1- Cộng đồng mạng tuần qua đổ dồn sự chú ý vào một bài thơ (trong chùm thơ 3 bài) đoạt giải nhì cuộc thi thơ do Báo Văn nghệ tổ chức.
1- Cộng đồng mạng tuần qua đổ dồn sự chú ý vào một bài thơ (trong chùm thơ 3 bài) đoạt giải nhì cuộc thi thơ do Báo Văn nghệ tổ chức. Nhiều ý kiến chê bai cho rằng đây không phải là thơ, thậm chí là “thảm họa” vì nó không tuân theo một nguyên tắc nào của thi ca, từ thể loại, ngôn ngữ đến câu, vần… Và rằng nếu làm thơ như thế này thì dễ quá, ai cũng có thể làm được!
Thế nhưng, cũng có không ít ý kiến cho rằng dù bài thơ có ngôn ngữ ngô nghê nhưng mộc mạc, thể hiện đúng bản chất của người dân vùng dân tộc thiểu số. Hơn nữa, bài thơ còn có ý nghĩa nhân văn khi không phải ai “chửi trộm” cũng có tấm lòng nhân hậu, vị tha như thế. Đặc biệt, trong thời đại ngày nay, thơ ca không nhất thiết phải tuân thủ các nguyên tắc mà nên cởi mở, chỉ cần có ý tưởng tốt thì nên khuyến khích, chấp nhận và nhìn nhận như một sự đa dạng của văn hóa, của thi ca.
2- Bộ phim Bố già của Trấn Thành sau hơn 1 tháng công chiếu trở thành bộ phim Việt có doanh thu “khủng” nhất mọi thời đại với con số cán mốc 400 tỷ đồng. Theo đánh giá của giới chuyên môn, Bố già chưa hẳn là một bộ phim xuất sắc, vẫn còn có những “hạt sạn” ở đâu đó trong phim. Nhưng xét về tổng thể, bộ phim đã chạm được cảm xúc của người xem ở những điều rất giản dị trong cuộc sống hằng ngày, như mối quan hệ trong gia đình, cha con, anh chị em… Khán giả thấy mình ở trong đó, rất thật, rất đời và họ cảm nhận được sự chân thật, gần gũi - điều mà nhiều bộ phim Việt chưa làm được.
Rõ ràng, thành công của phim Bố già có nhiều yếu tố nhưng có một yếu tố không thể phủ nhận, giúp bộ phim trở thành một hiện tượng gây sốt phòng vé đó chính là ý nghĩa nhân văn chạm vào cảm xúc, tạo được sự đồng cảm của khán giả.
3- Hai sự kiện văn hóa - văn nghệ gây chú ý thời gian qua là tín hiệu cho thấy đời sống văn hóa - văn nghệ đang sôi động trở lại sau một thời gian im ắng do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Dù còn có những ý kiến trái chiều nhưng đó là điều dễ hiểu và nên mừng nhiều hơn lo. Bởi lẽ, thơ ca hay điện ảnh vẫn đang rất được công chúng quan tâm, có nhiều trông đợi và kỳ vọng. Vì nếu không quan tâm, không kỳ vọng, công chúng sẽ không phản ứng lại, kỹ lưỡng phân tích cái hay - dở của một bài thơ, để rồi từ đó yêu cầu thi ca phải là những tác phẩm giàu cảm xúc, có ý nghĩa. Hay nếu thờ ơ với phim Việt, khán giả cũng sẽ không đến rạp chỉ vì đạo diễn hay diễn viên nổi tiếng tham gia trong phim mà dành sự chú ý đến nội dung, thông điệp bộ phim muốn chuyển tải…
Sự xôn xao của công chúng về một hiện tượng trong đời sống văn hóa - văn nghệ rồi sẽ lắng xuống nhưng lại đặt ra nhiều vấn đề đối với những đơn vị có liên quan cũng như chính giới văn nghệ sĩ trong việc làm sao và làm như thế nào để khơi nguồn sáng tạo, sáng tác được những tác phẩm mang hơi thở cuộc sống, được công chúng quan tâm và phải chấp nhận “mổ xẻ” đa chiều…
Minh Ngọc