Báo Đồng Nai điện tử
En

'Ngọc Hiền ABC'

11:01, 08/01/2021

Biên đạo múa Ngọc Hiền tên thật là Phạm Ngọc Hiền, sinh năm 1979, được người trong nghề quen gọi là "Ngọc Hiền ABC" do anh có quá trình tham gia sinh hoạt cùng Vũ đoàn ABC từ năm 16 tuổi (1995) và hiện nay là Giám đốc ABC Entertainment chuyên sản xuất các chương trình nghệ thuật phục vụ công chúng.

[links()]Biên đạo múa Ngọc Hiền tên thật là Phạm Ngọc Hiền, sinh năm 1979, được người trong nghề quen gọi là “Ngọc Hiền ABC” do anh có quá trình tham gia sinh hoạt cùng Vũ đoàn ABC từ năm 16 tuổi (1995) và hiện nay là Giám đốc ABC Entertainment chuyên sản xuất các chương trình nghệ thuật phục vụ công chúng.

Từ năm 1998, Ngọc Hiền tham gia công tác tại Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP.HCM. Anh tốt nghiệp cử nhân biên đạo múa năm 2007, tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành Quản lý văn hóa năm 2014 và bảo vệ luận án tiến sĩ chuyên ngành nghệ thuật học tại Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia cuối năm 2020. Ngọc Hiền từng tham gia khóa đào tạo giao lưu hiphop tại Mỹ năm 2009, tham gia biên đạo và dàn dựng các chương trình văn nghệ dành cho kiều bào tại Mỹ, Australia, Đài Loan…

Anh cũng tham gia biên đạo và dàn dựng các chương trình nghệ thuật tầm cỡ trong nước như: Duyên dáng Việt Nam, Hoa hậu Hoàn vũ, các liveshow ca nhạc của các ca sĩ hàng đầu như: Mỹ Tâm, Đàm Vĩnh Hưng, Cẩm Ly, Lệ Quyên… Ngọc Hiền còn làm đạo diễn Lễ hội Nghinh ông (Cần Giờ, TP.HCM) 2017-2019, Lễ hội Văn hóa thế giới 2017…

Ngọc Hiền cũng trực tiếp làm đạo diễn Lễ hội TP.Hồ Chí Minh đón chào năm mới 2021 (Countdown) tại Phố đi bộ Nguyễn Huệ và sắp tới đây là các chương trình đón giao thừa và Tết Nguyên đán, Lễ hội Đống Đa… phục vụ rộng rãi mọi đối tượng công chúng thưởng thức nhân dịp Tết Tân Sửu 2021.

“Khi dàn dựng, người đạo diễn chương trình ca múa nhạc luôn phải hướng tới thỏa mãn 3 nhu cầu: của nhà tổ chức, của khán giả và nhu cầu của nghệ sĩ trình diễn” - đạo diễn NGỌC HIỀN chia sẻ.

Đạo diễn chương trình ca múa nhạc cần đổi mới, sáng tạo

Để có thể giúp các bạn trẻ hiểu sâu và thuận lợi hơn trong việc tiếp cận nghệ thuật đạo diễn chương trình ca múa nhạc, Ngọc Hiền vừa cho ra đời ấn phẩm đầu tay, sách Đạo diễn chương trình ca múa nhạc (NXB Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh).

Cuốn sách là sự chia sẻ kinh nghiệm thực tế nhất mà anh muốn tổng hợp và truyền đến tay người cần tìm hiểu về công việc thực tiễn của đạo diễn chương trình ca múa nhạc. “Đây là bước mở đầu cho những nghiên cứu tiếp theo và là một tài liệu tham khảo đầy thiết thực cho các bạn trẻ muốn cống hiến cho nghệ thuật đạo diễn chương trình ca múa nhạc nước nhà” - Ngọc Hiền nói.

Đạo diễn Ngọc Hiền (giữa) dàn dựng chương trình thời trang tại Mỹ
Đạo diễn Ngọc Hiền (giữa) dàn dựng chương trình thời trang tại Mỹ

Ngọc Hiền đã cất công tìm hiểu về nghệ thuật đạo diễn sân khấu chuyên nghiệp xuất hiện ở Việt Nam từ sau Cách mạng Tháng Tám 1945, gắn liền với quá trình giao lưu văn hóa giữa Việt Nam với các nước xã hội chủ nghĩa. Nhiều thế hệ đạo diễn sân khấu Việt Nam được đào tạo bài bản tại Trung Quốc, Liên Xô và các nước Đông Âu, góp phần làm thay đổi diện mạo sân khấu nước ta. “Tuy nhiên, phải đến cuối những năm 80 của thế kỷ XX, bước sang cơ chế thị trường, ở Việt Nam mới xuất hiện đạo diễn chương trình ca múa nhạc xuất phát từ nhu cầu thực tiễn. Trong giai đoạn 2000-2020, với sự phát triển về kinh tế, đẩy mạnh hội nhập quốc tế, nhiều chương trình ca múa nhạc được dàn dựng với quy mô hoành tráng, cách xử lý sáng tạo. Cũng ở giai đoạn này, tài năng dàn dựng, sáng tạo của người đạo diễn chương trình ca múa nhạc đã làm thay đổi diện mạo thị trường ca múa nhạc ở Việt Nam, đưa chương trình ca múa nhạc phát triển lên một tầm cao mới” - Ngọc Hiền cho hay.

Tác giả cũng gửi gắm tâm tư: “Đạo diễn chương trình ca múa nhạc tại Việt Nam hiện nay đang gặp không ít vấn đề. Trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật vẫn chưa có bất kỳ văn bản pháp quy nào quy định trực tiếp đối với nghề nghiệp đạo diễn các chương trình ca múa nhạc. Sự phát triển trong lĩnh vực đạo diễn chương trình ca múa nhạc ở Việt Nam còn mang tính tự phát. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng, sức hấp dẫn của các chương trình ca múa nhạc, nhất là trong bối cảnh cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế và chương trình ca múa nhạc được coi là sản phẩm công nghiệp văn hóa, đem lại nguồn thu lớn để phát triển đất nước.

Hiện ở Việt Nam, chưa có những hoạt động đào tạo chuyên sâu về đạo diễn chương trình ca múa nhạc, mà phổ biến vẫn là các khóa học ngắn hạn, đào tạo dưới dạng “truyền nghề trực tiếp”, hoặc các đạo diễn tự đào tạo thông qua thực tế nghề nghiệp… Trong khi đó, cơ chế thị trường, cơ chế tự chủ, hội nhập quốc tế, cách mạng công nghiệp 4.0 lại đang đòi hỏi người làm đạo diễn chương trình ca múa nhạc phải đổi mới, sáng tạo, không ngừng trau dồi tri thức”.

Tr.N

Tin xem nhiều