Năm nay là năm thứ 2 chuỗi sự kiện hưởng ứng Ngày Không tiền mặt (16-6) được tổ chức nhằm thúc đẩy tiến trình không sử dụng tiền mặt trong nền kinh tế để hướng đến một xã hội không dùng tiền mặt ở Việt Nam.
Năm nay là năm thứ 2 chuỗi sự kiện hưởng ứng Ngày Không tiền mặt (16-6) được tổ chức nhằm thúc đẩy tiến trình không sử dụng tiền mặt trong nền kinh tế để hướng đến một xã hội không dùng tiền mặt ở Việt Nam. Chương trình do Báo Tuổi Trẻ tổ chức dưới sự chỉ đạo nội dung của Ngân hàng Nhà nước và có sự đồng hành của các tổ chức tín dụng tại Việt Nam.
Chương trình Ngày Không tiền mặt năm nay đánh dấu 5 năm thực hiện đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020. Thanh toán không dùng tiền mặt là mục tiêu của Chính phủ nhằm hạn chế khối lượng tiền mặt lưu thông và minh bạch hóa các dòng tiền trong nền kinh tế. Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho phép triển khai áp dụng thí điểm tiền di động (mobile money) tại Việt Nam để khuyến khích người dân sử dụng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Hiện nay, trên cả nước nói chung và ở Đồng Nai nói riêng, các ngân hàng thương mại đã phối hợp với nhiều đơn vị, công ty trên địa bàn triển khai nhiều hoạt động, các kênh thanh toán trực tuyến như: thu tiền điện, tiền nước, thu phí nhiều dịch vụ về y tế, giao thông, hóa đơn điện tử… thông qua các hình thức như: internet banking, mobile banking, trích nợ tự động. Ngoài ra, nhiều ngân hàng còn triển khai thêm ứng dụng (app) trên điện thoại thông minh (smart phone) nhằm hỗ trợ khách hàng thuận tiện hơn khi thực hiện các giao dịch trực tuyến.
Bên cạnh đó, nhiều công ty, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng bán lẻ... đã mở rộng thêm nhiều hình thức thanh toán như: hỗ trợ thanh toán bằng thẻ của hầu hết các ngân hàng, áp dụng các ứng dụng thanh toán tiêu dùng thông qua các app tích hợp trong smart phone...
Thực tế, cơ sở hạ tầng cho việc thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng được đầu tư nhiều hơn, từ siêu thị, nhà hàng, các trang mua sắm điện tử… đều đầu tư cho việc khuyến khích người dùng hạn chế tiền mặt khi thanh toán các dịch vụ như: máy POS, ví điện tử, thẻ tín dụng…
Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai, tính đến cuối năm 2019, toàn tỉnh có hơn 3.900 máy cà thẻ ngân hàng hỗ trợ thanh toán tiền hóa đơn, dịch vụ hàng hóa như: POS, EFPPOS, EDC..., tăng khoảng 2,5 lần so với năm 2016. Ngoài ra, đã có 2.700 đơn vị, cửa hàng chấp nhận thanh toán bằng thẻ ngân hàng…, tăng hơn 3 lần so với 4 năm trước đây.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, tỷ lệ sử dụng tiền mặt của người dân vẫn còn cao do thói quen tiêu dùng và những lo ngại về các loại phí phát sinh... Do đó, để người dân quan tâm nhiều hơn đến các hình thức thanh toán không tiền mặt, cần có thêm chính sách khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt và hạn chế thanh toán tiền mặt một cách rõ ràng, cụ thể hơn, đảm bảo các yếu tố về pháp lý, bảo mật…
Hơn nữa, ngành Ngân hàng và các tổ chức, công ty thanh toán trực tuyến cần xây dựng và phát triển hệ sinh thái thanh toán điện tử với sự kết nối, tích hợp giữa các ngành, lĩnh vực trong hoạt động thương mại, dịch vụ để khách hàng có thể đa dạng hóa các kênh giao dịch thanh toán trực tuyến, nộp thuế điện tử và một số khoản phí, lệ phí khi thực hiện một số dịch vụ hành chính công một cách thuận tiện, mang lại nhiều lợi ích… để tạo động lực thay đổi thói quen của người tiêu dùng.
Hải Quân