Báo Đồng Nai điện tử
En

Bảo vệ nguồn nước: Không thể chậm trễ

07:04, 24/04/2023

Hiện nay, các địa phương trên địa bàn Đồng Nai đang tiến hành lập hồ sơ để thuê đơn vị tư vấn xây dựng kế hoạch, lập phương án cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước.

Hiện nay, các địa phương trên địa bàn Đồng Nai đang tiến hành lập hồ sơ để thuê đơn vị tư vấn xây dựng kế hoạch, lập phương án cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước. Dự tính, tính trong năm 2023, các huyện, thành phố sẽ hoàn thành phương án để năm 2024 trình UBND tỉnh phê duyệt. Sau đó, các địa phương sẽ tiến hành cắm mốc trên thực địa. Thời gian từ lập hồ sơ đến cắm mốc tại các hành lang của nguồn nước cần bảo vệ từ 3-5 năm.

Theo Quyết định số 60/2022/QĐ-UBND của UBND tỉnh ban hành quy định quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước thì trên địa bàn toàn tỉnh có hơn 900 nguồn nước của các sông, suối, kênh, rạch, hồ cần phải cắm mốc. Việc cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước được thực hiện với các đoạn sông, suối, kênh rạch chảy qua các đô thị, khu dân cư tập trung, khu, cụm công nghiệp, làng nghề, hồ tự nhiên, hồ nhân tạo. Kinh phí để cắm mốc hành lang nguồn nước được sử dụng từ ngân sách nhà nước.

Cắm mốc nhằm bảo vệ nguồn nước, tránh bị sạt lở, lấn chiếm, sử dụng đất thuộc phạm vi hành lang gây ảnh hưởng đến nguồn nước. Đồng Nai là nơi có nhiều sông, suối, kênh rạch, hồ và việc lấn chiếm vùng bán ngập, hành lang diễn ra ở nhiều nơi. Trong đó, có những hộ gia đình, cá nhân lấn chiếm để xây dựng trái phép nhà ở, công trình, trồng trọt, chăn nuôi. Tất cả các trường hợp lấn chiếm trên đều đe dọa rất lớn đến nguồn nước, vì quá trình sử dụng công trình, sản xuất thường xả thải gây ô nhiễm môi trường.

Đơn cử, các khu vực ven sông Đồng Nai đoạn qua TP.Biên Hòa, dọc theo hai bên bờ sông có cả trăm công trình xây dựng lấn ra sông. Tương tự, trên hồ Trị An và các hồ khác tại các huyện, tình trạng lấn chiếm vùng bán ngập để trồng trọt, xây dựng các công trình nhà ở, điểm du lịch cũng diễn ra khá nhiều. Do đó, các huyện, TP.Long Khánh, TP.Biên Hòa cần sớm hoàn thiện phương án cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước để trình UBND tỉnh phê duyệt và tiến hành triển khai. Bởi việc này càng kéo dài thì nguy cơ lấn chiếm hành lang bảo vệ nguồn nước càng diễn ra nhiều hơn. Sau này, việc xử lý các trường hợp vi phạm trên rất khó khăn vì còn liên quan đến tài sản, cây trồng, vật nuôi.

Như vậy, trong thời gian chưa tiến hành cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước được thì các xã, phường trên địa bàn tỉnh cần chú trọng bảo vệ hành lang sông, suối, hồ, kênh, rạch không để xảy ra tình trạng lấn chiếm, xây dựng hoặc chăn nuôi, trồng trọt trái phép. Khi phát hiện các vi phạm nên xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Nếu các địa phương thực hiện tốt việc quản lý các hành lang của nguồn nước thì khi tiến hành cắm mốc sẽ rất nhanh.

Nước là tài nguyên được Việt Nam cũng như các nước trên thế giới bảo vệ nghiêm ngặt. Đặc biệt là nguồn nước ngọt để phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất. Hiện nay, biến đổi khí hậu làm trái đất nóng lên, băng tan, nước biển dâng cao, xâm nhập mặn vào sâu trong đất liền thì việc cắm mốc bảo vệ nguồn nước ngọt tại các sông, suối, hồ... cần được làm nhanh để giữ nguồn nước cho tương lai.

Khánh Minh

Tin xem nhiều