Theo ước tính của UBND tỉnh, chỉ trong 4 năm tới sẽ có khoảng 46 ngàn tỷ đồng từ khối doanh nghiệp rót vào xây dựng các khu nhà ở thương mại và hơn 2,5 ngàn tỷ đồng cho các dự án nhà ở xã hội...
Không quá khó để nhìn ra trong tương lai gần, Đồng Nai sẽ trở thành một địa bàn thu hút nhiều nhà đầu tư bất động sản trong cả nước. Lợi thế này đến từ sức ảnh hưởng của các dự án hạ tầng giao thông lớn đã và đang được triển khai như cảng hàng không quốc tế Long Thành, các tuyến đường cao tốc: TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Phan Thiết - Dầu Giây, Bến Lức - Long Thành, Dầu Giây - Liên Khương…
Dự án khu đô thị gần trung tâm hành chính H.Nhơn Trạch được đầu tư cả ngàn tỷ đồng để làm căn hộ, biệt thự. Ảnh: Hương Giang |
Theo ước tính của UBND tỉnh, chỉ trong 4 năm tới sẽ có khoảng 46 ngàn tỷ đồng từ khối doanh nghiệp rót vào xây dựng các khu nhà ở thương mại và hơn 2,5 ngàn tỷ đồng cho các dự án nhà ở xã hội. Thêm vào đó là khoảng 72 ngàn tỷ đồng từ nhà ở cá nhân.
Hiện tại, dưới góc độ thị trường, hầu hết tên tuổi lớn của ngành bất động sản Việt Nam đều có quỹ đất tại Đồng Nai (chủ yếu thông qua các đợt đấu giá đất) và đang bắt đầu triển khai nhiều dự án nhà ở, khu dân cư, khu đô thị.
Về khía cạnh đầu tư và thu hút đầu tư, đây rõ ràng là một tín hiệu tốt. Tuy nhiên, vẫn còn những băn khoăn khi nhìn sâu vào các loại sản phẩm nhà ở mà các nhà đầu tư đang triển khai. Băn khoăn lớn nhất có lẽ vẫn nằm ở chỗ: đa số các nhà đầu tư đều chỉ tập trung vào phân khúc nhà ở cao cấp hoặc trung cấp chứ chưa quan tâm đến việc phát triển các dòng sản phẩm nhà ở cho người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp.
Trong khi đó, xét về nhu cầu, những người có thu nhập trung bình và thu nhập thấp mới là đối tượng chiếm đa số về nhu cầu nhà ở hiện nay. Đó là cán bộ, công chức, nhân viên văn phòng, đặc biệt là công nhân nhập cư - đối tượng đang rất khó khăn về nhà ở.
Thực tế là khi triển khai các dự án nhà ở phân khúc cao cấp, lợi nhuận thu về của doanh nghiệp nhiều hơn so với các dạng sản phẩm nhà ở giá rẻ. Vẫn chưa có một “điểm chạm” cân bằng giữa lợi nhuận của doanh nghiệp và nhu cầu nhà ở giá rẻ. Điều này có lẽ cần đến “bàn tay chính sách” như: ưu tiên các kênh cấp vốn giá rẻ cho doanh nghiệp làm dự án nhà ở thu nhập thấp, hỗ trợ về thủ tục, hỗ trợ về thị trường… cùng nhiều chính sách đặc thù khác để khuyến khích dòng vốn đầu tư nhà ở “chảy” về khu vực sản phẩm thu nhập thấp. Có như thế mới có thể vừa góp phần giải bài toán lợi nhuận cho doanh nghiệp, vừa giúp người có thu nhập thấp có chỗ “an cư” và giải quyết nhiều vấn đề trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung.
Kim Ngân