên được khuyến khích kết hợp đa dạng các ứng dụng khác để học sinh luôn cảm thấy có sự mới mẻ, hấp dẫn. Trong đó, giáo viên nên tổ chức hoạt động ôn tập, củng cố kiến thức, kiểm tra đánh giá thường xuyên bằng các thiết kế game với các ứng dụng như: Goodle Form, Kahoot, Flipgrid, Quizizz, Quizlet, Blooket, Classkick, Mentimeter, Class Dojo… Việc học thông qua các trò chơi không chỉ giúp học sinh hào hứng mà còn giúp các em tiếp nhận và ghi nhớ kiến thức dễ dàng hơn. |
Hải Yến
Cô Nguyễn Thị Thu Hà, Tổ trưởng Tổ Ngữ văn Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh (TP.Biên Hòa): Tăng tương tác trong dạy học online
Từ kinh nghiệm cá nhân, tôi thấy rằng để mỗi tiết dạy online hiệu quả, sôi nổi, giáo viên cần phải có nhiều hoạt động nhằm tăng tính tương tác giữa giáo viên với học sinh, giữa học sinh với học sinh.
Ngoài việc tạo tương tác trực tiếp thông qua các trò chơi (có nhiều phần mềm để giáo viên lựa chọn khi tạo game), giáo viên cho lớp tăng cường thảo luận, đặt nhiều câu hỏi cho học sinh trong suốt buổi dạy. Giáo viên cũng có thể chia lớp thành các nhóm riêng để thảo luận, làm việc nhóm (chẳng hạn ứng dụng Zoom cho phép giáo viên tạo các nhóm nhỏ để học sinh thảo luận, làm việc nhóm với nhau); hoặc giáo viên giao nhiệm vụ cho cá nhân để các em chuẩn bị trước nội dung và thuyết trình trong phòng học trực tuyến.
Sau giờ học, giáo viên cần duy trì tương tác với các em. Bản thân tôi thường tạo các nhóm Zalo, Facebook để thuận tiện trao đổi với các em. Ngoài ra, hiện cũng có một số phần mềm, công cụ cho phép giáo viên quản lý, theo dõi hoạt động, tiến trình học tập và tương tác với học sinh sau giờ học.
Em Lê Kim Khánh, học sinh lớp 12C14, Trường THPT Xuân Lộc (H.Xuân Lộc): Nên có hình thức kiểm tra, đánh giá phù hợp, đảm bảo tính công bằng
Đối với em, việc học online đã trở nên quen thuộc. Thử thách lớn nhất đối với em và nhiều bạn khác khi học online đó là tinh thần tự học và sự siêng năng. Thỉnh thoảng, em cũng gặp trục trặc về kết nối mạng làm gián đoạn việc học.
Theo em, để tiết học online diễn ra sôi nổi, bớt nhàm chán thì cần có tương tác nhiều hơn. Em thấy các ứng dụng mà em đang học (Zoom, Zavi, Google Meet) đều hỗ trợ rất tốt cho việc tương tác trong lớp học. Ngoài ra, em thích việc học thông qua các trò chơi.
Em mong muốn ngoài việc tăng cường tương tác trong lớp học online thì thầy cô cũng cần có biện pháp kiểm tra, đánh giá học sinh một cách phù hợp và đảm bảo tính công bằng.
Chị Trương Thị An Hòa (phụ huynh học sinh ngụ xã Phước Thiền, H.Nhơn Trạch): Học sinh có thể xem lại bài giảng nhiều lần nếu không hiểu
Con của tôi hiện đang tham gia khóa học online mùa hè. Qua theo dõi quá trình học của con, tôi thấy cũng không khác với ở trường là mấy. Thầy cô và học trò vẫn giữ được tương tác, tận tình truyền thụ kiến thức. Tôi thấy quy trình dạy học online như vậy là ổn. Thậm chí, dạy học online có ưu điểm là giáo viên có thể ghi hình lại toàn bộ tiết dạy để học sinh có thể xem đi xem lại nhiều lần nếu chưa hiểu. Còn học ở trường, nếu như học sinh không hiểu nhưng lại nhút nhát không dám hỏi thầy cô thì các em sẽ không có cơ hội được nghe giảng lại nữa.
Về phía gia đình, chúng tôi tạo điều kiện thuận lợi cho con tham gia học. Cụ thể là dành riêng cho con góc học tập, cố gắng giữ không gian yên tĩnh khi con học online để con không bị phân tâm. Về phía học sinh, tôi thấy may mắn là con gái tôi có ý thức tự học và biết đặt mục tiêu trong học tập để theo đuổi.
Trong tình hình dịch bệnh hiện nay, lựa chọn dạy học online là phù hợp. Điều quan trọng là mức độ đầu tư cho bài giảng của giáo viên và sự tự giác, tập trung học tập của học sinh. Nếu giáo viên biết tạo động lực và khéo léo dẫn dắt học sinh trong các hoạt động học tập thì học online vẫn hiệu quả.
Bản thân tôi không đặt nặng thành tích hoặc kỳ vọng quá nhiều đối với con trong học tập nên cả gia đình đều thoải mái đón nhận năm học mới đặc biệt này.
Tường Vi (ghi)