Báo Đồng Nai điện tử
En

Chuyện từ nửa triệu con gà

10:01, 04/01/2016

Chỉ trong vòng 5 năm, xã Bình Sơn, huyện Long Thành đã phát triển thành một vùng nuôi gà ta được mệnh danh là lớn nhất Đông Nam bộ với sản lượng cung ứng cho thị trường lên đến nửa triệu con gà/tháng.

Chỉ trong vòng 5 năm, xã Bình Sơn, huyện Long Thành đã phát triển thành một vùng nuôi gà ta được mệnh danh là lớn nhất Đông Nam bộ với sản lượng cung ứng cho thị trường lên đến nửa triệu con gà/tháng.

Cách đây 5 năm, nông dân Bình Sơn được biết đến như những người biết tính toán, nhạy làm ăn khi cung cấp cho thị trường sản phẩm thịt gà chất lượng, thơm, dai đúng khẩu vị người Việt Nam. Gà bán chạy khiến nông dân ào ào nhân giống, đầu tư chuồng trại, mở rộng quy mô. Sản lượng gà năm 2015 đã gấp đôi sản lượng năm 2014 và gấp nhiều lần thời điểm những nông dân Bình Sơn khởi nghiệp nuôi gà ta.

Tuy nhiên, “lời nguyền” rớt giá đang khiến những nông dân nuôi gà khóc ròng, đứng ngồi không yên khi Tết Nguyên đán đang đến gần. Giá gà ta tại trại, thay vì tăng theo mùa vụ, thì lại rớt từ 80-90 ngàn đồng/kg xuống chỉ còn 50-60 ngàn đồng/kg, nông dân chạm mức lỗ sau nhiều tháng trời bỏ công, bỏ vốn vào đàn gà. Ông Lê Hy, ấp 7 xã Bình Sơn - một ấp chỉ có 280 hộ dân nhưng có đến 220 hộ nuôi gà ta - cho biết ông vừa chịu khoản lỗ 30 triệu đồng cho lần xuất chuồng đàn gà 3 ngàn con mới đây vì tới lứa, không thể chờ thêm.

Vấn đề của nông dân nuôi gà Bình Sơn vẫn là đầu ra. Họ hầu như không có đầu ra nào khác ngoài những thương lái quen thân đã mua gà mấy năm nay của họ. Thương lái tùy thị trường mà ấn định giá cả cho người mua gà, không bán cho họ, những người nông dân cũng chẳng biết bán đi đâu, trong khi sản lượng tăng vọt.

Nếu nói nông dân Bình Sơn hãy tự đi bán gà để có giá cao, thì đó là một ý chủ quan dù giá gà ta thành phẩm bán lẻ ở chợ vẫn không hề giảm, ở mức 110-120 ngàn đồng/kg. Nông dân chỉ biết nuôi con gà thành phẩm ngon lành, nhưng bán lại là chuyện khác. Một người nông dân tiếc của có thể chở bao nhiêu con gà lên chợ bán, nếu không thông qua hệ thống tiêu thụ của những thương lái lành nghề? Gà theo thương lái tỏa đến các đầu mối, đi ra từng sạp chợ không chỉ ở Đồng Nai mà còn đến nhiều nơi khác nữa, do đó việc nông dân lệ thuộc họ là điều bình thường.

Câu chuyện và mối quan hệ giữa nông dân - thương lái nhiều năm nay vẫn vậy. Đổ lỗi cho thương lái “tham” cũng là thiếu sòng phẳng vì thuận mua - vừa bán và họ làm theo quy luật thị trường: cung tăng, giá giảm. Dù có là nguồn cung tăng trong một quy mô nhỏ mà họ có khả năng kiểm soát, thì giá cũng sẽ giảm. Vấn đề là những nông dân, những người làm chính sách, những người có liên quan đến mặt hàng gà ta, cần tỉnh táo hơn trong việc nhân rộng đàn gà. Người nông dân không thể chở vài chục con gà đi bán rong, nhưng hoàn toàn có thể bỏ thời gian, công sức tìm nguồn tiêu thụ khác chắc ăn hơn, có thể là doanh nghiệp hoặc các nhà bán lẻ, trước khi quyết định mở rộng quy mô nuôi. Còn khi gà đã lớn, đến lứa xuất chuồng mà nông dân thiếu phương án 2 trong tiêu thụ, thì quyền quyết định không nằm ở họ nữa.

Câu chuyện nửa triệu con gà không lạ, thậm chí rất phổ biến vì đã diễn ra hàng chục năm nay với đủ loại nông sản: mía, cao su, điều, lúa, chuối… và vẫn loanh quanh chưa có lối ra.  

Kim Ngân

Tin xem nhiều