Theo đánh giá của TAND tỉnh, trong những năm gần đây, số lượng án ly hôn tại Đồng Nai tăng cao, nhất là ly hôn trẻ về cả tuổi đời và "tuổi" hôn nhân.
Theo đánh giá của TAND tỉnh, trong những năm gần đây, số lượng án ly hôn tại Đồng Nai tăng cao, nhất là ly hôn trẻ về cả tuổi đời và “tuổi” hôn nhân.
Ly hôn là quyền tự do, tự nguyện trong hôn nhân nhưng cũng gây ra nhiều hệ lụy. Ảnh minh họa: T.Tâm |
Ly hôn là quyền tự do, sự tự nguyện trong hôn nhân nhưng cũng gây ra nhiều hệ lụy cho gia đình và xã hội. Trong đó tác động trực tiếp nhất của các vụ ly hôn là gây tổn thương cho người trong cuộc, nhất là những đứa trẻ sinh ra và lớn lên trong gia đình có cha mẹ ly hôn.
* Đổ vỡ do đâu?
Mới sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2021, tại TAND TP.Biên Hòa đã có nhiều cặp vợ chồng đến làm các thủ tục giải quyết ly hôn. Có người còn dẫn theo con nhỏ đến làm việc theo yêu cầu của thẩm phán. Tại các buổi làm việc để giải quyết án ly hôn, không khí tại tòa khá yên ắng, nét mặt của nhiều đương sự cũng lặng lẽ, u sầu.
Ở hành lang tòa, chị T.H. (29 tuổi, ngụ P.Bửu Long, TP.Biên Hòa) vừa nắm chặt tay con trai 8 tuổi vừa thủ thỉ để con hiểu chỉ ngày mai thôi, cha mẹ sẽ không sống cùng nhau nhưng vẫn cùng nhau chăm sóc con. Cậu con trai của chị nghe mẹ nói mắt đượm buồn, vô tư hỏi mẹ, vậy ngày mai cha mẹ sẽ ở 2 nơi phải không?
Trong số các vụ ly hôn tại Đồng Nai trong năm 2020, phụ nữ nộp đơn ly hôn chiếm hơn 70%. Nhìn nhận về góc độ xã hội, một số chuyên gia tâm lý tại Đồng Nai cho rằng, hiện nay phụ nữ thường ra ngoài kiếm tiền và chiếm vị trí quan trọng trong xã hội. Họ có thu nhập và cũng đòi hỏi sự công bằng đối với nam giới. Trong khi đó một số đàn ông phương Đông vẫn chưa thích nghi được với sự thay đổi này, vẫn thể hiện tính gia trưởng, ích kỷ, dẫn đến hệ tư tưởng, suy nghĩ khác nhau. |
Chia sẻ lý do cuộc hôn nhân đổ vỡ, chị H. cho biết là vì không chịu được cảnh bạo lực gia đình. Khi mới 21 tuổi, hai vợ chồng chị từ miền Trung vào Đồng Nai lập nghiệp rồi quen và cưới nhau. Sau khi chị sinh con được 3 năm, chồng chị bắt đầu trái tính, thường xuyên nhậu nhẹt say sưa, đánh đập vợ. Sau nhiều năm cố gắng chịu đựng, cuối cùng chị quyết định nộp đơn ly hôn để thoát khỏi cảnh đòn roi.
Theo đánh giá chung của TAND hai cấp, tình trạng ly hôn năm sau thường cao hơn năm trước. Chỉ tính năm 2020 tòa án hai cấp đã thụ lý hơn 10 ngàn vụ, việc ly hôn (tăng gần 400 vụ ly hôn so với cùng kỳ năm 2019). Trong đó ly hôn phần lớn ở giới trẻ từ độ tuổi 20-30 và thường ly hôn trong vòng 5 năm đầu tính từ sau khi kết hôn.
Phó chánh án TAND TP.Biên Hòa Nguyễn Thành Tân cho biết, TP.Biên Hòa là một trong những địa phương có số vụ ly hôn nhiều nhất cả nước. Nguyên nhân chủ yếu do mâu thuẫn trong gia đình về vấn đề kinh tế, khác biệt tính cách, bất đồng quan điểm trong nuôi dạy con cái, mâu thuẫn giữa các thế hệ sống chung trong một gia đình… Đặc biệt, giới trẻ hiện nay yêu nhanh, cưới vội nên khi về sống chung thường không hòa hợp dẫn đến cãi nhau và ly hôn.
Bên cạnh nhiều vụ ly hôn diễn ra nhanh chóng do các bên tự thỏa thuận về tài sản và nuôi con chung thì cũng có nhiều vụ ly hôn kéo dài từ sơ thẩm lên phúc thẩm do tranh chấp quyền nuôi con. Những vụ việc tranh chấp sau ly hôn không chỉ khiến cho những người trong cuộc tổn thương mà còn khá mệt mỏi vì mất quá nhiều thời gian, công sức để đeo đuổi vụ việc.
Điển hình như vụ ly hôn giữa anh N.N. (28 tuổi) và chị N.T. (25 tuổi), cùng ngụ TP.Biên Hòa kéo dài hơn 2 năm nhưng đến nay vẫn chưa xong vì tranh chấp quyền nuôi con. Theo bản án ly hôn cấp phúc thẩm vào năm 2018 của TAND tỉnh đã giao con cho chị T. nuôi. Nhưng khi nghe tin vợ cũ sắp lấy chồng, năm 2020 anh N. lại nộp đơn lên tòa án yêu cầu thay đổi vị trí nuôi con với lý do vợ không đủ tư cách nuôi con. Cứ thế việc tranh chấp nuôi con chung giữa anh N. và chị T. kéo dài mãi từ cấp sơ thẩm đến phúc thẩm mà vẫn chưa có hồi kết.
* Nâng cao trách nhiệm trong hôn nhân
Phó chánh án TAND TP.Biên Hòa Nguyễn Thành Tân cho biết, một bộ phận giới trẻ hiện nay bước vào hôn nhân khi chưa có sự chuẩn bị kỹ về tâm lý, kinh tế. Họ thường đề cao cái tôi hơn là những ràng buộc, trách nhiệm giữa vợ chồng. “Vì hiểu chưa thấu đáo ý nghĩa của hôn nhân là cùng nhau chia sẻ những khó khăn; vun đắp, xây dựng gia đình hạnh phúc nên khi xảy ra mâu thuẫn, xung đột, họ không đủ bản lĩnh, kiên nhẫn và thiếu kỹ năng giải quyết” - ông Tân cho biết.
Phó chánh án TAND TP.Biên Hòa Nguyễn Thành Tân tiến hành thủ tục ly hôn cho một cặp vợ chồng |
Đồng tình với quan điểm này, Chánh án TAND H.Vĩnh Cửu Bùi Bá Diễn cho rằng, có những cặp đôi kết hôn chỉ vì lỡ sống thử và có con chung. Nhưng khi bị ràng buộc bởi nhiều thứ như: con cái, kinh tế, các mối quan hệ gia đình… họ thường cãi nhau mà không đưa ra được tiếng nói chung, mâu thuẫn kéo dài dẫn đến hôn nhân tan vỡ. Bên cạnh đó, nhiều vụ việc ly hôn cũng xuất phát từ các nguyên nhân như: nợ nần, công việc không ổn định; chồng thường nhậu nhẹt, vướng vào ma túy, rượu chè, cờ bạc, bạo hành gia đình.
Dù ly hôn là sự lựa chọn của hai người hay đơn phương từ vợ hoặc chồng thì đều để lại những hệ lụy rất lớn. Theo Trưởng phòng Kiểm sát việc giải quyết án dân sự, hôn nhân và gia đình, Viện KSND tỉnh La Minh Dũng, một trong những ảnh hưởng lớn nhất khi ly hôn là gây tổn thương đến con cái khiến con trẻ rơi vào tâm trạng chán nản, bi quan, dễ bị sốc và sa ngã vào những tệ nạn xã hội.
Theo ông Dũng, người trong cuộc phải ý thức được trách nhiệm và vai trò của mình trong cuộc sống hôn nhân. Khi đã thành vợ chồng phải chia sẻ những khó khăn và tự điều chỉnh những bất đồng trong cuộc sống để tìm được tiếng nói chung. Đối với những mâu thuẫn nhỏ của các cặp vợ chồng rất cần sự chia sẻ, giải tỏa, hàn gắn của cha mẹ, anh em, bạn bè để vợ chồng hiểu và thông cảm cho nhau hơn.
Để kéo giảm tình trạng ly hôn ngày càng tăng, theo ông Dũng, từ gia đình, nhà trường và các cơ quan chức năng chú trọng tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hôn nhân gia đình, giúp giới trẻ hiểu được tầm quan trọng của việc kết hôn và chuẩn bị tâm lý, cách ứng xử, kỹ năng phòng ngừa và giải quyết những mâu thuẫn, xung đột trong cuộc sống. Đồng thời phải tăng cường những biện pháp hòa giải (hòa giải tại cơ sở và hòa giải tại tòa án) để giúp các cặp vợ chồng có cơ hội hàn gắn, làm lại từ đầu, cùng nhau xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.
Tố Tâm