Một trong những xu hướng dễ nhận thấy gần đây trong đầu tư là nông nghiệp đang nổi lên, trở thành lĩnh vực đầy sức hút, sau nhiều năm lép vế trước những "ngôi sao" khác, như: bất động sản, dịch vụ, tài chính, bán lẻ hàng hóa…
Một trong những xu hướng dễ nhận thấy gần đây trong đầu tư là nông nghiệp đang nổi lên, trở thành lĩnh vực đầy sức hút, sau nhiều năm lép vế trước những “ngôi sao” khác, như: bất động sản, dịch vụ, tài chính, bán lẻ hàng hóa… Chẳng hạn, có thể thấy Nhật Bản là một trong những ví dụ sinh động nhất. Từ năm 2014, Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Nhật Bản đã đối thoại cấp cao song phương về hợp tác nông nghiệp. Tháng 8-2015, hai bên đã phê duyệt “Tầm nhìn trung và dài hạn” nhằm thiết lập “Chuỗi giá trị nông sản tại Việt Nam”, bao gồm: sản xuất nông nghiệp, vận chuyển, lưu thông, chế biến và tiếp thị… tạo điều kiện cho các doanh nghiệp của 2 nước đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Cùng một số địa phương lớn như TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội, Đồng Nai cũng là một trong những tỉnh tiên phong ký cam kết hợp tác toàn diện trong lĩnh vực nông nghiệp cùng Nhật Bản, bao gồm: liên kết sản xuất, chuyển giao công nghệ, đào tạo con người… Cho đến nay, nhiều doanh nghiệp Nhật đã đến và xây dựng dự án tại Việt Nam, cùng với đó là các nhà đầu tư khác đến từ Hoa Kỳ, Thái Lan, Úc…
Về phía các nhà đầu tư trong nước, những tập đoàn lớn lâu nay vẫn say sưa với các lĩnh vực khác, nay cũng quay về nông nghiệp với những dự án hàng ngàn tỷ đồng, như: Hòa Phát, Vingroup, Hoàng Anh Gia Lai…, chứng tỏ sức hấp dẫn của nông nghiệp ngày càng lớn.
Ai cũng biết, sự ở lại của doanh nghiệp chính là câu trả lời cho nhiều bài toán đặt ra trong nông nghiệp - nông dân - nông thôn. Hiện tại (và rất có thể trong một thời gian khá dài nữa), chỉ doanh nghiệp mới có thể đàm phán với các đối tác xuất khẩu nông sản, doanh nghiệp mới tìm được đầu mối mua vật tư nông nghiệp rẻ, mua công nghệ nuôi trồng, cải tạo giống…
Tuy nhiên, cũng như nhiều ngành khác, để thu hút lâu dài và giúp nhà đầu tư bén rễ, cần đến những thứ lớn hơn là sức hấp dẫn của lợi nhuận trong ngắn hạn, nghĩa là cần xây dựng một “hệ sinh thái” cho nông nghiệp, trước tiên là về chính sách. Hiện tại, gần như không có một khác biệt nào giữa doanh nghiệp nông nghiệp và doanh nghiệp ở những lĩnh vực khác: vay vốn với lãi suất cao bằng nhau, các chính sách đất đai tương tự nhau, các quy định về thuế hoặc môi trường cũng không mấy khác biệt… Tóm lại, những chính sách để doanh nghiệp đến và “cắm rễ” trong nông nghiệp mặc dù có, song chưa thực sự thuyết phục như một số quốc gia có nền nông nghiệp mạnh. Trong khi đó, thực tế nông nghiệp vẫn đang sản xuất manh mún, nhỏ lẻ khiến chi phí cao, năng suất thấp và khó đảm bảo an toàn thực phẩm. Thêm vào đó, chất lượng và khả năng cạnh tranh của nhiều loại sản phẩm còn thấp, đa phần nông sản xuất khẩu dưới dạng gia công, dạng thô chưa tăng giá trị, chưa có thương hiệu, không đảm bảo chất lượng… Những “căn bệnh” này, muốn “chữa trị” được, hơn lúc nào hết cần đến một lực lượng doanh nghiệp hùng hậu, giàu kinh nghiệm và kiến thức, do đó, cần một “hệ sinh thái” nuôi dưỡng các dự án đầu tư vào lĩnh vực này và thu hút thêm những luồng vốn mới, bằng các chính sách ưu đãi hơn về vốn, thủ tục, thuế, đất đai, nghiên cứu thị trường… Có như thế, nông nghiệp mới tăng được sức cạnh tranh và phát triển bền vững một cách lâu dài.
Vi Lâm