Theo quy định, khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng hơn 20% thì sẽ tính lại mức giảm trừ gia cảnh cho người lao động từ tiền lương, tiền công trong thực hiện nộp thuế thu nhập cá nhân.
Theo quy định, khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng hơn 20% thì sẽ tính lại mức giảm trừ gia cảnh cho người lao động từ tiền lương, tiền công trong thực hiện nộp thuế thu nhập cá nhân. Tuy nhiên, CPI giữa năm 2019 đã tăng 22,53% nhưng cơ quan có thẩm quyền, các bộ, ngành liên quan vẫn chưa tiến hành điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cho phù hợp với quy định của luật và phù hợp với thực tiễn cuộc sống.
Cụ thể, từ ngày 1-1-2019, mức lương tối thiểu vùng 1 là 4,18 triệu đồng/người/tháng, vùng 2 là 3,71 triệu đồng/người/tháng, vùng 3 là 3,25 triệu đồng/người/tháng và vùng 4 là 2,92 triệu đồng/người/tháng. Nếu tính từ thời điểm Luật Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi có hiệu lực vào giữa năm 2013 thì mức lương tối thiểu hiện nay đã tăng từ 76-80% và mức thu nhập của người lao động cũng tăng thêm khá cao, nhưng mức giảm trừ gia cảnh vẫn giữ nguyên là điều bất hợp lý.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, mức chi tiêu cho cuộc sống của người dân ở các vùng có khác nhau, song mức giảm trừ gia cảnh lại cào bằng cũng không phù hợp. Vì người lao động sống trong các thành phố mức chi tiêu cho sinh hoạt hằng ngày sẽ cao hơn nhiều so với người lao động sống ở gần thành phố hoặc khu vực nông thôn. Những năm qua, Chính phủ đã áp dụng mức lương tối thiểu cho 4 vùng nhằm tạo sự công bằng cho người lao động thì mức giảm trừ gia cảnh với người nộp thuế cũng nên theo đó để tính toán sẽ thích hợp hơn.
So với một số nước trong khối ASEAN thì người lao động Việt Nam đang phải chịu mức thuế thu nhập cá nhân khá cao từ 5-35%, trong khi các nước như Singapore, Lào, Campuchia... thuế thu nhập cá nhân chỉ từ 1-22%. Như vậy, thuế thu nhập cá nhân của người nộp thuế trong nước đang cao hơn nhiều nước trong khối ASEAN cả ở mức tối thiểu lẫn tối đa.
Theo ý kiến của nhiều người dân thì Luật Thuế thu nhập cá nhân nên mở ra và thông thoáng như thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ giúp nâng cao đời sống cho người dân. Đồng thời, trong lần sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập cá nhân tới đây, Chính phủ cũng nên xem xét đưa mức khấu trừ các khoản chi phí có hóa đơn cho người nộp thuế như: điện, nước, thuê nhà, mua sắm thiết bị phục vụ cho nhu cầu công việc, cuộc sống... Việc này khuyến khích người dân khi mua hàng hóa sẽ lấy hóa đơn, như vậy sẽ tạo sự rõ ràng, minh bạch về nguồn gốc hàng hóa và Nhà nước cũng hạn chế được thất thu thuế từ việc mua bán hàng hóa không lấy hóa đơn.
Hơn 1 triệu người dân đang nộp thuế thu nhập cá nhân trên cả nước rất mong Chính phủ sớm dự thảo sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân để trình Quốc hội thông qua cho phù hợp với quy định đã ban hành và phù hợp với thực tiễn cuộc sống…
Uyển Nhi