Báo Đồng Nai điện tử
En

Gieo để gặt

10:11, 20/11/2015

Giai thoại thiền trong "Góp nhặt cát đá" có truyện kể: Một bà lão giúp đỡ một thầy tu đến tu tập tại làng mình.

Giai thoại thiền trong “Góp nhặt cát đá” có truyện kể: Một bà lão giúp đỡ một thầy tu đến tu tập tại làng mình. Bà dựng cho thầy tu một căn lều và nuôi ông ăn ở, tạo đủ điều kiện cho ông thiền định suốt hai mươi năm. Lúc thầy tu tuyên bố đã đạt chánh quả, bà lão vui mừng, cử một cô cháu gái đến bên ông, thử xem ông đạt chánh quả ra sao?

Cô gái đến bên thầy tu, vuốt ve, nũng nịu, ỡm ờ hỏi thầy tu đối xử với mình như thế nào. Thầy tu không để ý đến cô gái, mắt nhìn lên bầu trời, buông lời khó hiểu:“Một cây cổ thụ mọc trên núi đá lạnh lẽo vào mùa đông. Không nơi nào là không ấm áp”.

Cô gái trở về kể lại tất cả những gì thầy tu đã nói. Bà lão giận dữ than: “Nghĩ ta đã nuôi dưỡng hắn hai chục năm trời! Hắn không thèm chú ý đến sự đòi hỏi của cô, hắn không có ý định cắt nghĩa ý muốn của cô. Hắn không cần đáp ứng sự đam mê, nhưng ít nhất hắn cũng phải tỏ ra có một chút nhân tâm chứ”. Lập tức bà lão đến đốt rụi căn lều của thầy tu.

Người đời ắt có kẻ chê trách hành vi đốt lều của bà lão. Nhưng nghĩ cho cùng, mọi việc có cái lý của nó. Cái lý sâu thẳm, đượm thiền tính của bà lão ắt là: Gieo để mà gặt. Chánh quả cần thiết ở thầy tu chính là sự quan tâm đến con người. Thầy tu không bị cám dỗ, nhưng không quan tâm đến con người nên sự gieo đã không gặt được sự cần thiết. Cái gì thuộc về con người đã không quen thuộc với thầy tu cho nên căn lều không còn ý nghĩa nữa. Vậy, đốt lều mới là thiền?

Trực Tử

Tin xem nhiều