Nhà báo Trung Nghĩa, phóng viên Việt Nam có kỷ lục tác nghiệp tại 5 kỳ EURO liên tiếp tại châu Âu (EURO 2000, 2004, 2008, 2012 và 2016) tiết lộ đại dịch Covid-19 đã hạn chế rất nhiều nỗ lực tác nghiệp EURO 2020 của các nhà báo trên toàn cầu.
Nhà báo Trung Nghĩa, phóng viên Việt Nam có kỷ lục tác nghiệp tại 5 kỳ EURO liên tiếp tại châu Âu (EURO 2000, 2004, 2008, 2012 và 2016) tiết lộ đại dịch Covid-19 đã hạn chế rất nhiều nỗ lực tác nghiệp EURO 2020 của các nhà báo trên toàn cầu.
Dưới đây là bài viết tiết lộ nhiều chuyện hậu trường chuyên môn của anh nhân Ngày nhà báo 21-6.
* Chờ một năm dài rồi… thôi
Đó là tình cảnh của hàng ngàn phóng viên trên toàn cầu phải chấp nhận trong quá trình làm thẻ tác nghiệp EURO 2020 do dịch bệnh Covid-19. UEFA đã mở cổng trực tuyến cho các nhà báo đăng ký thẻ tác nghiệp từ tháng 12-2019. Đến tháng 3-2020 thì dịch bệnh Covid-19 xảy ra. Sau đó giải đấu bị hoãn sang mùa hè năm nay và hồ sơ đăng ký theo đó cũng trong tình trạng “đóng băng” (frozen) suốt một năm ròng.
Cho đến tận cuối tháng 4-2021, sau khi UEFA chắc chắn tổ chức giải đấu EURO kèm những thay đổi cuối cùng vì địa điểm tổ chức, quy định tổ chức phù hợp với tình hình mới, bộ phận truyền thông mới gửi thư thông báo rằng số lượng người trong ngành truyền thông tham gia đưa tin trực tiếp về giải đấu sẽ bị hạn chế tối đa, không gian làm báo cũng thu hẹp đáng kể một cách bất khả kháng vì Covid-19.
Đội tuyển Italy và Cristiano Ronaldo gây ấn tượng tại EURO 2020 |
UEFA đã gửi thư thông báo cho nhiều nhà báo rằng lần này thẻ tác nghiệp chỉ ưu tiên cấp cho các nhà báo từ 24 quốc gia có đội tuyển tham dự VCK, cho 11 quốc gia đăng cai EURO, các hãng truyền thông hàng đầu thế giới như: Reuters, AFP, AP… Những chính sách chưa từng có tiền lệ dành cho báo chí, truyền thông tác nghiệp sự kiện trong một hoàn cảnh hết sức đặc biệt như kỳ giải này cũng được loan báo như áp dụng các biện pháp phòng, chống Covid-19 thông qua xét nghiệm âm tính, giấy xác nhận đã tiêm ngừa vaccine đầy đủ… Nguyên tắc Bubble (bong bóng) yêu cầu các nhà báo đăng ký di chuyển hoàn toàn khép kín từ khách sạn đến sân vận động và ngược lại để hạn chế những rủi ro lây nhiễm trong quá trình đưa tin về giải.
* Khó đi tác nghiệp vì Covid-19
Tháng trước, người viết nhắn tin hỏi đồng nghiệp Rob Cianflone - nhiếp ảnh gia của hãng ảnh lớn nhất thế giới Getty Images (là đối tác chụp ảnh cho FIFA, UEFA…) hiện thường trú ở Melbourne (Australia), rằng anh có sang châu Âu chụp ảnh EURO không, anh nói “rất tiếc không đi được vì không có chuyến bay quốc tế. Hy vọng mọi thứ tốt đẹp đối với bạn” - tay máy từng chinh chiến bao kỳ thể thao quốc tế kể từ Olympic Sydney 2000 đến nay nói.
Đó cũng là tình cảnh của nhiều nhà báo trong nước mà tôi biết như Trương Anh Ngọc (bình luận viên bóng đá, thư ký tòa soạn Báo Thể thao & văn hóa - Thông tấn xã Việt Nam), Đỗ Hùng (Báo Thanh niên, từng tác nghiệp từ World Cup 2006 đến EURO 2016), hay các nhóm phóng viên Đài Truyền hình Việt Nam VTV (đơn vị có bản quyền phát sóng chính thức giải EURO 2020 tại Việt Nam)... Họ đều phải hủy kế hoạch cho các chuyến đi sang châu Âu tác nghiệp tại EURO lần này. Tất cả đều “dừng chân” trước hành trình quá phức tạp và bất trắc bởi khả năng lây nhiễm Covid-19 cao, luật cách ly 10 ngày cùng nhiều lần xét nghiệm áp dụng cho người nhập cảnh ở đa số các quốc gia châu Âu và Anh...
* UEFA tạo điều kiện hết mình
Dẫu Covid-19 đã tác động mạnh đến hoạt động truyền thông báo chí tại EURO 2020 nhưng một điều an ủi là UEFA đã tạo điều kiện thuận lợi hơn bao giờ hết trong việc cung cấp mọi thông tin, hình ảnh, video clip qua hệ thống truyền thông mạng (UEFA Media Pool - tức Kênh truyền thông UEFA). Thông tin hằng ngày (Daily notification) về giải đấu cũng được gửi tới liên tục cho các nhà báo trên toàn cầu không có điều kiện đi tác nghiệp trực tiếp nắm bắt. Điều này là một sự bù đắp rất tốt cho giới truyền thông trong việc đón nhận những thông tin chính thống, chính thức từ Ban tổ chức giải.
Hai nhà báo Việt Nam Trung Nghĩa và Đỗ Hùng (phải) từng tác nghiệp tại EURO 2016 |
Như vậy có thể nói trong điều kiện khó khăn và chưa từng trải vì dịch bệnh Covid-19, nếu như UEFA vẫn quyết tâm tổ chức giải đấu EURO 2020 suôn sẻ (theo quan niệm “có còn hơn không”) thì giới truyền thông, cánh nhà báo cũng theo đó mà vượt qua những hạn chế, phiền toái để nỗ lực làm công việc của mình, góp phần truyền tải những thông tin hữu ích nhất về EURO cho người hâm mộ bóng đá “thỏa cơn ghiền”. Âu cũng là một kỷ niệm khó quên!
Trên thực tế, giới truyền thông tác nghiệp chính thức ở châu Âu cũng phải thích nghi với những hạn chế tại EURO 2020. Cụ thể, lượng nhiếp ảnh gia tác nghiệp trong sân vận động cho mỗi trận đấu đã giảm tối đa, chỉ còn 1/10 so với các kỳ giải trước. Khu mixzone quen thuộc dành cho các phóng viên viết phỏng vấn cầu thủ sau trận đấu cũng hủy bỏ… |
Trung Nghĩa