Tôn sư trọng đạo là truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam qua các thời kỳ, thể hiện sự tôn kính, trân trọng của xã hội đối với những người thầy; đề cao vị trí của người thầy đối với sự nghiệp "trồng" người; đồng thời còn thể hiện việc coi trọng đạo lý cũng như kiến thức mà thầy cô truyền đạt.
Tôn sư trọng đạo là truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam qua các thời kỳ, thể hiện sự tôn kính, trân trọng của xã hội đối với những người thầy; đề cao vị trí của người thầy đối với sự nghiệp “trồng” người; đồng thời còn thể hiện việc coi trọng đạo lý cũng như kiến thức mà thầy cô truyền đạt.
Tuy nhiên, thời gian qua, tại một số tỉnh, thành trên cả nước xuất hiện một số phụ huynh, học sinh có những hành động phản cảm, vô lễ với thầy cô khiến dư luận không khỏi phẫn nộ, bức xúc. Cụ thể như chiều 17-2, cộng đồng mạng “dậy sóng” khi xuất hiện clip ghi lại hình ảnh một nam sinh thẳng tay tát cô giáo giữa lớp học vì bị cô giáo tịch thu điện thoại. Sự việc xảy ra tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên Q.Ba Đình (TP.Hà Nội) ngày 25-5-2020. Hay vụ phụ huynh xông vào lớp dùng mũ bảo hiểm đánh một cô giáo tiểu học ở tỉnh Long An bị thương tích. Mặc dù sau đó, phụ huynh và học sinh đánh 2 cô giáo đã có lời xin lỗi cô giáo nhưng vụ việc xảy ra quả thực rất đau lòng vì đây là những hành động phản cảm, trái ngược với đạo lý của người Việt Nam.
Trước tình trạng này, để hạn chế tình trạng bạo lực học đường, bảo vệ thầy cô cũng như học sinh, Chính phủ đã ban hành quy định xây dựng môi trường an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường.
Ngành GD-ĐT cũng đã ban hành nhiều nghị định, quy định, thông tư hướng dẫn liên quan đến khen thưởng, kỷ luật và gần nhất là Nghị định 04/2021/NĐ-CP ngày 22-1-2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục. Trong đó có quy định mức phạt cụ thể đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục. Qua đó cho thấy hệ thống pháp luật ngày càng hoàn thiện để ngăn chặn nạn bạo lực học đường nói chung, trong đó có bạo hành giáo viên nói riêng.
Để xây dựng môi trường học đường an toàn, lành mạnh, gìn giữ truyền thống tôn sư, trọng đạo, các trường học ngoài chú trọng giáo dục kỹ năng giao tiếp, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên còn cần phải đẩy mạnh tuyên truyền quy định pháp luật liên quan đến khen thưởng, kỷ luật trên lĩnh vực giáo dục để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho học sinh, sinh viên khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Điều quan trọng nhất trong giữ gìn truyền thống tôn sư trọng đạo chính là tài năng và đức độ của một người thầy. Dù trong thời đại công nghệ thông tin bùng nổ, có rất nhiều kênh để tham khảo, học hỏi nhưng vai trò của người thầy không thể thay thế được. Bằng lòng yêu nghề, khát khao cống hiến, những người thầy không chỉ tiếp tục truyền tinh thần ham học hỏi, tạo động lực cho các thế hệ học trò vươn xa trên con đường tri thức; mà còn là niềm tin, chỗ dựa tinh thần cho học trò, giúp các em vượt qua những khó khăn trong cuộc sống, trong học tập và cả những bất ổn về tinh thần để có kết quả học tập tốt hơn. Có như vậy mới xây dựng được mối quan hệ thầy trò thân thiện, môi trường học tập an toàn, lành mạnh, không có bạo lực học đường.
Đặng Ngọc