Cuối tháng ba, nắng hình như gay gắt hơn trên bầu trời thành phố. Và đâu đó rực lên những đốm lửa phượng làm cháy vòm trời xuân xanh ngắt cỏ cây. Trong mênh mang cảm xúc, tâm hồn tôi lại xôn xao nỗi nhớ về một thời áo xanh đoàn viên đầy nhiệt huyết tuổi thanh xuân.
Cuối tháng ba, nắng hình như gay gắt hơn trên bầu trời thành phố. Và đâu đó rực lên những đốm lửa phượng làm cháy vòm trời xuân xanh ngắt cỏ cây. Trong mênh mang cảm xúc, tâm hồn tôi lại xôn xao nỗi nhớ về một thời áo xanh đoàn viên đầy nhiệt huyết tuổi thanh xuân.
Ảnh minh họa: TTXVN |
Tôi quên sao được cái ngày đầu tiên đeo chiếc huy hiệu Đoàn lấp lánh trên ngực áo. Niềm vui sướng xen lẫn trách nhiệm của người đoàn viên làm tôi xúc động nói chẳng nên lời. Con đường về nhà hôm ấy chẳng bao xa mà tôi thấy dài dằng dặc chỉ vì tôi háo hức được khoe với cha rằng tôi đã lớn. Tôi biết không bao giờ tôi có thể sánh bằng thời tuổi trẻ của cha, nhưng tôi tự hào đã lớn khôn từ những bài học ông kể về một thời oanh liệt, hào hùng. Ngày ấy, đâu cần thanh niên có, Tổ quốc đang thôi thúc vẫy gọi thanh niên lên đường ra trận. Cha cùng bạn bè xếp lại sách vở, khoác ba lô vượt Trường Sơn đi chiến đấu. Sức trẻ thanh xuân dốc hết cho tiền tuyến. Bạn bè cha sống mãi tuổi xanh khi nằm xuống trên các chiến trường Quảng Trị, Tây nguyên, Sài Gòn… cho đất nước hôm nay yên ả, thanh bình.
Những hoạt động Đoàn sôi nổi, những chuyến đi, những đêm lửa trại 26-3 bập bùng nơi ngôi trường sư phạm khiến tôi ngày càng gắn bó thân thiết với Đoàn, trưởng thành hơn dưới sự dìu dắt của các anh chị lớp trước.
Với tuổi đôi mươi đầy nhiệt huyết, tốt nghiệp sư phạm, tôi đến với một ngôi trường THCS của huyện vùng sâu nơi miền đất cuối Cà Mau. Bạn bè nhiều người cho tôi là lý tưởng, khác người khi chọn những khó khăn, vất vả vì với nhiều mối quan hệ của cha tôi dư sức xin được một chỗ dạy ở thành thị. Tôi đi vì thấy mình phải có trách nhiệm với các em thơ. Ngày đầu tiên đặt chân lên mảnh đất nghèo khó ấy, tôi thấy mình đã lựa chọn đúng. Ở đó, trường thiếu thầy cô rất nhiều, có 5 thầy giáo thôi mà phải dạy 6 lớp, có người phải chủ nhiệm 2 lớp. Ở đó, học trò tôi lội bộ cả chục cây số đường lầy lội, trơn trượt đến trường. Ở đó, người dân quê còn nhiều gian khó chỉ với lúa và đước xanh bên nhà… Hạnh phúc biết chừng nào trong một đêm cuối tháng ba năm đó, những đôi mắt hồn nhiên, ngây thơ nhìn ánh lửa cháy, hát vang bài Đoàn ca sôi động, cháy bùng khát vọng. Sức trẻ hai mươi cứ thế chúng tôi gieo chữ nơi đất “khát” tri thức. Lớp học trò ngày ấy nhiều em đã thành đạt, thành danh, không ít em đang nối nghiệp tôi vun bồi con chữ cho quê hương xanh màu đước ấy đơm hoa kết trái.
Tôi may mắn và có duyên nợ với mảnh đất có dòng Đồng Nai dài nhất nước. Tôi đến dạy học tại một phường vùng ven của thành phố công nghiệp Biên Hòa. Những năm cuối 90 của thế kỷ XX vùng đất rộng, nhiều bạn trẻ làm công nhân nhưng đoàn viên còn ít lắm. Đoàn, Thiện và thầy giáo trẻ là tôi làm thường vụ đoàn phường cứ mãi trăn trở về việc phát triển đoàn viên. Những buổi họp tới khuya, những lúc suy tư nơi quán cà phê và rồi những phong trào, những đêm lửa trại 26-3, những hiến kế đã góp phần kéo nhiều thanh niên đến với tổ chức. Sự năng nổ của bí thư Đoàn, nhiệt tình của phó bí thư Thiện đã đưa Đoàn phường tôi có tên tuổi, có tiếng tăm trong các hoạt động Đoàn của thành phố. Đoàn, Thiện và nhiều bạn bè tôi ngày ấy giờ đã thành công từ sự chắp cánh, trui rèn của Đoàn. Với tôi, nhờ một thời làm Bí thư Chi đoàn trường, tôi đã trưởng thành, năng nổ, gặt hái được nhiều thành công trong nghiệp giáo sau này. Cái thuở đạp xe đạp trong đêm đi nhóm lửa phong trào ở các khu phố, giao lưu nơi các đơn vị bộ đội… có lẽ khó mà ai trong chúng tôi quên cho được.
Và hôm nay, một thời áo xanh sôi nổi lại rộn ràng trong ký ức của tôi.
Đào Hồng Khởi