Báo Đồng Nai điện tử
En

Gieo những mầm xanh...

09:01, 03/01/2020

Nhìn lại một năm lao động hăng say, nhiều công nhân lao động phấn khởi chia sẻ, cuộc sống dù đâu đó vẫn còn những khó khăn, áp lực nhưng luôn có những niềm vui và thành quả song hành nếu biết "gieo" những mầm xanh vào đời sống với quyết tâm và nỗ lực vươn lên...

Nhìn lại một năm lao động hăng say, nhiều công nhân lao động phấn khởi chia sẻ, cuộc sống dù đâu đó vẫn còn những khó khăn, áp lực nhưng luôn có những niềm vui và thành quả song hành nếu biết “gieo” những mầm xanh vào đời sống với quyết tâm và nỗ lực vươn lên...

Vợ chồng anh Nguyễn Văn Thanh và chị Ngọc Thị Pẹp hạnh phúc cùng con trai 3 tháng tuổi trong căn nhà mới
Vợ chồng anh Nguyễn Văn Thanh và chị Ngọc Thị Pẹp hạnh phúc cùng con trai 3 tháng tuổi trong căn nhà mới. Ảnh: H.Thảo

* Không đầu hàng số phận

Đến thăm vợ chồng khuyết tật Nguyễn Văn Thanh (35 tuổi) và Ngọc Thị Pẹp (33 tuổi), công nhân Công ty cổ phần Taekwang Vina Industrial (Khu công nghiệp Biên Hòa 2) vào một ngày cuối năm, chúng tôi cảm nhận rõ niềm vui, sự hạnh phúc từ trong căn nhà nhỏ nhưng ấm cúng. Đó cũng là thành quả của quá trình nỗ lực gầy dựng của đôi vợ chồng kém may mắn. Cũng trong căn nhà đó, anh Thanh và chị Pẹp cùng nhau ân cần chăm sóc đứa con trai thứ hai mới chào đời cách đây 3 tháng. May mắn và hạnh phúc vô bờ khi các con của anh chị đều khỏe mạnh, ngoan ngoãn và là động lực để anh chị cố gắng làm việc và sống vui mỗi ngày.

Giọng trầm xuống, anh Thanh kể, di chứng từ trận sốt năm 3 tuổi khiến khả năng vận động chân phải của anh chỉ còn được một vài phần so với người bình thường. Chị Pẹp thì bị vẹo cột sống bẩm sinh, khả năng lao động cũng hạn chế. Khi ở cùng gia đình, cả anh và chị đều chỉ làm được một số công việc nhẹ nhàng. Thế nhưng, với quyết tâm có công việc và thu nhập ổn định để có thể nuôi sống bản thân, vượt qua mọi mặc cảm, tự ti, anh Thanh đã từ huyện Long Thành lên TP.Biên Hòa, còn chị Pẹp từ Đắk Lắk xuống Đồng Nai tìm việc với hy vọng về một cuộc sống mới. Họ có khởi đầu khá thuận lợi khi được Công ty cổ phần Taekwang Vina Industrial nhận vào làm việc. Đây cũng nơi hai người đã gặp nhau và nên duyên vợ chồng.

Chị Pẹp kể, ngày đầu mới cưới, vợ chồng anh chị ở chung với gia đình chồng ở huyện Long Thành. Chưa có điều kiện mua xe, hằng ngày, anh chị dậy từ 4 giờ sáng để bắt xe bus đi làm. Điểm dừng xe bus cách cổng công ty khá xa. Xuống xe, chị dìu anh đi bộ hơn 1km nữa mới vào đến cổng công ty.

Vất vả trong đi lại nhưng từ khi bắt đầu làm việc tại công ty tới nay, anh chị chưa từng nghỉ một ngày nào. “Sức mình yếu hơn thì phải làm nhiều hơn mới bằng được người khác. Có làm việc chăm chỉ mới giúp mình giữ được việc làm và có thu nhập ổn định” - chị Pẹp bộc bạch.

Cũng nhờ những nỗ lực đó, lại biết dành dụm, tích cóp, cưới nhau từ năm 2012, năm 2013 anh chị sinh con gái đầu lòng thì chỉ 4 năm sau đó, anh chị đã có thể tự mua đất và lên kế hoạch xây nhà. Cuối năm 2018, cùng với số tiền tích cóp của hai vợ chồng, sự hỗ trợ của Công đoàn công ty (30 triệu đồng) và người thân, anh chị đã xây dựng được căn nhà mới khang trang trị giá hơn 200 triệu đồng. “Cuối năm ngoái xây nhà, năm nay lại sinh con. Có thể nói đến hết năm nay, vợ chồng tôi đã hoàn thành được những mục tiêu lớn đặt ra từ ngày cưới. Từ đây, chúng tôi lại có thêm động lực để tiếp tục làm việc, nuôi con khôn lớn và vun đắp cho tổ ấm của mình” - chị Pẹp xúc động chia sẻ.

Làm việc chăm chỉ, vợ chồng anh còn tích cực tham gia các hoạt động thể dục, thể thao dành cho người khuyết tật, coi đó như là một cách để tạo niềm vui cho bản thân, điển hình là Giải thể thao người khuyết tỉnh với thành tích cao. Riêng trong năm 2019, anh Nguyễn Văn Thanh cùng đồng đội đã giành giải ba trong môn cầu lông đôi nam...

* Niềm vui từ Mái ấm Công đoàn

Tết này sẽ là cái Tết vui và ấm áp hơn hẳn so với nhiều năm qua đối với gia đình chị Phạm Thị Thủy (35 tuổi), đoàn viên Công đoàn Trường mầm non Phú Lý (xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu), bởi căn phòng lợp tôn tạm bợ, cũ nát mà cả gia đình 5 người chung sống nhiều năm qua đã được thay thế bằng căn nhà mới khang trang, sạch sẽ. Đó là kết quả của quá trình làm việc chăm chỉ, chịu khó và sự quan tâm, sẻ chia của tổ chức Công đoàn.

Chị Thủy chia sẻ, lương của nhân viên trường mầm non còn thấp, chồng làm thuê tự do thu nhập không ổn định trong khi 2 con nhỏ lại thường xuyên đau ốm nên cuộc sống gia đình luôn trong cảnh thiếu trước hụt sau... Chật vật lo toan cuộc sống là vậy nhưng đại diện Trường mầm non Phú Lý cho hay, trong suốt 14 năm công tác, chị Thủy luôn làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, chăm chỉ, chịu khó, được đồng nghiệp yêu mến. Để chị tiếp tục an tâm làm việc và ổn định cuộc sống gia đình, vừa qua, Công đoàn cơ sở Trường mầm non Phú Lý, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Vĩnh Cửu và LĐLĐ tỉnh đã quan tâm hỗ trợ xây dựng Mái ấm Công đoàn cho gia đình chị. Căn nhà có diện tích 60m2, được xây dựng với kinh phí 90 triệu đồng, trong đó Quỹ xã hội LĐLĐ tỉnh hỗ trợ 50 triệu đồng. Số tiền còn lại do gia đình chị tích cóp được và người thân giúp đỡ. Tại lễ bàn giao nhà, đại diện LĐLĐ tỉnh, huyện và địa phương còn tặng nhiều phần quà để ngôi nhà thêm ấm cúng, tiện nghi.

“Từ căn phòng nhỏ chỉ mấy mét vuông, tường chống bằng vài thân cây, mái lợp bằng tôn nóng bức, Tết nay cả gia đình 5 người chúng tôi được sum họp trong căn nhà cao ráo, sạch đẹp, khang trang. Tôi thật sự rất vui. Có thể nói đây là niềm vui lớn nhất của tôi trong năm nay” - chị Thủy xúc động bộc bạch.

* Tết nào bằng Tết đoàn viên

Không chỉ có niềm vui xây được nhà mới hay đón chào những thành viên mới trong gia đình, đối với nhiều công nhân lao động, được về quê đón Tết cùng gia đình là một niềm vui lớn sau một, thậm chí nhiều năm không được đoàn tụ gia đình. Đó cũng là cảm xúc của chị Nguyễn Thị Hương, công nhân Công ty TNHH Pouchen Việt Nam (phường Hóa An, TP.Biên Hòa) khi kể về những niềm vui đầu năm mới.

Chị Hương từ Nghệ An vào Đồng Nai làm công nhân được hơn 4 năm. Là chị cả trong một gia đình làm nông có đông anh chị em, vì thế có được đồng lương công nhân ổn định, hằng tháng, trừ tiền phòng trọ, sinh hoạt phí, chị Hương đều tiết kiệm gửi về quê phụ giúp bố mẹ lo cho các em học hành. 4 năm trôi qua, Tết đến chị cũng như nhiều công nhân xa quê khác đều háo hức về quê sum họp cùng gia đình nhưng đành lòng chịu thiệt thòi ở lại, để các em có thêm quần áo mới, bố mẹ có cái Tết đủ đầy hơn.

Năm nay, ở quê nhà, bố mẹ chị được mùa lúa, được mùa chăn nuôi, các em đã lớn hơn, tiền lương công nhân của chị cũng tăng hơn nhiều so với ngày mới vào nên chị quyết định sẽ về quê sum họp cùng gia đình dịp Tết. Chỉ nghĩ đến việc được sum họp gia đình, chị Hương bồi hồi không ngủ được!

“Bố mẹ và các em đang mong lắm. Mấy hôm nay tôi cũng mua được một ít quà để mang về quê. Càng gần đến ngày về, tôi lại càng nhớ nhà, càng háo hức. Với tôi, hạnh phúc nhất trong năm chỉ đơn giản là được sum họp gia đình. Ra Tết trở lại làm việc chăm chỉ để có thu nhập ổn định, để lại mong những cái Tết sau, đầm ấm và trọn vẹn hơn” - chị Hương xúc động bày tỏ.

Hồ Thảo

Tin xem nhiều