Báo Đồng Nai điện tử
En

Thời cơ trong thời dịch

08:11, 24/11/2020

Là ngành kinh tế đầu tiên bị ảnh hưởng khi đại dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện ở một vài quốc gia, du lịch cũng là ngành chịu tác động nặng nề nhất khi đại dịch lan rộng ra quy mô toàn thế giới.

Là ngành kinh tế đầu tiên bị ảnh hưởng khi đại dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện ở một vài quốc gia, du lịch cũng là ngành chịu tác động nặng nề nhất khi đại dịch lan rộng ra quy mô toàn thế giới.

Tại Việt Nam, các chính sách phòng, chống dịch được thực hiện nghiêm túc đã đem lại hiệu quả đáng khích lệ, nhận được sự đồng thuận của người dân cả nước và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Song những chính sách đó cũng làm cho một số ngành kinh tế có độ mở lớn gặp khó khăn như: du lịch, xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ... Trong đó, việc tạm dừng các đường bay quốc tế để ngăn chặn làn sóng dịch bệnh lây lan đặt ngành Du lịch nước nhà vào tình thế khó khăn khi nhiều năm qua, khách quốc tế là một trong những nguồn thu chính của ngành Du lịch các tỉnh, thành như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Kiên Giang…

Khó khăn có, thách thức có, nhưng vì lợi ích chung, các doanh nghiệp ngành Du lịch đã và đang hợp tác rất tốt với Chính phủ trong thực hiện mục tiêu kép: vừa chống dịch vừa nỗ lực giữ vững nhịp độ phát triển. Nhiều doanh nghiệp trong ngành đã nhanh chóng chuyển hướng, từ chỗ chỉ tập trung đón khách quốc tế sang đón khách nội địa, tiết giảm chi phí, mở ra các dịch vụ và sản phẩm mới phù hợp với nhiều đối tượng khách trong nước…

Có thể nói, trong bối cảnh du lịch quốc tế đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch thì du khách trong nước chính là “cứu cánh” của ngành kinh tế “không khói” này. Ở thời điểm hiện tại, các địa điểm du lịch nổi tiếng trong nước vẫn đang nườm nượp khách nội địa và có vẻ rất nhiều doanh nghiệp trong ngành đã “dễ thở” hơn khi mọi thứ bắt đầu trở lại bình thường, dù là trạng thái “bình thường mới”, vừa kinh doanh vừa phòng dịch. Với một góc nhìn lạc quan, rõ ràng cũng có những điểm tốt khi những người có nhu cầu đi du lịch vẫn sẽ đi, song thay vì “tiêu tiền” ở các quốc gia khác, họ sẽ chuyển hướng sang các địa điểm nổi tiếng trong nước. Mặt khác, các danh lam thắng cảnh trong nước cũng đắt khách hơn, được khai thác tốt hơn nếu từng địa phương, từng doanh nghiệp biết tận dụng và biết nắm thời cơ.

Và thời cơ đó là gì? Đó chính là việc du khách trong nước đang đi du lịch trong nước rất nhiều. Nếu làm tốt thì kể cả khi đại dịch qua đi, các đường bay quốc tế mở lại, “người Việt đi du lịch trong nước” vẫn sẽ là một xu hướng lâu dài, đặc biệt là với nhóm khách hàng chi tiêu nhiều cho nhu cầu du lịch.

Ở góc độ địa phương, Đồng Nai cũng như các tỉnh, thành khác đang ráo riết nỗ lực thực hiện nhiều chính sách vừa gỡ khó cho ngành Du lịch, vừa “nâng cấp” chất lượng của ngành để có thể khai thác nguồn khách trong nước (và sau này tái khai thác nguồn khách quốc tế) một cách lâu dài và bền vững. Nếu dần cải thiện hiệu quả những điểm yếu cố hữu nhiều năm nay thì với thắng cảnh đẹp, dịch vụ tốt, thái độ phục vụ chuyên nghiệp… thì dù có dịch bệnh hay không, ngành Du lịch vẫn sẽ tự tin tồn tại và phát triển.

Vi Lâm

Tin xem nhiều