Thái Lan là nước Đông Nam Á gần Việt Nam, cách Việt Nam chỉ 1 giờ bay. Đây là một "cường quốc" trong xuất khẩu nông sản nhưng cũng có nhu cầu nhập khẩu lớn nhất là về trái cây, rau củ tươi.
Thái Lan là nước Đông Nam Á gần Việt Nam, cách Việt Nam chỉ 1 giờ bay. Đây là một “cường quốc” trong xuất khẩu nông sản nhưng cũng có nhu cầu nhập khẩu lớn nhất là về trái cây, rau củ tươi.
Bà Trần Thị Thanh Mỹ, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan đã chia sẻ câu chuyện về cơ hội khai thác thị trường xuất khẩu giàu tiềm năng vẫn chưa được khai thác xứng tầm này.
Thị trường nhập khẩu rau, trái lên đến hàng tỷ USD
* Bà có thể giới thiệu về những nét đặc trưng tiêu biểu của nền nông nghiệp Thái Lan?
- Thái Lan có diện tích 51,3 triệu ha, trong đó 40% diện tích đất của Thái Lan dành cho nông nghiệp. Cụ thể, diện tích đất dành cho hoa màu của nước này khoảng 450 ngàn ha; cây ăn trái là khoảng 1,2 triệu ha; trồng lúa khoảng hơn 10 triệu ha... Với diện tích và vị trí địa lý như thế, Thái Lan là nước đa dạng về cây trồng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Trong đó, họ có hơn 1 ngàn loại cây ăn trái với 57 loại được trồng với mục đích thương mại.
* Thái Lan vẫn được xem là đối thủ cạnh tranh với Việt Nam trong xuất khẩu nông sản, quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào?
- Năm 2019, Thái Lan xuất khẩu trái cây tươi và chế biến đạt khoảng 3,76 tỷ USD. Điều này cho thấy Thái Lan là một trong những “cường quốc” về nông nghiệp, nhất là về xuất khẩu trái cây tươi và chế biến trên thị trường thế giới. Sản xuất nông nghiệp cũng như về chủng loại nông sản của Việt Nam và Thái Lan có nhiều nét tương đồng nên thường ở thế cạnh tranh nhau khi tham gia thị trường xuất khẩu.
Thời gian qua, phụ trách về vấn đề thị trường khi làm việc ở Thái Lan, trong đó có mảng nông nghiệp và hỗ trợ các doanh nghiệp 2 bên trong việc xuất nhập khẩu rau củ, trái cây, tôi quan niệm, chúng ta nên xem Thái Lan là đối tác thương mại thay vì đối thủ cạnh tranh. Vì dù Việt Nam vẫn nhập siêu rất nhiều mặt hàng từ Thái Lan, áp lực cạnh tranh với nông sản Thái cả ở thị trường nội địa lẫn xuất khẩu là khó tránh khỏi khi bước vào hội nhập. Tuy nhiên, đây cũng là thị trường Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất trong khối ASEAN và hứa hẹn còn nhiều tiềm năng đối với các mặt hàng nông sản.
Và thực tế Việt Nam đang xuất khẩu rất tốt nhiều mặt hàng nông sản, đặc biệt là trái cây, rau củ tươi sang Thái Lan. Tôi lấy ví dụ, chúng ta đang là nước xuất khẩu chính trái thanh long vào Thái Lan và theo thống kê của Hải quan Thái Lan, Việt Nam đang chiếm đến 90% sản lượng thanh long nhập khẩu của nước này.
* Bà có thể đánh giá rõ hơn về tiềm năng của thị trường Thái Lan trong nhập khẩu nông sản, đặc biệt là mặt hàng rau củ, trái cây tươi?
- Trong năm 2019, Thái Lan nhập khẩu khối lượng hơn 3 tỷ tấn trái cây tươi với giá trị khoảng 1 tỷ USD. Về rau củ họ nhập ít hơn, trong năm, họ chỉ nhập khoảng 850 triệu tấn với khoảng hơn 600 triệu USD. Số liệu này cho thấy đây cũng là thị trường giàu tiềm năng về nhập khẩu nông sản, nhất là mặt hàng rau củ, trái cây.
Cho đến nay, Việt Nam chỉ mới được Thái Lan chính thức cấp phép nhập khẩu cho 4 loại trái cây là thanh long (gồm ruột đỏ và ruột trắng), xoài, nhãn và vải nên vẫn còn dư địa rất lớn để tăng xuất khẩu thêm nhiều mặt hàng khác vào thị trường này. Tôi đánh giá Thái Lan là thị trường giàu tiềm năng với các doanh nghiệp xuất khẩu rau củ, trái cây. Thứ nhất, ở khu vực Đông Nam Á, Thái Lan được xem là trung tâm chế biến thực phẩm. Chính vì vậy, với sự thay đổi hành vi của người tiêu dùng, nước này rất cần đa dạng hóa nguồn nguyên liệu nông sản chế biến, trong đó có nguồn nhập khẩu. Thứ hai, lý do cũng rất đặc biệt đó là chỉ tính riêng thị trường Bangkok vào năm 2019 đã đón tới 39,8 triệu khách du lịch. Chúng tôi không chỉ coi đây là đối tượng khách hàng tiêu thụ, thực chất, họ còn là đại sứ giúp quảng bá các loại thực phẩm, nông sản của Việt Nam xuất hiện ở thị trường Thái Lan. Thứ ba, Thái Lan có hàng trăm ngàn các chuyên gia người nước ngoài sinh sống, họ cũng sẽ có những nhu cầu tiêu thụ về nông sản, đặc biệt là rau củ, trái cây do nước này sản xuất cũng như từ nguồn nhập khẩu.
Hỗ trợ tăng cơ hội xuất khẩu trong khó khăn
* Theo bà, doanh nghiệp có thể tận dụng cơ hội nào để khai thác hiệu quả hơn thị trường tiêu thụ Thái Lan?
- Với Hiệp định ATIGA trong ASEAN, nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu vào thị trường Thái Lan sẽ được hưởng thuế 0%. Tôi nói thêm, chúng ta có những cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản qua Thái Lan trong thời gian tới. Theo tôi được biết, về mặt hàng rau củ, hiện Việt Nam chủ yếu chỉ xuất khẩu mặt hàng rau thơm sang Thái Lan trong khi nước này còn có nhu cầu nhập khẩu khá lớn về nhiều mặt hàng rau khác họ sản xuất được rất ít như: cà rốt, khoai tây…
* Trong giai đoạn xuất khẩu trái cây, rau quả tươi gặp rất nhiều khó khăn vì ảnh hưởng dịch Covid-19, Việt Nam có giải pháp gì để đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Thái Lan, thưa bà?
- Trong vài năm trở lại đây, Bộ NN-PTNT và Bộ Công thương đã làm việc rất nhiều lần với các cơ quan của Thái Lan về việc mở rộng thêm các mặt hàng nông sản xuất khẩu sang thị trường này. Trước khó khăn về xuất khẩu trái cây, rau quả tươi bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Việt Nam tiếp tục tăng cường đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường mới để hạn chế phụ thuộc quá nhiều vào thị trường lớn là Trung Quốc. Trong đó, đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường “sát vách” còn giàu tiềm năng là Thái Lan được đặc biệt quan tâm.
Từ đầu năm 2020, Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan đã được chỉ đạo về việc hỗ trợ tất cả các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc xuất khẩu nông sản vào thị trường Thái Lan. Thời gian tới, Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan cũng sẽ đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam muốn tham gia xuất khẩu nông sản vào thị trường này. Chúng tôi dự kiến sẽ tổ chức festival thực phẩm tại Thái Lan, trước hết chúng tôi giới thiệu những loại trái cây Việt Nam đã có mặt tại thị trường Thái như thanh long. Và nếu được cấp phép, chúng tôi sẽ giới thiệu thêm một số mặt hàng trái cây, rau củ khác tại chương trình này. Ngoài ra, chúng tôi sẽ cố gắng hỗ trợ doanh nghiệp trong việc kết nối với các nhà nhập khẩu Thái Lan.
* Để tiếp cận được thị trường Thái Lan, theo bà, doanh nghiệp xuất khẩu cần quan tâm đến vấn đề gì?
- Để xuất khẩu được nông sản vào thị trường Thái Lan, yêu cầu đầu tiên là phải tuân thủ bộ tiêu chuẩn về nông nghiệp của Thái Lan với nhiều quy định tiêu chuẩn về mặt hàng, tiêu chuẩn về hệ thống và các tiêu chuẩn chung khác.
Tôi lấy ví dụ với mặt hàng rau củ, trái cây, khi xuất vào Thái Lan có 2 loại giấy phép quan trọng nhất là: giấy phép đảm bảo về vệ sinh dịch tễ do Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm của Thái Lan (Bộ Y tế Thái Lan cấp) và chứng nhận về quy trình sản xuất đảm bảo tiêu chuẩn an toàn dịch bệnh. Lời khuyên của tôi liên quan đến việc hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu sang Thái Lan là thường nhà xuất khẩu Việt Nam không thể tự đứng ra đăng ký các loại giấy phép trên, các bạn phải có đối tác là các nhà nhập khẩu đứng ra đăng ký các loại giấy phép trên để nhập khẩu và lưu thông nông sản ở Thái Lan. Trong quá trình nhập khẩu còn nhiều quy định khác và chúng tôi đều có những hỗ trợ với từng trường hợp cụ thể.
Ngoài việc thông qua các nhà nhập khẩu thì có một lợi thế nữa ở Thái Lan, đó là cộng đồng Việt kiều với khoảng 70 ngàn người ở Đông Bắc Thái Lan.
Xin cảm ơn bà!
Bà Trần Thị Thanh Mỹ cung cấp thêm những thông tin bên lề là hiện ở Việt Nam có những doanh nghiệp, tập đoàn đầu tư kinh doanh, sản xuất của Thái Lan. Họ cũng chính là các nhà nhập khẩu lớn như Tập đoàn Central Retail đầu tư hệ thống siêu thị BigC. Hằng năm, tập đoàn này đều phối hợp với Bộ Công thương để tổ chức các chương trình xúc tiến đưa hàng Việt Nam vào thị trường Thái Lan. Đây chính là “cửa ngõ” rất quan trọng doanh nghiệp nên tiếp cận và thông qua tập đoàn này xuất khẩu nông sản vào thị trường Thái Lan. |
Bình Nguyên (thực hiện)