Ngành chăn nuôi được cho là đang rất yếu thế khi bước vào hội nhập.
Ngành chăn nuôi được cho là đang rất yếu thế khi bước vào hội nhập. Giải bài toán khó này, Chính phủ đưa ra hàng loạt chính sách hỗ trợ, ưu đãi, trong đó quy hoạch chăn nuôi theo hướng tập trung được cho là vấn đề căn cơ để chăn nuôi phát triển bền vững. Đồng Nai là tỉnh đi đầu trong cả nước về thực hiện quy hoạch chăn nuôi. Từ năm 2008, UBND tỉnh đã có quyết định về quy hoạch vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi tập trung, nhưng việc thực hiện quy hoạch này còn rất chậm. Nguyên nhân chủ yếu là do các chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi chưa đủ mạnh, chưa sát thực tế. Người Nông Thôn (NNT) tui đem nội dung này trao đổi với bà con nông dân.
- Theo NNT tui được biết, đến nay toàn tỉnh đã quy hoạch được 139 vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi, tập trung tại 8 huyện và TX.Long Khánh. Gần 10 năm thực hiện quy hoạch chăn nuôi tập trung, các vùng quy hoạch này vẫn khó thu hút cả doanh nghiệp và các chủ trại vào đầu tư. Không tính các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, hiện toàn tỉnh có 2.120 trang trại thì chỉ có 568 trang trại trong vùng quy hoạch; số trại đầu tư mới ngoài vùng quy hoạch hàng năm cũng cao hơn gấp nhiều lần số trại mới trong vùng quy hoạch. Nhà nước đưa ra nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ nhưng tại sao bà con vẫn không mặn mà vào vùng quy hoạch?
- Nông dân chúng tôi rất muốn đưa chăn nuôi vào vùng quy hoạch nhưng còn quá nhiều khó khăn, rào cản, như: phải tự thỏa thuận mua đất trong tình trạng đất “sốt”, giá ảo khi được quy hoạch thành khu chăn nuôi tập trung; mất hàng năm trời để xin các thủ tục, hồ sơ đầu tư... Nhưng điều e ngại nhất của nông dân là phải tự bỏ ra nguồn vốn quá lớn để đầu tư về đường, điện phục vụ sản xuất.
- NNT tui đã phản ánh nội dung này với các địa phương thì được biết nhiều khu quy hoạch chăn nuôi tập trung cũng đã được quan tâm đầu tư về cơ sở hạ tầng, như: đường giao thông, đường điện...
- Thực tế, việc đầu tư cho hạ tầng rất nhỏ giọt và hầu như chưa đáp ứng được yêu cầu. Hơn bất kỳ ai, nông dân chúng tôi rất quan tâm đến những chính sách khuyến khích, ưu đãi cho ngành chăn nuôi, nhưng nhiều chính sách được ban hành rồi để đó vì thiếu nguồn lực thực hiện. Vì việc thực hiện quy hoạch này tại địa phương chủ yếu dựa trên nguồn lực có sẵn trong điều kiện có nhiều yêu cầu đầu tư bức xúc hơn, cần ưu tiên thực hiện trước.
Người Nông Thôn