Ông N. và vợ là bà B. (ngụ phường Bửu Hòa, TP.Biên Hòa) có 1 hécta đất sản xuất và 4 người con. Ông N. và bà B. lúc còn sống có lập di chúc sẽ chia đều cho 4 người con mỗi người 2 sào đất, còn lại 2 sào đất (trên đó có ngôi nhà và nơi chôn cất ông bà sau khi mất) làm đất hương hỏa.
Ông N. và vợ là bà B. (ngụ phường Bửu Hòa, TP.Biên Hòa) có 1 hécta đất sản xuất và 4 người con. Ông N. và bà B. lúc còn sống có lập di chúc sẽ chia đều cho 4 người con mỗi người 2 sào đất, còn lại 2 sào đất (trên đó có ngôi nhà và nơi chôn cất ông bà sau khi mất) làm đất hương hỏa.
Nay anh P. là con trai út của ông N. và bà B. được giao quản lý di sản trên, có ý định chuyển nhượng toàn bộ diện tích hương hỏa này cho người khác thì bị 3 người con còn lại ngăn cản.
Về vấn đề này, luật sư Lê Văn Nhân (Hội Luật gia tỉnh) cho biết Điều 670 (Bộ luật Dân sự 2015) quy định: trong trường hợp người lập di chúc có để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó không được chia thừa kế và được giao cho một người đã được chỉ định trong di chúc quản lý để thực hiện việc thờ cúng. Trường hợp nếu người được chỉ định không thực hiện đúng di chúc hoặc không theo thỏa thuận của những người thừa kế thì những người thừa kế có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng cho người khác quản lý để thờ cúng.
Do đó, việc người con trai út của ông N. và bà B. tự ý lấy đất hương hỏa của gia đình chuyển nhượng cho người khác là trái pháp luật. Cho nên, việc 3 người anh của ông P. phản đối, ngăn cản chuyện ông P. chuyển nhượng phần đất hương hỏa trên là đúng. Đất hương hỏa chỉ được phép chuyển nhượng cho người khác trong trường hợp cả 4 anh em ông P. đều đồng thuận và việc đồng thuận chuyển nhượng này phải thực hiện trình tự các bước theo đúng quy định của pháp luật về đất đai.
Luật sư Lưu Hồng Khanh (Hội Luật gia tỉnh) phân tích thêm trong trường hợp người để lại di sản không chỉ định người quản lý di sản thờ cúng thì những người thừa kế cử một người quản lý di sản thờ cúng. Còn trường hợp tất cả những người thừa kế theo di chúc đều đã chết thì phần di sản dùng để thờ cúng thuộc về người đang quản lý hợp pháp di sản đó trong số những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật.
Trong trường hợp toàn bộ di sản của người chết không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người đó thì không được dành một phần di sản vào việc thờ cúng; di tặng. Để tránh trường hợp tẩu tán tài sản do không muốn thanh toán các khoản nợ của người lập di chúc, Bộ luật Dân sự 2015 cũng quy định: trường hợp toàn bộ di sản không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người lập di chúc thì phần di tặng cũng được dùng để thực hiện phần nghĩa vụ còn lại của người này. Trong trường hợp toàn bộ di sản của người chết không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người đó thì không được dành một phần di sản dùng vào việc thờ cúng.
Diễm Quỳnh