Do nhu cầu ngày càng cao của nền kinh tế toàn cầu, những nguồn tài nguyên thiên nhiên đang dần cạn kiệt ở mức báo động, đồng thời rác thải và ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng. Ý tưởng về một "nền kinh tế tuần hoàn" bền vững hơn đang được quan tâm. Khái niệm này có nghĩa là gì? Liệu nền kinh tế tuần hoàn có thể giúp cứu hành tinh của chúng ta không?
Do nhu cầu ngày càng cao của nền kinh tế toàn cầu, những nguồn tài nguyên thiên nhiên đang dần cạn kiệt ở mức báo động, đồng thời rác thải và ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng. Ý tưởng về một “nền kinh tế tuần hoàn” bền vững hơn đang được quan tâm. Khái niệm này có nghĩa là gì? Liệu nền kinh tế tuần hoàn có thể giúp cứu hành tinh của chúng ta không?
Nữ công nhân phân loại nhựa tại một nhà máy tái chế ở Jordan. Nguồn: UNDP/Sumaya Agha |
* 1. Kinh doanh như thường lệ - con đường dẫn đến thảm họa
Cách chúng ta đang khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên chiếm 90% trong những nguyên nhân gây ra các vấn đề môi trường như: mất đa dạng sinh học toàn cầu, khan hiếm nước (nhu cầu sử dụng nước lớn hơn lượng nước hiện có) và tỷ lệ lượng khí thải độc hại đáng kể dẫn đến biến đổi khí hậu. Với đường hướng phát triển nền kinh tế hiện nay, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng con người sẽ bị đẩy vào con đường dẫn đến thảm họa.
Trong 3 thập kỷ qua, con người khai thác lượng vật liệu thô từ thiên nhiên đã tăng hơn gấp đôi. Với tốc độ khai thác như hiện nay, con số này được dự báo sẽ tiếp tục tăng gấp đôi vào năm 2060. Theo Ban Tài nguyên quốc tế (thuộc Chương trình Môi trường của LHQ), một nhóm gồm các nhà khoa học và chuyên gia hoạt động độc lập, được tập hợp bởi LHQ để xem xét về vấn đề này, cho biết con người phải đối mặt với tình trạng nhiệt độ tăng từ 3-6 độ, nhiều loài sinh vật sẽ bị đe dọa sự sống.
* 2. Nền kinh tế tuần hoàn đòi hỏi sự thay đổi từ gốc rễ
Tuy chưa có một định nghĩa thống nhất về khái niệm “nền kinh tế tuần hoàn” nhưng trong một hội nghị hàng đầu về môi trường của LHQ vào năm 2019, Hội đồng Môi trường LHQ đã mô tả kinh tế tuần hoàn là một mô hình kinh tế mà sản phẩm và vật liệu “được thiết kế theo phương thức có thể tái sử dụng, tái sản xuất, tái chế, thu hồi và được duy trì càng lâu càng tốt”. Sử dụng ít tài nguyên hơn, thải ra ít chất thải hơn và quan trọng hơn cả là ngăn chặn hoặc giảm thiểu lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Phương thức hoạt động này không chỉ dừng lại ở công đoạn tái chế đơn thuần. Để thực hiện nền kinh tế tuần hoàn đòi hỏi mô hình kinh tế “lỗi thời có tính toán” (các sản phẩm được mua, sử dụng và thay thế thường xuyên) sẽ phải bị ngừng lại. Doanh nghiệp và người tiêu dùng sẽ cần phải quan tâm nhiều hơn đến chất lượng của nguyên vật liệu tạo nên sản phẩm, từ thủy tinh, kim loại, chất dẻo cho đến sợi may mặc. Sản phẩm cần được bảo trì và sửa chữa trước khi được thay thế hoàn toàn.
* 3. Biến rác thành tiền
Ở những quốc gia phát triển và đang phát triển, người tiêu dùng càng ngày hiểu hơn về lợi ích mà nền kinh tế tuần hoàn mang lại và doanh nghiệp nhận ra rằng tiền có thể kiếm được từ đây. Bà Olga Algayerova, Người đứng đầu Ủy ban Kinh tế châu Âu của LHQ (UNECE) Olga Algayerova cho biết: “Nền kinh tế tuần hoàn là giải pháp giúp giảm thiểu lượng khí carbon mà hoạt động kinh tế hiện tại đang thải ra, đồng thời có thể giúp tạo ra 1,8 triệu việc làm vào năm 2040”.
Công ty Ô tô Ford của Mỹ sẽ sản xuất xe bán tải chạy hoàn toàn bằng điện đầu tiên vào năm 2022. Nguồn: Ford / Sam VarnHagen |
Ví dụ, Mỹ có khoảng 15 triệu tấn đồ nội thất bị vứt bỏ mỗi năm. Người dân Mỹ luôn có nhu cầu sở hữu đồ nội thất chất lượng cao, giá cả phải chăng. Điều này đã thúc đẩy sự ra đời của Kaiyo - một thị trường trực tuyến mua bán, sửa chữa đồ nội thất đã qua sử dụng. Hiện công ty này đang phát triển nhanh chóng cùng với các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh tương tự, chẳng hạn như ứng dụng chia sẻ xe hơi Zipcar hay Rent the Runway - một dịch vụ cho thuê quần áo thiết kế.
Ở châu Phi, có nhiều dự án lớn nhỏ hoạt động theo mô hình nền kinh tế tuần hoàn bằng cách sử dụng nguồn lực hiện có một cách hiệu quả nhất có thể. Nổi bật là Gjenge Makers - công ty bán gạch làm từ rác thải ở Kenya. Cô Nzambi Matee - nhà sáng lập trẻ tuổi, người từng nhận giải thưởng Nhà vô địch trái đất của LHQ - cho biết cô đang biến rác thành tiền theo đúng nghĩa đen. Vấn đề lớn nhất cô phải đối mặt hiện nay là làm thế nào để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ: Mỗi ngày Công ty Gjenge Makers tái chế khoảng 500kg chất thải và có thể sản xuất tới 1.500 viên gạch nhựa mỗi ngày.
* 4. Cần sự hỗ trợ của các chính phủ
Tuy nhiên, để quá trình chuyển đổi diễn ra thuận lợi đòi hỏi cần sự tham gia của các chính phủ. Gần đây ở một số quốc gia và khu vực, nhiều cam kết chịu trách nhiệm về việc sử dụng và lãnh phí tài nguyên thiên nhiên được thực hiện.
Ví dụ, Chính phủ Mỹ đã xây thêm nhiều ngôi nhà tiết kiệm năng lượng, điện khí hóa đội xe liên bang, kể cả xe bưu điện và chấm dứt ô nhiễm khí carbon do sản xuất điện vào năm 2035.
Một phụ nữ ở Mongolia làm hàng gia dụng từ đồ nhựa thải. Nguồn: UNDP Mongolia |
Tại Liên minh châu Âu, kế hoạch hành động vì một nền kinh tế tuần hoàn đã được thông qua vào năm 2020. Đây là một trong những nền tảng của Thỏa thuận Xanh châu Âu (European Green Deal), nhằm đưa châu Âu trở thành lục địa đầu tiên đạt mức trung hòa về khí hậu.
Các quốc gia như: Rwanda, Nigeria và Nam Phi đã thành lập Liên minh Kinh tế tuần hoàn châu Phi. Tổ chức này ra đời nhằm kêu gọi áp dụng rộng rãi nền kinh tế tuần hoàn trên khắp châu Phi, hỗ trợ các nhà lãnh đạo đưa ra ý tưởng và tạo sự liên kết để thực hiện các dự án thử nghiệm.
* 5. Nhân rộng mô hình kinh tế tuần hoàn
Chặng đường để nền kinh tế tuần hoàn đi vào thực tiễn vẫn còn rất xa và đầy thách thức. Theo Báo cáo năm 2021 của Tổ chức phi lợi nhuận Circle Economy, ước tính tỷ lệ vật liệu thu hồi trên tổng số vật liệu đã được sử dụng chỉ ở mức 8,6%, giảm so với con số 9,1% vào năm 2018.
Vậy làm thế nào để nền kinh tế thế giới có thể “tuần hoàn”? Lời giải đáp cho câu hỏi này vẫn còn bỏ ngỏ. Tuy nhiên, bà Olga Algayerova chỉ ra rằng những quy định chặt chẽ sẽ giải quyết được vấn đề này.
“Tôi rất lạc quan đối với lĩnh vực sản xuất ô tô. Vào năm 2013, Ủy ban Kinh tế châu Âu của LHQ đã thông qua một quy định yêu cầu 85% khối lượng xe mới phải có khả năng tái sử dụng và tái chế. Quy định này đã làm thay đổi thiết kế của khoảng 1/4 tổng số xe bán ra trên toàn cầu, khoảng 23 triệu chiếc vào năm 2019. Đó là một bước đi đúng hướng, cần được mở rộng quy mô trên tất cả các lĩnh vực. Việc chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn mang lại lợi ích không chỉ cho doanh nghiệp mà còn cho người tiêu dùng và môi trường. Nền kinh tế tuần hoàn phải là trọng tâm của sự phục hồi bền vững sau đại dịch Covid-19” - bà Olga Algayerova cho biết thêm.
Minh Hồng (biên dịch theo news.un.org)