Một trong những điều khó nhất khi "đặt" nông dân vào bối cảnh hội nhập là họ chưa thể có tư duy làm ăn chuyên nghiệp, hiện đại trong một sớm một chiều.
Một trong những điều khó nhất khi “đặt” nông dân vào bối cảnh hội nhập là họ chưa thể có tư duy làm ăn chuyên nghiệp, hiện đại trong một sớm một chiều. Khi bắt tay vào sản xuất lớn, nghĩa là nông dân không thể làm ăn manh mún, nhỏ lẻ trong mảnh vườn nhà mình, mà là tham gia vào quy trình sản xuất hàng hóa với đầu vào và đầu ra nghiêm túc. Điều này đòi hỏi mọi thứ liên quan cũng phải được “nâng cấp” theo: quy trình gieo trồng và kiểm soát sản phẩm, quản lý nhân sự, tìm thị trường, bán hàng, chăm sóc khách hàng, marketing… vì không thể bán sản phẩm từ quy mô cả ngàn hécta cho vài thương lái quen mặt, biết tên như trước nữa. Sản lượng lớn cũng đòi hỏi cách chăm sóc khác, quản lý khác hẳn mà chỉ có làm việc, hạch toán theo kiểu doanh nghiệp mới ổn. Nông dân không “lấy công làm lời” nữa mà chuyển qua gieo trồng, chăn nuôi như một dự án kinh doanh thực thụ.
Chính vì vậy, những ưu điểm từ ngàn xưa của nông dân như siêng năng, cần cù… vốn chỉ phát huy tác dụng trong một quy mô nhỏ thì nay không mấy tác dụng. Họ cần phải có suy nghĩ như doanh nhân và cách quản lý của một doanh nghiệp, như cách mà nông dân tại nhiều nước phát triển đã và đang làm.
Một vấn đề khác là tính trách nhiệm và quan niệm về chữ tín. Nông dân gần như bắt buộc phải hợp tác với doanh nghiệp trong và ngoài nước để cùng chung tay những dự án lớn, có thông tin thị trường, bán hàng, hậu mãi… Và vì thế, không thể coi mình như một đối tượng cần hỗ trợ mà chính sách xưa nay vẫn hướng đến. Họ cần tìm hiểu kỹ trước khi bắt tay hợp tác, làm việc có hợp đồng, chịu trách nhiệm khi sai hợp đồng và có kiến thức để bảo vệ quyền lợi cho chính mình khi đối tác không tuân thủ. Cũng như doanh nghiệp, mọi gia sản đồ sộ và những sự nghiệp vững vàng nhất sẽ bắt nguồn từ chữ tín. Thị trường rộng mở, nông sản là hàng hóa được sản xuất dựa trên các hợp đồng, dự án từ những “nông dân chân đất” song lại có tư duy của những doanh nhân thời hội nhập. Có thể, nông dân mới tồn tại được ở một vị thế cao hơn, mới hơn và bền vững hơn.
Vi Lâm