Báo Đồng Nai điện tử
En

An toàn lao động là nhiệm vụ hàng đầu trong sản xuất

11:05, 27/05/2022

Đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) là các giải pháp nhằm phòng, chống tác động của yếu tố có hại gây bệnh tật, làm suy giảm sức khỏe; bảo đảm không xảy ra thương tật, tử vong đối với con người trong quá trình lao động.

Đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) là các giải pháp nhằm phòng, chống tác động của yếu tố có hại gây bệnh tật, làm suy giảm sức khỏe; bảo đảm không xảy ra thương tật, tử vong đối với con người trong quá trình lao động. Đây là một trong những quy định mang tính bắt buộc đối với các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp (DN) trong tổ chức lao động, sản xuất... Thậm chí, được thể chế hóa thành các quy định pháp luật, mà cụ thể là Luật ATVSLĐ năm 2015.

Luật ATVSLĐ quy định mỗi tổ sản xuất trong DN phải có ít nhất 1 an toàn, vệ sinh viên kiêm nhiệm trong giờ làm việc. Họ là người lao động (NLĐ) trực tiếp, am hiểu chuyên môn kỹ thuật ATVSLĐ; tự nguyện và gương mẫu trong việc chấp hành các quy định ATVSLĐ và được NLĐ trong tổ bầu ra.

Pháp luật cũng quy định tùy thuộc vào tính chất,  mức độ hành vi vi phạm quy định ATVSLĐ có thể bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự với mức phạt tù cao nhất lên tới 12 năm.

Pháp luật quy định cụ thể và nghiêm khắc như vậy nhưng thực tế quá trình tổ chức lao động sản xuất, nhiều DN vẫn chưa thật sự quan tâm đến việc đảm bảo công tác ATVSLĐ, thậm chí lơ là, làm theo kiểu đối phó với việc kiểm tra của cơ quan chức năng. Thực tế kiểm tra đối với một số DN trên địa bàn tỉnh trong Tháng ATVSLĐ những ngày vừa qua đã cho thấy điều đó. Cụ thể, kiểm tra việc chấp hành các quy định về ATVSLĐ tại 20 DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh cho thấy hầu hết các DN này đều có sai phạm, thiếu sót trong đảm bảo ATVSLĐ như: một số DN mua giấy tờ, hồ sơ về huấn luyện ATVSLĐ cho NLĐ; chưa bố trí cán bộ làm công tác ATVSLĐ; chưa phân loại lao động làm việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo danh mục; không trang bị bảo hộ lao động cho NLĐ, thiếu biển báo, hướng dẫn sử dụng máy móc bằng tiếng Việt…

Hậu quả từ sự lơ là trong việc đảm bảo ATVSLĐ có thể là những tai nạn lao động khó thể lường trước được. Theo báo cáo của Sở LĐ-TBXH, trong năm 2021, trên địa bàn Đồng Nai xảy ra 27 vụ tai nạn lao động, làm 28 người chết, thiệt hại về vật chất trên 16 tỷ đồng. 28 người chẳng may qua đời do tai nạn lao động không chỉ gây ra nỗi đau mất mát mà còn khiến gia đình họ lâm vào cảnh khó khăn, con cái chẳng có người chăm sóc vì họ là trụ cột trong gia đình. Trường hợp bị bệnh tật, thương tích sẽ gây tốn kém chi phí điều trị, thậm chí để lại nỗi đau về thể xác và tinh thần với NLĐ.

Do đó, để đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe cho NLĐ, DN cần phải làm tốt công tác đảm bảo ATVSLĐ, xác định đây là công tác quan trọng hàng đầu trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Đối với các cơ quan chức năng, để các DN luôn đảm bảo làm tốt công tác ATVSLĐ, việc kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh các sai sót phải được thực hiện thường xuyên, liên tục để nâng cao ý thức phòng ngừa tai nạn lao động của DN, tránh tình trạng DN thực hiện đối phó để rồi sau đó mọi việc đâu lại vào đó và NLĐ phải chịu thiệt thòi.

Phạm Mai

Tin xem nhiều