Không ai có thể phủ nhận được vị trí đặc biệt của Nhơn Trạch trong sự phát triển kinh tế - xã hội của Đồng Nai nói riêng và cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung.
Không ai có thể phủ nhận được vị trí đặc biệt của Nhơn Trạch trong sự phát triển kinh tế - xã hội của Đồng Nai nói riêng và cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung. Nhơn Trạch chỉ cách TP.Hồ Chí Minh - đô thị với dân số gần 9 triệu người - một bến phà Cát Lái. Nhơn Trạch cũng nằm “sát sườn” với tỉnh Bà Rịa - Vùng Tàu, sát với huyện Long Thành - nơi đang thực hiện dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Về phát triển giao thông, Nhơn Trạch được ví như điểm “trung chuyển” giữa TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông; nằm gần nhiều tuyến đường huyết mạch như: cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, cao tốc Bến Lức - Long Thành, đường vành đai 3 qua cầu quận 9 - Nhơn Trạch, cầu Phước Khánh nối Nhơn Trạch - Cần Giờ...
Nhìn thấy những tiềm năng lớn trong việc đầu tư, phát triển Nhơn Trạch nhằm “biến” địa phương này thành một thành phố hiện đại, một “vệ tinh” phía Đông của TP.Hồ Chí Minh, 10 năm trước Đồng Nai đã định hướng Nhơn Trạch sẽ trở thành đô thị loại II vào năm 2020. Nhiều sự tính toán, mời gọi các nguồn lực trong và ngoài tỉnh đóng góp cho sự phát triển của Nhơn Trạch cũng diễn ra, song thực tế không như mong đợi. Nhiều chủ đầu tư “đến rồi đi”, nhiều dự án hạ tầng và dự án đô thị lớn bị bỏ ngỏ, thậm chí tại nhiều khu vực của Nhơn Trạch, chỉ thấy toàn những khu dân cư không người ở.
Dẫn đến thực trạng này, ngoài những nguyên nhân khách quan, cũng không thể phủ nhận nguyên nhân chủ quan từ những nhìn nhận “màu hồng” trong quy hoạch. Khi định hướng và thực hiện quy hoạch đô thị Nhơn Trạch, cơ quan chức năng đã dự kiến rằng rất đông người dân sẽ về đây ở và tạo nên những khu dân cư sầm uất, song thực tế, sự chuyển động của các dự án hạ tầng giao thông diễn ra chậm chạp. Thêm vào đó, các yếu tố khác như thương mại, dịch vụ cũng phát triển không tương xứng nên dân số không tăng nhanh như mong đợi. Những cơn “sốt” đất trong 10 năm qua cho thấy người mua đất ở khu vực này chủ yếu là dân “đầu cơ”, không phải là những người có nhu cầu ở thực sự. Đầu cơ đất tăng mạnh, giá đất cao chót vót còn khiến những người thực sự muốn an cư ở Nhơn Trạch không đủ tiền mua đất, dẫn đến việc hình thành một đô thị Nhơn Trạch đông đúc và sầm uất khó chồng thêm khó.
Qua nghiên cứu về thực trạng và dự báo phát triển đô thị Nhơn Trạch trong tương lai, đại diện các sở, ngành, chuyên gia tư vấn nhận định đến năm 2020 Nhơn Trạch chỉ đạt đô thị loại III và đến năm 2026 mới có thể đạt đô thị loại II. Thực ra, không có gì phải vội vàng trong việc đưa Nhơn Trạch thành đô thị loại II, nếu thực tế sự phát triển không diễn ra đúng như mong đợi. 3 hay 5 năm nữa, Nhơn Trạch mới đạt được các tiêu chí này cũng vẫn tốt, song điều cốt yếu là sự chuyển mình đó phải đúng với thực tế phát triển, phù hợp với định hướng mà Đồng Nai đã đề ra trong việc xây dựng vùng đất này thành một đô thị phát triển bền vững.
Vi Lâm