Doanh nghiệp (DN) có trách nhiệm rà soát lại các thỏa thuận trong hợp đồng lao động, quy định của đơn vị để điều chỉnh lương tối thiểu (LTT) vùng cho phù hợp, nhưng không được xóa bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương khi người lao động (NLĐ) làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm…
Doanh nghiệp (DN) có trách nhiệm rà soát lại các thỏa thuận trong hợp đồng lao động, quy định của đơn vị để điều chỉnh lương tối thiểu (LTT) vùng cho phù hợp, nhưng không được xóa bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương khi người lao động (NLĐ) làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm…
Tăng lương nhưng không cắt giảm phúc lợi sẽ giúp công nhân yên tâm gắn bó với doanh nghiệp. Trong ảnh: Công nhân Công ty Hữu hạn cơ khí công nghiệp Toàn Cầu thi đua sản xuất. Ảnh: T.MY |
Đó là một trong những nội dung được Bộ LĐ-TBXH và Tổng liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam đề nghị các DN thực hiện khi triển khai việc tăng LTT vùng vào đầu tháng 7 tới.
* Nỗ lực thương lượng LTT vùng cho NLĐ
Theo bà Nguyễn Thị Minh, Ủy viên Ban chấp hành Công đoàn Công ty TNHH Dệt may Eclat (H.Nhơn Trạch), hiện mức lương chưa tăng ca của NLĐ đạt trên 5 triệu đồng/tháng. Với mức lương này, NLĐ khó có thể “gồng gánh” với giá cả leo thang như hiện nay. Vì vậy, việc tăng LTT phải đi kèm với các phúc lợi tốt để đảm bảo cuộc sống của NLĐ. Do đó, trong những ngày qua, Công đoàn công ty đã nỗ lực thương lượng để đạt mức lương hợp lý cho NLĐ, vừa là cơ sở để NLĐ được đảm bảo quyền lợi lâu dài.
Theo ông LÊ ĐÌNH QUẢNG, mức LTT vùng là mức sàn thấp nhất làm cơ sở để thỏa thuận và trả lương đối với NLĐ, bảo đảm mức lương theo công việc hoặc chức danh của NLĐ. Vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, DN không thể trả LTT thấp hơn theo quy định. Từ đó, quyền lợi của NLĐ được đảm bảo và việc sản xuất, kinh doanh của các DN mới phát triển. |
Còn Phó tổng giám đốc điều hành, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Sản xuất đồ mộc Chien (TP.Biên Hòa) Nguyễn Thị Thanh Tin cho hay, hiện NLĐ toàn công ty có mức lương cơ bản trên 5,3 triệu đồng/người/tháng, cao hơn mức LTT sắp sửa áp dụng nên rất khó để thương lượng điều chỉnh lương trong tháng tới theo quy định.
Để giữ chân NLĐ, đầu năm 2022, công ty đã tăng lương cho tất cả NLĐ. Hiện Công đoàn và công ty đang họp để tìm phương án phù hợp nhất, song vẫn nỗ lực để giữ nguyên các phúc lợi cho NLĐ.
Ở những DN đã tăng lương từ đầu năm cho NLĐ, Công đoàn cơ sở đang đàm phán, thương lượng để tăng tiếp LTT vùng trong tháng 7 tới.
Công nhân Lê Thị Hải, làm việc tại Công ty TNHH Dona Pacific Việt Nam (H.Trảng Bom) cho hay, trong tháng 4 vừa qua, chị được công ty tăng thêm 3% tiền lương. Hiện nay, mặc dù mức lương công nhân cao hơn LTT vùng nhưng mức lương 6-7 triệu đồng/tháng (tính cả tăng ca) vẫn là thấp. Ngoài tiền lương, công nhân phải được hưởng các khoản phụ cấp và nhất là tiền làm thêm mới đảm bảo cuộc sống.
* Giữ nguyên các phúc lợi cho NLĐ
Trước những khó khăn, vướng mắc trên, Bộ LĐ-TBXH và Tổng LĐLĐ Việt Nam đã ban hành văn bản hướng dẫn về điều chỉnh LTT vùng cho NLĐ. Theo đó, 2 đơn vị trên đề nghị các địa phương chỉ đạo các sở LĐ-TBXH phối hợp với ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, các cấp Công đoàn tại địa phương và các ban, ngành liên quan nhanh chóng tổ chức tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn người sử dụng lao động và NLĐ trên địa bàn triển khai thực hiện việc tăng LTT vùng đúng quy định tại Nghị định số 38/2022/NĐ-CP quy định mức LTT đối với NLĐ làm việc theo hợp đồng lao động.
Cụ thể, về cơ chế và đối tượng áp dụng, mức LTT tháng và mức LTT giờ là mức lương thấp nhất làm cơ sở để NLĐ, Công đoàn và người sử dụng lao động thỏa thuận mức lương và trả lương cho NLĐ. Đối với NLĐ đang hưởng lương theo các hình thức trả lương khác như: theo tuần, theo ngày, theo sản phẩm, lương khoán… thì mức lương đang trả theo các hình thức quy đổi theo tháng hoặc theo giờ nhưng không được thấp hơn mức LTT vùng do Chính phủ quy định.
Về trách nhiệm thi hành, người sử dụng lao động có trách nhiệm rà soát lại các thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể và các quy chế, quy định của NLĐ động để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp. Không được xóa bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương khi NLĐ làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật và các chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động.
Đối với các nội dung đã thỏa thuận, cam kết trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động hoặc các thỏa thuận hợp pháp khác có lợi hơn cho NLĐ so với quy định tại Nghị định 38/2022/NĐ-CP thì tiếp tục được thực hiện, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Theo đó, các nội dung đã thực hiện, trong đó có chế độ tiền lương trả cho NLĐ làm công việc hoặc chức danh đòi hỏi qua học nghề, đào tạo nghề cao hơn ít nhất 7% so với mức LTT thì tiếp tục thực hiện.
Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng ban Chính sách pháp luật Tổng LĐLĐ Việt Nam cho rằng, việc mở rộng thêm LTT giờ sẽ góp phần đảm bảo quyền lợi cho NLĐ, nhất là lao động làm việc không trọn vẹn theo ngày, tháng trong khu vực kinh tế phi chính thức. Đặc biệt, việc thỏa thuận tăng lương để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ phụ thuộc rất lớn vào năng lực đàm phán của Công đoàn cơ sở cùng sự tham gia của NLĐ vào các cuộc đối thoại, thương lượng tập thể vì quyền lợi của chính mình.
Tại các hội nghị giao ban Công đoàn cơ sở các ngành nghề trong tháng 6-2022, Phó chủ tịch LĐLĐ tỉnh Hồ Thanh Hồng đề nghị các Công đoàn cơ sở chủ động nắm bắt tình hình quan hệ lao động trong các DN; hỗ trợ, hướng dẫn việc điều chỉnh LTT vùng và xử lý những vướng mắc phát sinh, hạn chế thấp nhất các tranh chấp lao động xảy ra, bảo đảm duy trì quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong các DN.
Thảo My