Biên Hòa - Đồng Nai là vùng đất có lịch sử hình thành lâu đời bậc nhất ở miền Nam. Quá trình phát triển hơn 320 năm, vùng đất này đã trở thành nơi an cư của bao người gốc các miền Bắc, Trung, Tây. Cùng với sự ra đời của các khu dân cư, các ngành nghề, nơi trao đổi hàng hóa cũng dần hình thành tại đây.
Biên Hòa - Đồng Nai là vùng đất có lịch sử hình thành lâu đời bậc nhất ở miền Nam. Quá trình phát triển hơn 320 năm, vùng đất này đã trở thành nơi an cư của bao người gốc các miền Bắc, Trung, Tây. Cùng với sự ra đời của các khu dân cư, các ngành nghề, nơi trao đổi hàng hóa cũng dần hình thành tại đây.
Khách mua rau xanh ở chợ Tân Hiệp (TP.Biên Hòa) |
Mặc dù không có sự phân biệt rạch ròi, nhưng nếu để ý các mặt hàng ẩm thực, cách bày trí, thói quen mua bán, giao tiếp, người ta dễ dàng nhận ra chợ Bắc, chợ Nam.
* Lòng heo, thịt chó, tương bần...
Đây là những mặt hàng ẩm thực đặc trưng của miền Bắc có bán tại các chợ: Sặt, Tân Hiệp, Cổng 2, Tân Phong, Tân Mai... Bên cạnh đó là bột sắn dây, miến dong, măng khô, bóng bì. Các loại gia vị như: hạt dổi, mắm tôm, mắm chua, thính...
Ở TP.Biên Hòa có nhiều chợ mang màu sắc văn hóa vùng miền. Điều đó được thể hiện thông qua các mặt hàng ẩm thực, cách bài trí, văn hóa mua bán. Bên cạnh những chợ mang đậm văn hóa đất Bắc như: Sặt, Tân Hiệp, Tân Mai, Tân Phong..., là những chợ đậm chất Nam bộ như: Biên Hòa, Đồn, Hiệp Hòa, Tân Hạnh. Ngày nay, các chợ đều có giao thoa văn hóa, giao thoa mặt hàng, giao thoa kẻ bán người mua, nhưng có những loại mặt hàng người ta phải đi đến đúng chợ Bắc hoặc chợ Nam mới mua được hàng ngon, giá rẻ. |
Một trong những nơi mang đậm nét văn hóa ẩm thực vùng quê Bắc bộ nhất ở Biên Hòa là chợ Sặt (P.Tân Biên). Những người buôn bán lâu năm ở chợ Sặt cho biết, sau năm 1954, nhiều người dân gốc Bắc vào Biên Hòa định cư. Để ổn định cuộc sống, họ bắt tay làm miến khô, bánh khô, bánh chưng, bánh gai để ăn và trao đổi với người dân địa phương. Về sau, giao dịch mua bán phát triển, chợ Sặt hình thành ngay bên quốc lộ 1 và phát triển thành chợ quy mô nhất nhì Biên Hòa.
Hiện tại, chợ Sặt được xem là chợ đầu mối về các mặt hàng như: miến làm từ gạo, củ dong, củ mì; bánh quy, quẩy, bánh cá, bánh đa, bánh cuộn; bánh chưng, bánh gai. Các mặt hàng này đa phần do người dân gốc Bắc quanh khu vực Hố Nai làm ra và đưa về chợ phân phối. Ngoài ra, chợ có bán nhiều loại gia vị Bắc như: tương bần, hạt dổi, hạt mắc khén, quả sấu, khế chua, nấm hương, hành tăm. Bên cạnh đó là những mặt hàng công nghiệp như: quần áo, giày dép, mỹ phẩm.
Còn chợ Tân Hiệp có đầy đủ các loại mặt hàng như chợ ngoài Bắc nhưng có xen kẽ món hàng của người Nam nên đa dạng hơn. Chẳng hạn, như cùng gia vị chát ăn kèm với món gỏi, chợ có bán cả quả sung, quả vả lẫn quả bần (đặc trưng rừng ngập mặn); chợ bán mắm cá bên cạnh mắm tôm, mắp tép; có cả xoài chín lẫn xoài non ăn kèm mắm ruốc. Chợ Tân Hiệp có mặt hàng mà hầu như các chợ Nam thậm chí chợ Bắc ở miền Nam ít nơi có đó là chó, mèo con. Nhiều người buôn bán ở chợ cho biết, trước đây, chợ có khu bán heo giống, gà giống, chó mèo giống, nhưng hiện tại chỉ còn chó và mèo. Có khi người ta bán bên trong chợ, có khi đưa ra mặt tiền Đồng Khởi để bán.
Nếu lo đi chợ Sặt phải gửi xe, đi chợ Tân Hiệp phải trả giá thì về chợ Cổng 2 (hay còn gọi chợ bộ đội, P.Trung Dũng). Mặc dù đây là khu buôn bán tự phát nhưng từ lâu người dân quanh vùng xem đây là chợ. Chỉ việc ngồi trên xe máy chạy chậm khoảng 200m là có thể mua đầy đủ các món ăn cho cả gia đình. Về thực phẩm chế biến sẵn, chợ có: chè, bánh gai, bánh chưng, bánh cuốn; nem Bắc, bê thui, dưa cà muối, thịt chó làm sẵn, lòng heo luộc chín. Về gia vị, chợ có: lá chanh, củ riềng, lá mơ, rau thì là, quả chay, quả sấu, hành tỏi Bắc, tương bần, mắm tôm, thính, mẻ. Ngoài ra, chợ còn có bán trầu cau vào những ngày rằm, mùng 1, Tết; đồ vàng mã. Ưu điểm của chợ này là người bán rất ít nói thách, người mua không phải trả giá.
* Khô, mắm - gian hàng đặc trưng ở chợ Nam
Bên cạnh những ngôi chợ mang màu sắc văn hóa đất Bắc là những ngôi chợ lâu đời đậm chất Nam bộ. Đó là các chợ: Biên Hòa, Đồn, Hiệp Hòa, Tân Hạnh, Bửu Long... Ngày nay, giao thương phát triển, các chợ đều có sự giao thoa ngành hàng, người mua kẻ bán, tuy nhiên, nếu để ý vẫn dễ dàng nhận ra chợ Nam có gian hàng khô và mắm; thực phẩm tươi sống như ốc, tôm, cua, cá nhiều hơn thịt heo, thịt bò; không hoặc ít bán thịt chó, mèo; bưởi tính 1 chục bằng 12 trái...
Lòng heo ở chợ Tân Mai, ẩm thực đặc trưng của chợ Bắc |
Chợ Biên Hòa là chợ Nam lâu đời ở đất Biên Hòa. Chợ có bán đầy đủ các loại mặt hàng nhưng nhiều và đặc trưng nhất là gian hàng khô và mắm. Ở đây có bán rất nhiều loại mắm làm từ cá; tôm khô, cá khô, đồ muối ngọt. Có thể kể đến mắm cá linh, mắm cá sặc, mắm cá cơm, ba khía... giá khoảng 100-150 ngàn đồng/kg; khô cá lóc, khô cá đù, khô cá đuối, khô cá sặc... giá từ 200-500 ngàn đồng/kg; tôm khô các loại giá từ 300-700 ngàn đồng/kg. Các loại rau muối ngọt như: đu đủ, dưa leo, cà pháo vài chục ngàn đồng/ký. Người mua có thể mua cả ký, cũng có thể mua vài ngàn đồng ăn trong ngày.
Bà Lê Trần Bích Liễu, chủ quầy mắm Bích Liễu ở chợ Biên Hòa cho biết, gia đình bà buôn bán ở chợ đã hơn 50 năm. Không giống như những quầy “hàng xén” của người Bắc, bà Liễu chỉ bán khô và mắm cá các loại. “Tất cả những mặt hàng tôi bán đều lấy mối từ dưới miền Tây: khô sặc lấy từ Bạc Liêu, Cà Mau; mắm lóc, mắm linh vùng Châu Đốc (An Giang)... Trước đây, các tiểu thương ở chợ hùn xe về tận miền Tây chở hàng. Sau này, mối giao tận chợ. Tôi vừa bán lẻ, vừa bỏ mối cho các quán ăn, tiểu thương ở các chợ khác” - bà Liễu chia sẻ. Bà cho biết thêm, ngày nay, chợ cóc, cửa hàng tạp hóa, hàng quán đều bán khô, mắm nhưng những người sành ăn, mối quen vẫn vào chợ Biên Hòa mua cho yên tâm. Chợ Biên Hòa phân ra loại giá rẻ, bình dân, cao cấp.
Cạnh đó là quầy hàng khô của ông Sáu Thảo. Quầy hàng này có rất nhiều loại cá khô, tôm khô, xúc xích. Riêng mặt hàng tôm khô đã có đến gần chục loại, có loại chỉ có giá vài trăm ngàn đồng/kg nhưng cũng có loại gần triệu đồng/kg. Ông Sáu Thảo kể, mình đã gắn bó với chợ Biên Hòa từ khi còn nhỏ, những năm 1950. Hồi đó, mỗi dịp Tết ông được mẹ cho ra chợ để trông hàng vì người mua kẻ bán nhiều, chợ không có camera giám sát như ngày nay. Trong trí nhớ của ông Sáu Thảo, chợ Biên Hòa có bán nhiều đồ gia dụng làm từ chất liệu gốm, gỗ mỹ nghệ và mây tre, nhưng hiện tại còn rất ít, một số mặt hàng không còn, thay vào đó là hàng công nghiệp.
Cùng với chợ Biên Hòa, chợ Đồn (chợ Bửu Hòa, thuộc P.Bửu Hòa) nằm kế bên sông Đồng Nai cũng là chợ Nam lâu đời ở đất Biên Hòa. Không bề thế như chợ Biên Hòa, chợ Đồn mang nét dân dã của người dân Nam bộ. Người bán, người mua ở chợ Đồn đa phần là công nhân, dân lao động nên giá cả cũng rẻ hơn so với chợ Biên Hòa. Các mặt hàng đặc trưng: bông súng, bông điên điển, đọt bèo tây cho rau đắng, bắp chuối bào có khi được để trên cái mẹt, trong cái thau. So với các chợ Bắc ở Biên Hòa, ở chợ Đồn hàng cá, tôm, cua, ốc chiếm ưu thế hơn hàng thịt...
Hoàng Lộc