Trước đây chúng tôi chung sống như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn vì chưa đủ tuổi. Hiện nay chúng tôi đã đăng ký kết hôn và đã có 1 con.
Hỏi: Trước đây chúng tôi chung sống như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn vì chưa đủ tuổi. Hiện nay chúng tôi đã đăng ký kết hôn và đã có 1 con. Chúng tôi liên hệ với phường để làm khai sinh cho con thì cán bộ hộ tịch đòi phải giám định ADN. Không biết yêu cầu này có đúng quy định?
Trần Thị Thanh Hà (TP.Biên Hòa)
Trả lời: Pháp luật quy định, mọi trẻ em sinh ra đều có quyền có khai sinh. Theo Luật Hộ tịch thì việc đăng ký khai sinh cho trẻ em được tiến hành cụ thể như sau:
UBND cấp xã nơi cư trú của người cha hoặc người mẹ thực hiện đăng ký khai sinh.
Nội dung đăng ký khai sinh gồm:
- Thông tin của người được đăng ký khai sinh: họ, chữ đệm và tên; giới tính; ngày, tháng, năm sinh; nơi sinh; quê quán; dân tộc; quốc tịch.
- Thông tin của cha, mẹ người được đăng ký khai sinh: họ, chữ đệm và tên; năm sinh; dân tộc; quốc tịch; nơi cư trú.
- Số định danh cá nhân của người được đăng ký khai sinh.
Việc xác định quốc tịch, dân tộc, họ người được khai sinh thực hiện theo quy định của pháp luật về quốc tịch Việt Nam và pháp luật dân sự.
Nội dung đăng ký khai sinh là thông tin hộ tịch cơ bản của cá nhân, được ghi vào sổ hộ tịch, giấy khai sinh, cập nhật vào cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Hồ sơ, giấy tờ của cá nhân liên quan đến thông tin khai sinh phải phù hợp với nội dung đăng ký khai sinh của người đó.
Về trách nhiệm đăng ký khai sinh:
- Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày sinh con, cha hoặc mẹ có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho con. Trường hợp cha, mẹ không thể đăng ký khai sinh cho con thì ông, bà hoặc người thân thích khác hay cá nhân, tổ chức đang nuôi dưỡng trẻ em có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ mới sinh.
Công chức tư pháp - hộ tịch thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc đăng ký khai sinh cho trẻ em trên địa bàn trong thời hạn quy định. Trường hợp cần thiết thì thực hiện đăng ký khai sinh lưu động.
Thủ tục đăng ký khai sinh gồm:
- Người đi đăng ký khai sinh cho trẻ nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy chứng sinh cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Trường hợp không có giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh. Đối với việc khai sinh cho trẻ bị bỏ rơi phải có biên bản xác nhận do cơ quan thẩm quyền lập. Trường hợp khai sinh cho trẻ em sinh ra do mang thai hộ phải có văn bản chứng minh việc mang thai hộ.
Ngay sau khi nhận đủ giấy tờ về thông tin khai sinh đầy đủ và phù hợp, công chức tư pháp - hộ tịch ghi nội dung khai sinh vào sổ hộ tịch; cập nhật vào cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để lấy số định danh cá nhân. Công chức tư pháp - hộ tịch và người đi đăng ký khai sinh cho trẻ cùng ký tên vào sổ hộ tịch. Chủ tịch UBND cấp xã ký cấp giấy khai sinh cho người được đăng ký khai sinh.
Luật quy định đã rõ, bạn nên báo lại với cán bộ hộ tịch việc không cần phải giám định ADN cho con bạn. Nếu không được giải quyết thì đăng ký gặp chủ tịch UBND phường hoặc Phòng Tư pháp TP.Biên Hòa để được hướng dẫn cụ thể.
Chúc bạn gặp may mắn!
LS.Nguyễn Đức