Báo Đồng Nai điện tử
En

Để di tích được bảo tồn và phát huy giá trị

12:11, 01/11/2022

Đồng Nai có nhiều di tích được xếp hạng. Đây là vốn tài sản quý rất cần được giữ gìn nhằm phát huy những giá trị của di tích. Thực tế thời gian qua cho thấy, cùng với nguồn vốn chính sách, tỉnh đã tích cực kêu gọi, vận động các nguồn đóng góp từ nhân dân để chung tay bảo tồn di tích, nhất là kịp thời tu sửa những di tích đã xuống cấp, hư hại nhiều do thời gian.

Đồng Nai có nhiều di tích được xếp hạng. Đây là vốn tài sản quý rất cần được giữ gìn nhằm phát huy những giá trị của di tích. Thực tế thời gian qua cho thấy, cùng với nguồn vốn chính sách, tỉnh đã tích cực kêu gọi, vận động các nguồn đóng góp từ nhân dân để chung tay bảo tồn di tích, nhất là kịp thời tu sửa những di tích đã xuống cấp, hư hại nhiều do thời gian.

Qua rà soát của Sở VH-TTDL, trong số 65 di tích được xếp hạng và 1,5 ngàn di tích phổ thông của tỉnh hiện nay, nhiều di tích có giá trị lịch sử, văn hóa lớn đang hư hỏng đòi hỏi phải kịp thời được sửa chữa, khôi phục. Nếu chỉ trông chờ vào nguồn kinh phí ngân sách, khó có thể đáp ứng hết yêu cầu sửa chữa, khôi phục để bảo tồn di tích nên ngành Văn hóa cũng như các địa phương đã có sự chủ động trong việc mời gọi xã hội hóa trùng tu, tôn tạo di tích. Nhờ đó, không ít di tích đã được bảo tồn kịp thời, phục vụ đắc lực cho việc khai thác giá trị của di tích trong đời sống xã hội. Một số địa phương trong tỉnh như: Biên Hòa, Nhơn Trạch… đã thực hiện khá tốt công tác này.

Tuy nhiên, xã hội hóa việc tôn tạo, trùng tu di tích đang gặp không ít khó khăn, trong đó nguyên nhân lớn nhất vẫn là việc làm sao và làm như thế nào để thu hút đông đảo doanh nghiệp và người dân cùng tham gia bảo tồn di tích. Bởi, trong số lượng di tích cần được trùng tu lớn, cần nguồn vốn nhiều nhưng không phải ở địa phương nào doanh nghiệp và người dân cũng mặn mà tham gia. Do đó, quy mô trùng tu, tôn tạo di tích chưa lớn chủ yếu mới dừng lại ở từng hạng mục, thiếu sự đầu tư một cách tổng thể, đồng bộ. Đó là chưa nói đến các quy định liên quan đến vấn đề bảo vệ di sản đòi hỏi công tác trùng tu, tôn tạo di tích phải đảm bảo nguyên tắc không được làm biến tướng các di tích.

Để giữ gìn và kéo dài tuổi thọ di tích, ngành Văn hóa đang tích cực rà soát và tham mưu cho UBND tỉnh lộ trình trùng tu, tôn tạo di tích đến năm 2030, định hướng đến năm 2035. Theo đó, tỉnh sẽ ưu tiên có trọng tâm, trọng điểm việc trùng tu, tôn tạo di tích. Di tích nào có nguy cơ xuống cấp nhiều hơn sẽ được bố trí vốn sửa chữa trước; nguồn vốn vừa từ ngân sách, vừa huy động từ nhân dân. Theo Phó giám đốc Sở VH-TTDL Nguyễn Hồng Ân, trên địa bàn tỉnh có những nơi thực hiện khá tốt việc kêu gọi chung tay xã hội hóa. Như chùa Ông (TP.Biên Hòa) nhiều năm qua từ nguồn đóng góp của doanh nghiệp và người dân đã tích cực sửa chữa và tôn tạo nhiều hạng mục quan trọng. Di tích cũng đã có nguồn thu để quay lại phục vụ chính việc sửa sang di tích.

Bảo tồn và phát huy giá trị di tích là nhiệm vụ rất quan trọng của mỗi địa phương trong bối cảnh hiện nay. Trong đó, công tác trùng tu, tôn tạo di tích góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ này. Vì thế, xã hội hóa việc trùng tu, tôn tạo di tích tiếp tục là một giải pháp mang tính lâu dài để các di tích được bảo tồn trước những biến đổi của thời gian…

Minh Ngọc

Tin xem nhiều