Báo Đồng Nai điện tử
En

Đem chuông về đánh sân nhà

03:04, 15/04/2022

Không thể phủ nhận, dù còn những băn khoăn về câu chuyện xây dựng thương hiệu hàng hóa, về việc sản phẩm thô chiếm quá nhiều trong tỉ trọng kim ngạch xuất khẩu hằng năm, song phải nói rằng, quá trình hàng chục năm "đem chuông đi đánh xứ người" của các DN Việt Nam đã chứng tỏ được một điều quan trọng: năng lực sản xuất hàng hóa của các DN trong nước hoàn toàn đủ sức để cạnh tranh với hàng hóa các quốc gia khác trên thị trường quốc tế về chất lượng như: tôm, cá, cà phê, cao su, gạo, trái cây, hạt điều, thịt heo, thịt gà…

 

Không thể phủ nhận, dù còn những băn khoăn về câu chuyện xây dựng thương hiệu hàng hóa, về việc sản phẩm thô chiếm quá nhiều trong tỉ trọng kim ngạch xuất khẩu hằng năm,  song phải nói rằng, quá trình hàng chục năm “đem chuông đi đánh xứ người” của các DN Việt Nam đã chứng tỏ được một điều quan trọng: năng lực sản xuất hàng hóa của các DN trong nước hoàn toàn đủ sức để cạnh tranh với hàng hóa các quốc gia khác trên thị trường quốc tế về chất lượng như: tôm, cá, cà phê, cao su, gạo, trái cây, hạt điều, thịt heo, thịt gà…

Tuy nhiên, thị trường nội địa với gần 100 triệu dân và cơ cấu dân số tương đối trẻ (đa số ở trong độ tuổi làm ra thu nhập và có nhu cầu tiêu dùng khá cao) cũng là điều mà nói như nhiều chuyên gia kinh tế từng khuyến cáo rằng “không DN nào nên bỏ quên”.

Trong hơn 1 thập niên qua, có 2 “dịp” khiến nhiều DN Việt Nam phải nhìn nhận lại chiến lược bán hàng của mình và tiến hành định vị lại thị trường nội địa trong định hướng của chính mình. Một là lần khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu giai đoạn 2009-2011, lạm phát cao, tiêu dùng giảm, người dân “thắt lưng buộc bụng” khiến xuất khẩu gặp nhiều khó khăn. Thời điểm đó, nhiều DN xuất hàng đi châu Âu, Hoa Kỳ phải “kêu trời” vì hàng không bán được. Đó cũng là lúc Chính phủ, các bộ, ngành, chuyên gia lên tiếng và xây dựng một số chính sách khuyến khích người dân trong nước tiêu thụ hàng Việt Nam và khuyến cáo các DN quay lại “sân nhà” một cách bền vững hơn. Và lần thứ 2, suy nghĩ này một lần nữa được đặt ra khi đại dịch Covid-19 lây lan đỉnh điểm vào các năm 2020, 2021 khiến nhiều quốc gia buộc phải tạm thời đóng cửa, các chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế đứt gãy, người dân giảm mạnh chi tiêu cho những mặt hàng không thiết yếu… Và lúc này, thị trường nội địa tiếp tục trở thành cứu cánh cho nhiều DN.

Dĩ nhiên, soi chiếu vào từng ngành, từng DN thì câu chuyện “đem chuông về đánh sân nhà” không hẳn đúng cho tất cả, bởi mỗi ngành, mỗi lĩnh vực và mỗi DN đều có những ưu thế, hạn chế riêng và họ buộc phải xác định ưu tiên của mình trên từng thị trường. Bán hàng trong nước cũng không phải là chuyện dễ dàng, nó đòi hỏi hệ thống phân phối, thương hiệu, sức cạnh tranh… và không thể làm ngay trong một sớm một chiều. Nhưng rõ ràng, đây vẫn là một định hướng cần lưu tâm, nhất là với những mặt hàng tiêu dùng phổ biến như: nông sản, thực phẩm, hàng may mặc, giày dép, hàng điện tử… Kinh nghiệm cho thấy, khoảng thời gian căng thẳng nhất trong đại dịch Covid-19 bùng phát, DN nào vững vàng trên cả “mặt trận” xuất khẩu lẫn thị trường trong nước thì vượt qua khó khăn và tồn tại có phần dễ dàng hơn. Vậy nên, sự cân nhắc, nghiên cứu, định hướng về việc “đem chuông về đánh sân nhà”, xét ra vẫn luôn là câu chuyện chưa bao giờ cũ.

Kim Ngân

Tin xem nhiều