Vài năm trở lại đây, tại các vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh ngày càng xuất hiện nhiều tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp. Những đường hoa, đường bích họa, đường không rác thải do chính quyền và nhân dân cùng làm không chỉ đáp ứng một trong những tiêu chí xây dựng nông thôn mới mà còn góp phần tạo điểm nhấn cho vùng nông thôn.
Vài năm trở lại đây, tại các vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh ngày càng xuất hiện nhiều tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp. Những đường hoa, đường bích họa, đường không rác thải do chính quyền và nhân dân cùng làm không chỉ đáp ứng một trong những tiêu chí xây dựng nông thôn mới mà còn góp phần tạo điểm nhấn cho vùng nông thôn.
Đường giao thông nông thôn kiểu mẫu với điểm nhấn là hoa hoàng yến ở xã Bình Lợi, H.Vĩnh Cửu. Ảnh: B.Mai |
* “Xanh hóa” đường làng
3 năm về trước, đường Suối Đá, ấp Ruộng Tre, xã Bảo Quang (TP.Long Khánh) là đường đất, hai bên đường chỉ toàn cỏ dại. Nhiều người đi đường tiện tay vứt rác khiến tuyến đường càng thêm nhếch nhác. Nhưng hiện tại, đường Suối Đá là một trong những tuyến đường đẹp nhất xã. Mặt đường được thảm nhựa phẳng lì, hai bên đường phía trên là hoa điệp cúng (còn gọi kim phượng) đỏ rực, phía dưới là thảm cỏ xanh. Không còn những đống rác tạm, những bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật vương vãi.
Ông Trần Lý, Trưởng ấp Ruộng Tre cho biết, trước đây, đường Suối Đá rất khó đi. Hai bên đường chủ yếu là đất rẫy, ít nhà dân nên quá trình vận động người dân đóng góp làm đường gặp nhiều khó khăn. Sau này, khi TP.Long Khánh đã về đích xây dựng nông thôn mới, tuyến đường này mới được đầu tư. Năm 2018, Ban ấp đứng ra vận động nhân dân góp tiền mua gần 1 ngàn cây điệp cúng về trồng. Định kỳ mỗi tháng 2 lần, Ban ấp cùng nhân dân dọn dẹp vệ sinh, làm cỏ, tỉa cành, thi thoảng bón phân. Nhờ vậy, cây phát triển tốt, ra hoa đều khiến ai đi ngang cũng muốn dừng chân chụp hình.
Ông Trần Lý cho biết thêm, hiện ấp đang ươm 2 ngàn cây điệp cúng để phủ xanh tuyến đường này và nhân rộng ra các tuyến đường khác. Việc trồng thảm cỏ để giữ đất hai bên đường và dọn vệ sinh làm đẹp cảnh quan được duy trì thường xuyên.
Tương tự, Khu 3, ấp Bảo Thị, xã Xuân Định (H.Xuân Lộc) lúc trước không có đường bê tông, chỉ có lối mòn do người dân đi lại nhiều. Còn hiện tại, đây là một trong 3 tuyến đường kiểu mẫu của xã.
Bà Nguyễn Thị Mến, Khu 2, ấp Bảo Thị chia sẻ, trước đây đường Khu 3 nhỏ hẹp, khi nắng thì bụi, lúc mưa sình lầy. Xã đã vận động người dân hai bên đường hiến mỗi bên 1,5m bề ngang để mở rộng con đường. Cùng với đó, mỗi gia đình đóng góp thêm một khoản theo diện tích đất để thảm nhựa, làm mương thoát nước, đèn chiếu sáng. Từ khi có đường mới, người dân bảo nhau trồng hoa, phát cỏ, thu gom rác thải và vét mương thường xuyên. Vì thế, mùa nắng cũng như mùa mưa đều có hoa nở.
Đường bích họa ở xã Cây Gáo, H.Trảng Bom |
Cũng chọn hoa hoàng yến để trồng ven đường như nhiều tuyến đường khác, nhưng đường ở ấp Tân Lập, xã Cây Gáo (H.Trảng Bom) độc đáo hơn nhờ những bức bích họa nối dài. Theo lãnh đạo xã Cây Gáo, đặc thù của xã là chăn nuôi trang trại gia sức, gia cầm, do đó, các bạn trẻ tận dụng mảng tường của các trang trại, tường bao của nhà dân dọc đường vẽ nên những bức tranh sống động, đẹp mắt về cỏ cây hoa lá, về sản xuất nông nghiệp và hoạt động thường ngày của người dân. Những bức bích họa không chỉ làm “hồi sinh” bức tường đã rêu mốc, cũ kỹ mà còn phản ánh thực chất đời sống, văn hóa, kinh tế của người dân địa phương.
Được biết, năm 2020, xã Cây Gáo đã trồng 3.500 cây xanh (hoàng yến, bông giấy, cúc), thành lập 32 tổ tự quản thu gom phân loại rác thải và tổ chức nhiều đợt ra quân vệ sinh môi trường. Tính đến nay, 100% các tuyến đường trục xã, liên xã và 70% tuyến đường ngõ xóm đã đảm bảo sáng - xanh - sạch - đẹp.
* Điểm nhấn của vùng nông thôn mới
Không có con số thống kê cụ thể nhưng trên địa bàn tỉnh dễ có đến hàng trăm đường hoa, đường bích họa và số lượng ngày càng tăng. Không chỉ đáp ứng tiêu chí đường giao thông nông thôn mới, tạo cảnh quan, nhiều đường hoa còn góp phần mang lại hiệu quả thiết thực trong sản xuất nông nghiệp và cải thiện môi trường sống vùng nông thôn.
Xã Long Phước là cánh đồng lúa lớn của H.Long Thành. Suốt thời gian dài, những người dân ở đây dùng nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học để duy trì năng suất. Năm 2019, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp H.Long Thành thí điểm mô hình Công nghệ sinh thái đồng ruộng trên cây lúa nhằm giảm tác động của sản xuất nông nghiệp đến môi trường và sức khỏe người nông dân.
Bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Long Phước cho biết, thực chất của mô hình này là trồng thêm các loại cây có hoa dọc bờ ruộng để thu hút, dẫn dụ côn trùng có ích đến hút mật, sinh sản, làm gia tăng số loài có thể tiêu diệt các loại sâu, rầy gây hại cho cây lúa. Qua đó, giảm sử dụng thuốc trừ sâu mà vẫn đảm bảo năng suất. Vụ hè thu năm 2020 đã có khoảng 10 ngàn bụi hoa: cúc, mười giờ, chiều tím, đậu bắp… được trồng ven bờ lúa. Kết quả, nông dân giảm được 1/2 số lần phun xịt thuốc thuốc bảo vệ thực vật, lúa phát triển xanh tốt, năng suất lúa tăng khoảng 1 tạ/sào so với trước. “Vào thời điểm lúa trổ bông, màu xanh của lá, trắng của bông kết hợp với màu sắc của các loại hoa làm cho cánh đồng như một bức tranh vẽ. Chúng tôi đang chuẩn bị các giống hoa để trồng vụ tiếp theo. Vừa làm đẹp đồng ruộng, vừa tăng năng suất lúa, góp phần bảo vệ môi trường” - bà Hạnh chia sẻ.
Mô hình ruộng lúa bờ hoa trước đó cũng được triển khai ở một số cánh đồng rau, lúa trên địa bàn TP.Long Khánh, H.Xuân Lộc. Các loài cây như: hoàng yến, lạc dại, chiều tím, cúc, mười giờ được ưu tiên lựa chọn vì dễ trồng, dễ chăm sóc, có màu sắc sặc sỡ, thu hút được nhiều loại côn trùng có lợi cho thụ phấn, giúp cải thiện năng suất cây trồng và làm đẹp làng quê.
ấn tượng đầu tiên của du khách khi đến với xã nông thôn mới kiểu mẫu Bình Lợi (H.Vĩnh Cửu) là những con đường, dù lớn dù nhỏ cũng cờ hoa rực rỡ quanh năm.
Ông Lê Hoàng Long, Phó chủ tịch UBND xã Bình Lợi cho biết, để có được những tuyến đường đáp ứng tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu, xã phát động thi đua thực hiện và giữ gìn đường sáng - xanh - sạch - đẹp. Người dân các xóm, ấp tự họp bàn góp tiền như thế nào, trồng hoa gì, chăm sóc ra sao. Từ một vài tuyến đường chính, nhân rộng ra các ngõ hẻm, đường ra đồng ruộng. Ở những nơi trồng hoa, không còn tình trạng vứt rác hay thả rông gia súc. Mỗi đợt hoa tàn, người dân tự ý thức trồng lại. “Từ khi phát động trồng hoa ven đường, tình trạng xả rác thải ra đường giảm hẳn. Cỏ dại, rắn rết, chuột bọ không còn nơi trú ngụ. Đường đi lối lại gọn gàng trông đẹp mắt” - ông Long cho hay.
Mô hình đường giao thông sáng - xanh - sạch - đẹp với đường hoa, đường không rác thải đang trở thành điểm nhấn trong phong trào xây dựng nông thôn mới và toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư tại Đồng Nai. Từ đường xóm, đường ấp, cho đến đường liên xã, liên huyện đâu đâu cũng rực rỡ sắc hoa.
Ban Mai