Báo Đồng Nai điện tử
En

Tạo đồng thuận từ đối thoại tại nơi làm việc

Nguyễn Hòa
07:00, 09/12/2024

Cuối năm, nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn Đồng Nai tăng cường gặp gỡ, đối thoại với người lao động (NLĐ) để thông báo tình hình sản xuất, vấn đề lương, thưởng Tết và các chế độ, chính sách đối với NLĐ. Đây là diễn đàn để lãnh đạo DN lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và trăn trở của NLĐ.

Công nhân Công ty TNHH Cự Thành (huyện Long Thành) đóng góp ý kiến tại Hội nghị
Công nhân Công ty TNHH Cự Thành (huyện Long Thành) đóng góp ý kiến tại Hội nghị Người lao động năm 2024. Ảnh:C.Đ

Qua đối thoại, các DN đã giải quyết kịp thời những vướng mắc trong sản xuất và công tác chăm lo đời sống NLĐ, góp phần xây dựng DN phát triển ngày càng vững mạnh.

Thấu hiểu, chia sẻ

Công ty TNHH Việt Nam Wacoal (Khu công nghiệp Amata, thành phố Biên Hòa) là DN được đánh giá có quan hệ lao động hài hòa, ổn định nhờ đối thoại với NLĐ định kỳ. Các buổi đối thoại được DN tổ chức như một diễn đàn dân chủ, cởi mở, thẳng thắn để NLĐ nói lên tâm tư, nguyện vọng của mình. Ngoài ra, lãnh đạo DN thông tin về tình hình sản xuất, kinh doanh cũng như các chế độ, chính sách NLĐ được hưởng.

Chủ tịch Công đoàn cơ sở công ty Đặng Thị Hoàng Lan cho biết, với phương châm lắng nghe, thấu hiểu và chia sẻ, tại các buổi đối thoại, nhiều ý kiến của NLĐ được giải đáp thỏa đáng, đúng quy định của pháp luật, tạo động lực để họ gắn bó lâu dài với công ty, nâng cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết trong lao động sản xuất.

LĐLĐ tỉnh cho biết, năm 2024, toàn tỉnh có 1.342/1.586 Công đoàn cơ sở trong DN tổ chức đối thoại tại nơi làm việc với gần 1,5 ngàn cuộc đối thoại, đạt tỷ lệ trên 84%. Trong đó, gần 1 ngàn cuộc đối thoại định kỳ và trên 400 cuộc đối thoại theo yêu cầu, vụ việc.

“Qua đối thoại, chủ DN và NLĐ trao đổi trực tiếp nhiều nội dung trọng tâm về chính sách và môi trường làm việc. Đây cũng là “chìa khóa” cân bằng lợi ích đôi bên, tạo mối quan hệ  hài hòa và đoàn kết”- bà Lan chia sẻ.

Tại Công ty TNHH Terumo BCT Việt Nam (huyện Long Thành), DN và NLĐ tìm được tiếng nói chung từ đối thoại tại nơi làm việc. Mới đây, trong Hội nghị NLĐ năm 2024, nhiều kiến nghị về tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, thăm hỏi ốm đau, hiếu, hỉ… được đại diện DN và Công đoàn trả lời cụ thể, giúp NLĐ yên tâm làm việc, gắn bó với DN.

Chị Nguyễn Thị Duyên, công nhân công ty, cho biết nhờ những buổi đối thoại trực tiếp, công nhân được thẳng thắn nêu ra vấn đề mình quan tâm trên tinh thần dân chủ và lắng nghe. Từ đó, chủ DN ghi nhận và cải thiện các chính sách ngày càng tốt hơn.

Ở nhiều DN có đông công nhân, xác định vai trò của công tác đối thoại là cơ sở quan trọng cho việc ổn định sản xuất, vừa tạo uy tín với khách hàng, hàng năm, DN ban hành kế hoạch về tổ chức đối thoại với NLĐ định kỳ và khi có yêu cầu. Từ đối thoại, NLĐ chia sẻ nhiều trăn trở cũng như đóng góp ý kiến để xây dựng DN phát triển. Bên cạnh đó, Công đoàn cũng như chủ DN thấu hiểu, có phương án cải thiện phúc lợi lâu dài, xây dựng niềm tin với NLĐ.

Tạo sự đồng thuận trong quan hệ lao động

Theo Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh, thời điểm cuối năm thường xảy ra tranh chấp lao động liên quan đến lương, thưởng và các chính sách khác. Do đó, việc đối thoại giữa chủ sử dụng lao động và NLĐ rất cần thiết để công nhân biết được kế hoạch sản xuất của DN, tình hình đơn hàng, lương, thưởng Tết. Từ đối thoại, DN nắm bắt kịp thời trăn trở của công nhân và có cơ sở để thực hiện các chế độ phù hợp với điều kiện của DN.

Vừa qua, đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh do đại diện LĐLĐ tỉnh làm trưởng đoàn đã đến kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện pháp luật lao động, quy chế dân chủ và đối thoại định kỳ tại các DN trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra thực tế cho thấy, các DN tổ chức đối thoại với NLĐ theo quy định tại Điều 39, Nghị định 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Tại đây, DN đưa ra những chính sách hợp tình, hợp lý; đồng thời chia sẻ thông tin, trao đổi với NLĐ kế hoạch sản xuất, tình hình đơn hàng và những khó khăn để NLĐ biết, tiếp tục gắn bó với DN.

Anh Vũ Văn Quân, công nhân Công ty TNHH Cự Thành (huyện Long Thành), bày tỏ thông qua cuộc đối thoại với chủ DN tại Hội nghị NLĐ cuối năm 2024, công nhân đề xuất nhiều vấn đề cần cải thiện tốt hơn trong thời gian tới. Sau buổi đối thoại, nhiều kiến nghị được giải quyết như khẩu phần ăn được thay đổi đa dạng, hỗ trợ thêm kinh phí cho công nhân làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại và nhà ở, đi lại... Ngoài ra, DN lắp đặt hộp thư góp ý tại xưởng, nhà ăn để công nhân đóng góp ý kiến và được các tổ Công đoàn tổng hợp, thương lượng với DN cải thiện kịp thời.

LĐLĐ tỉnh cho biết, để việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, nhất là đối thoại tại nơi làm việc hiệu quả, năm 2024, đơn vị phối hợp các đơn vị tổ chức các hội nghị tập huấn và triển khai, hướng dẫn các quy định mới của pháp luật liên quan đến đối thoại tại nơi làm việc. Đồng thời, trang bị kỹ năng đàm phán, đối thoại cho các cán bộ Công đoàn để nâng cao vai trò, trách nhiệm về thương lượng với chủ DN các chế độ cho NLĐ. Đặc biệt, 2 năm qua, LĐLĐ tỉnh chú trọng công tác đào tạo ngoại ngữ cho cán bộ Công đoàn để có thể truyền tải những ý kiến, tâm tư của NLĐ đến chủ DN là người nước ngoài.

Hiện 100% Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đã thành lập Facebook, Zalo chính thức của Công đoàn cấp mình để chia sẻ thông tin, phong trào Công đoàn cũng như đăng tải các mô hình, cách làm hiệu quả của DN sau đối thoại với NLĐ. Qua đối thoại, NLĐ và chủ DN đã tìm được tiếng nói chung và quan hệ lao động đi vào ổn định. Đặc biệt, nhiều chủ DN là người nước ngoài đã chủ động lắng nghe tâm tư NLĐ và cải thiện chế độ tiền lương, phúc lợi để giữ chân NLĐ. Từ đó, nhiều vấn đề của công nhân được giải quyết thấu đáo, hạn chế tình trạng đình công, lãn công, ngừng việc.

Nguyễn Hòa

Tin xem nhiều