Khoa Phong Bệnh viện Da liễu Đồng Nai hiện đang điều trị cho gần 20 bệnh nhân bị bệnh phong. Hầu hết trong số họ đều là người già, neo đơn, không nơi nương tựa.
Khoa Phong Bệnh viện Da liễu Đồng Nai hiện đang điều trị cho gần 20 bệnh nhân bị bệnh phong. Hầu hết trong số họ đều là người già, neo đơn, không nơi nương tựa.
BS Phạm Văn Thao thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: H.Dung |
Thấu hiểu tâm tư của người bệnh phong, các bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý trong khoa luôn cố gắng làm tốt công việc của mình để chia sẻ phần nào nỗi đau không chỉ về thể xác mà cả những tổn thương trong tâm hồn họ.
* Yêu nghề, mến bệnh nhân
BS Phạm Văn Thao là một trong 4 bác sĩ đang làm việc tại Khoa Phong, cũng là bác sĩ trẻ tuổi nhất (29 tuổi). Anh chia sẻ, sau khi tốt nghiệp bác sĩ đa khoa Trường đại học Y dược TP.HCM, anh về công tác tại Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Do yêu thích chuyên ngành Da liễu nên anh đi học chuyên khoa da liễu và sau đó về công tác tại Khoa Phong Bệnh viện Da liễu Đồng Nai. Trước khi học y, BS Thao từng nghe nói tới bệnh phong với các tên gọi như bệnh cùi, hủi, tưởng là bệnh nan y vì người bị bệnh phong thường bị cộng đồng xa lánh, hắt hủi, thậm chí ngược đãi. Đến khi học y, anh hiểu hơn về bệnh phong nhưng còn khá mơ hồ vì thời lượng các tiết học liên quan đến bệnh phong rất ít.
Trong 2 năm qua, Khoa Phong Bệnh viện Da liễu Đồng Nai tiếp nhận 4 bệnh nhân phong mới. Những bệnh nhân mắc bệnh phong thể nhiều vi khuẩn phải uống thuốc ít nhất 12 tháng, có sự giám sát của bác sĩ thì mới được công nhận là khỏi bệnh. Có 2 trường hợp bị phản ứng phong đã được khoa điều trị ổn và cho xuất viện, tiếp tục điều trị ở cộng đồng. |
Sau hơn 2 năm làm việc tại Khoa Phong, BS Thao đã hiểu hơn nhiều về bệnh phong. Anh muốn nhiều người dân cùng hiểu phong là bệnh nhiễm trùng mạn tính, lây lan qua đường tiếp xúc trực tiếp nhưng tỷ lệ lây rất thấp, không gây tử vong, không di truyền. Nếu không được điều trị kịp thời có thể viêm dây thần kinh ngoại biên cấp tính dẫn tới tàn tật vĩnh viễn, di chứng nặng nề. Vì vậy, người dân nếu có những dấu hiệu nghi ngờ bị bệnh phong như: có các mảng da thay đổi màu sắc, giảm hoặc mất cảm giác thì nên tới cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời. Với sự tiến bộ của y học hiện nay, bệnh phong đã được chữa khỏi hoàn toàn.
Nói về công việc của mình, BS Thao cho hay, anh được phân công phụ trách 2 buồng bệnh. Hằng ngày, anh thăm khám cho các bệnh nhân. Tùy thuộc vào mức độ bệnh của bệnh nhân, bác sĩ sẽ có những chỉ định điều trị phù hợp. Bệnh nhân khi được điều trị ổn sẽ được chuyển về phòng chỉ đạo tuyến của bệnh viện để quản lý và điều trị ở cộng đồng. Mục đích chính của việc điều trị bệnh phong là giúp người bệnh có thể hòa nhập cộng đồng, hồi phục dựa vào cộng đồng. Thuốc phong rất dễ uống, có hướng dẫn cụ thể nhưng trong quá trình uống thuốc, bệnh nhân có thể bị các cơn phản ứng phong rất nặng khiến tổn thương, viêm dây thần kinh cấp tính có thể dẫn đến tàn tật ngay lập tức. Vì thế, nếu bệnh nhân không quay lại bệnh viện để điều trị thì rất dễ bị các di chứng sau này.
Bệnh nhân Trương Đình Trung trao bức thư cảm ơn cho BS Phạm Văn Thao |
Để bệnh nhân phong cảm thấy gần gũi hơn, các bác sĩ trong Khoa Phong khi khám bệnh thường không mang bao tay. Họ muốn sử dụng tay không để tiếp xúc với da của người bệnh, giúp người bệnh giảm bớt sự tự ti, mặc cảm. Các bác sĩ chỉ mang bao tay trong trường hợp bệnh nhân có vết thương, bàn chân có lỗ đáo nhằm đảm bảo không bị nhiễm trùng.
* Ngôi nhà thứ 2 của những bệnh nhân đặc biệt
Trong số các bệnh nhân đang điều trị tại Khoa Phong, người có “thâm niên” nhất là bà Trương Đình Trung (ngụ H.Thống Nhất). Bà Trung năm nay 69 tuổi, phát hiện bị bệnh phong từ năm 34 tuổi. Do lo sợ bị cộng đồng kỳ thị, bà Trung khi đó không dám đến cơ sở y tế để thăm khám, điều trị mà “trốn” vào trong rẫy để sống, không dám cho ai biết về bệnh tình của mình. Mãi hơn 2 năm sau, khi chân tay đã cụt gần hết, bà mới đến Bệnh viện Da liễu Đồng Nai để điều trị và ở suốt trong bệnh viện từ đó đến nay.
Mặc dù cả 2 bàn tay chỉ còn 1 ngón tay cái nhưng bà Trung viết chữ rất đẹp. Các bệnh nhân trong khoa nếu muốn viết thư hay ghi chép điều gì đều nhờ bà Trung giúp đỡ. Chính điều này cũng là động lực để nhiều bác sĩ, điều dưỡng trong khoa nỗ lực hơn trong cuộc sống.
Bà Trung tâm sự: “33 năm qua, bệnh viện có những thay đổi đáng mừng. Trước đây khi bệnh viện chưa có căng-tin, chúng tôi phải tự nấu ăn từ gạo và hàng hóa của các đoàn từ thiện cho. Sau này, khi bệnh viện có căng-tin, chúng tôi không còn phải tự nấu ăn nữa. Đồ dùng sinh hoạt hằng ngày như: mùng, mền, quạt điện, tivi, quần áo… đều được bệnh viện và các mạnh thường quân hỗ trợ. Trong phòng tôi có 3 người, đều là bệnh nhân lâu năm, không nơi nương tựa nên cố gắng giúp đỡ nhau. Lâu lâu, chúng tôi cũng có bất đồng nhưng chỉ nói qua loa chứ không giận dai. Điều khiến chúng tôi cảm thấy ấm lòng nhất chính là tình cảm, thái độ của các bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý tại đây. Ai cũng rất thương bệnh nhân”.
Còn ông Bùi Đức Thắng (55 tuổi, ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) đã gắn bó với bệnh viện hơn 10 năm. Mặc dù không bị gia đình, người thân kỳ thị nhưng ông Thắng muốn ở trong bệnh viện để điều trị và sinh hoạt bởi theo ông, sống trong cộng đồng có nhiều người cùng cảnh ngộ, sự đồng cảm cũng tăng lên. Ông xem bệnh viện như ngôi nhà thứ 2 của mình và mong muốn sẽ được sống khỏe mạnh, hòa nhập với cộng đồng.
Bệnh nhân nhỏ tuổi nhất (28 tuổi) là người gốc Hoa, ngụ H.Định Quán, cha mẹ đều đã mất. Cách đây 5 năm, trên người bệnh nhân nổi những nốt đỏ, sốt cao. Bệnh nhân ra tiệm mua thuốc về uống, uống xong có bớt nhưng sau đó các nốt lại nổi lên nhiều hơn và không thể làm được việc gì. Thời gian sau, đi khám tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, anh mới được chẩn đoán mắc bệnh phong và được chuyển về Bệnh viện Da liễu Đồng Nai để điều trị. Tại đây, các bác sĩ vừa tiến hành đa hóa trị liệu để tiêu diệt vi khuẩn phong vừa sử dụng thuốc kháng viêm để điều trị các cơn phản ứng phong cho bệnh nhân. Khoảng 3 tháng sau điều trị, bệnh giảm nhiều, bệnh nhân có nhu cầu xuất viện để về nhà vừa uống thuốc đa hóa vừa hòa nhập cộng đồng. BS Thao vẫn thường xuyên liên lạc với bệnh nhân để hỏi thăm tình hình sức khỏe và hướng dẫn bệnh nhân cách chăm sóc cơ thể phù hợp.
BS CKII Lý Nguyễn Hoàng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp kiêm phụ trách Khoa Phong cho hay, khoa được thành lập năm 1986, tiền thân là Trạm Da liễu nằm ở trung tâm TP.Biên Hòa. Khi đó, nhân lực của khoa chủ yếu là y sĩ được đào tạo từ Trường trung cấp Y tế Đồng Nai. Đến năm 1986, khoa có thêm 3 bác sĩ. Từ đó đến nay, khoa chủ yếu chăm sóc và điều trị bệnh nhân phong, đa số là người già neo đơn, tàn tật, không nơi nương tựa, được miễn phí hoàn toàn từ chi phí điều trị đến ăn uống, chăm sóc. Để làm việc tốt ở Khoa Phong, nhân viên y tế phải có tình yêu với công việc, biết đồng cảm và yêu thương bệnh nhân. |
Hạnh Dung