Báo Đồng Nai điện tử
En

Bao giờ hết thiếu và hết yếu?

10:10, 26/10/2015

"Nhân lực chất lượng cao" là cụm từ được nhắc đến ngày càng nhiều, vì nó rất cần thiết đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của nước ta nhưng lại đang thiếu và yếu. Tìm được lao động chất lượng cao đã khó, nhưng "giữ chân" được cũng không hề dễ dàng nếu không có chế độ đãi ngộ xứng đáng.

“Nhân lực chất lượng cao” là cụm từ được nhắc đến ngày càng nhiều, vì nó rất cần thiết đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của nước ta nhưng lại đang thiếu và yếu. Tìm được lao động chất lượng cao đã khó, nhưng “giữ chân” được cũng không hề dễ dàng nếu không có chế độ đãi ngộ xứng đáng.

Một giám đốc ngân hàng thương mại cổ phần chia sẻ nhân lực ngành ngân hàng ở Đồng Nai đang thừa mà lại thiếu do chất lượng yếu. Vị lãnh đạo ngân hàng này còn cho hay, mới đây ngân hàng nhận được 120 hồ sơ ứng tuyển, tuy nhiên chỉ tuyển được có 6 nhân viên. Ngân hàng này không tuyển được nhiều hơn như ý mong muốn bởi sinh viên thiếu nhiều kỹ năng mềm, rụt rè trong giao tiếp, ít nhạy bén, đặc biệt là kỹ năng ngoại ngữ yếu.

Đồng Nai là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, hiện có trên 1.500 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và hàng ngàn doanh nghiệp trong nước. Chính vì vậy nhu cầu nguồn nhân lực của các doanh nghiệp là rất lớn. Nhiều doanh nghiệp than phiền, sinh viên người Đồng Nai tốt nghiệp loại khá, giỏi ở các trường đại học có truyền thống đào tạo tốt tại TP.Hồ Chí Minh khá nhiều, nhưng phần đông không muốn về Đồng Nai làm việc, thậm chí doanh nghiệp “trải thảm” nhân tài cũng không chịu về do môi trường làm việc ít cạnh tranh.

Doanh nghiệp vẫn rất thiếu lao động chất lượng cao nhưng không vì thế mà tuyển dụng ồ ạt. Nhiều doanh nghiệp đã thay đổi chiến lược tuyển dụng bằng cách chủ động phỏng vấn tuyển chọn những sinh viên xuất sắc năm cuối theo cách “đi chợ sớm chọn hàng tươi”. Có doanh nghiệp cấp hẳn học bổng cho những sinh viên khá, giỏi để “ươm mầm” nhân tài.

ThS. Ngô Bá Bang, Hiệu trưởng Trường trung cấp nghề cơ điện Đông Nam bộ (huyện Vĩnh Cửu), chia sẻ mấy năm trước trường may mắn được chuyên gia cơ khí của Thụy Sĩ mang theo thiết bị dạy nghề hiện đại, giáo trình tiên tiến sang đào tạo mẫu được 3 khóa với 120 học viên. Đúng là cách “Tây” đào tạo khác hẳn với “ta” vì hầu như học viên nào cũng thực hành rất tốt, nhiều học viên được doanh nghiệp nhận ngay khi chưa tốt nghiệp, thậm chí có học viên còn tự tin “mặc cả” về thu nhập với doanh nghiệp.

Việt Nam ngày càng hội nhập sâu với thế giới về kinh tế, đặc biệt đã có những dự báo Việt Nam có thể sẽ trở thành công xưởng sản xuất của thế giới. Tuy nhiên, thực tế trình độ lao động, đặc biệt là lao động tay nghề cao chưa biết khi nào mới hết thiếu và hết yếu. Cuối năm nay Việt Nam sẽ chính thức gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), khi đó lao động có tay nghề ở nước khác có thể sẽ tràn sang nước ta, đem lại nhiều lựa chọn cho doanh nghiệp hơn nhưng có thể là một bất lợi cho chính lao động trong nước vốn yếu tay nghề.

Để không bị “hụt hơi” trong quá trình hội nhập, đặc biệt khi Việt Nam hội nhập sâu kinh tế thế giới, doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực, người lao động cần chủ động rèn luyện nâng cao tác phong công nghiệp, đặc biệt kỹ năng ngoại ngữ. Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo cũng cần phải thức thời hơn, đào tạo sao cho gắn với nhu cầu doanh nghiệp, cân bằng giữa số lượng và chất lượng để hạn chế thừa lượng mà thiếu chất.

Công Nghĩa

Tin xem nhiều