Báo Đồng Nai điện tử
En

Chuyển đổi số gắn với chuyển đổi xanh

Hải Quân
08:24, 18/10/2024

Đồng Nai có vị trí chiến lược quan trọng, nằm gần Thành phố Hồ Chí Minh và là cửa ngõ giao thương quan trọng giữa địa phương vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Điều này mang lại cho tỉnh nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ…

Lãnh đạo Sở Thông tin và truyền thông, Tỉnh đoàn tham quan Triển lãm Không gian số trong khuôn khổ chuỗi sự kiện hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia (10-10) với chủ đề Chuyển đổi số - chuyển đổi xanh tại huyện Định Quán. Ảnh: H.Quân
Lãnh đạo Sở Thông tin và truyền thông, Tỉnh đoàn tham quan Triển lãm Không gian số trong khuôn khổ chuỗi sự kiện hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia (10-10) với chủ đề Chuyển đổi số - chuyển đổi xanh tại huyện Định Quán. Ảnh: H.Quân

Đồng thời, Đồng Nai có thể tận dụng cơ sở hạ tầng phát triển sẵn có, cùng với lực lượng lao động dồi dào để trở thành một trong những địa phương tiên phong trong quá trình chuyển đổi số (CĐS) gắn liền với chuyển đổi xanh, thúc đẩy tăng trưởng bền vững.

Thúc đẩy hệ sinh thái số gắn với tăng trưởng xanh

Tăng trưởng xanh là xu hướng của toàn cầu và là con đường phát triển tất yếu của thế giới. Phát triển kinh tế, thu hút đầu tư gắn với bảo vệ môi trường, thúc đẩy tăng trưởng xanh là mục tiêu Đồng Nai đang theo đuổi. Mục tiêu này phù với định hướng, mục tiêu chung của cả nước.

Đồng Nai đã và đang nỗ lực để thúc đẩy tiến trình CĐS gắn với chuyển đổi xanh. Năm 2023, Đồng Nai xếp thứ 3 cả nước và đứng đầu vùng Đông Nam Bộ về chỉ số xanh cấp tỉnh (chỉ số PGI) do Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ nghiên cứu và công bố.

Theo Quy hoạch tỉnh, đến năm 2030, Đồng Nai phấn đấu trở thành tỉnh phát triển văn minh, hiện đại, tốc độ tăng trưởng cao, phát triển theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và đạt mục tiêu phát thải ròng bằng “0”. Trong đó, tỉnh xây dựng các khu công nghiệp xanh, chuyển đổi các khu công nghiệp hiện hữu theo hướng phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh, kiêm Chủ tịch Hội đồng Tư vấn CĐS Đồng Nai, chia sẻ nhiều năm qua, Đồng Nai xác định phát triển công nghiệp theo hướng bền vững, thu hút đầu tư có chọn lọc, có trọng tâm, trọng điểm, hướng tới các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sinh thái, công nghiệp hỗ trợ… Song song đó, tỉnh sẽ đẩy mạnh các giải pháp chuyển đổi xanh, thúc đẩy sản xuất xanh, tiêu dùng xanh dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ, CĐS và đổi mới sáng tạo.

Theo nhiều chuyên gia, để các địa phương, trong đó có Đồng Nai, phát triển mạnh mẽ và bền vững trong thời đại số, việc triển khai các mô hình CĐS kết hợp với tăng trưởng xanh là vô cùng cần thiết.

Tiến sĩ Trần Quý, Viện trưởng Viện Phát triển kinh tế số Việt Nam - VIDE (Hội Truyền thông số Việt Nam), bày tỏ yếu tố quan trọng nhất mà Đồng Nai cần chú trọng là sự kết nối toàn diện giữa các bên liên quan trong hệ sinh thái số, bao gồm: chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư. Quá trình CĐS thành công không chỉ là việc ứng dụng công nghệ mới, mà còn là sự tương tác và liên kết chặt chẽ giữa các bên. Song song đó, địa phương có thể định hướng, tham khảo và triển khai các dự án, mô hình gắn chuyển đổi với tăng trưởng xanh dựa trên những lợi thế, tiềm năng của địa phương. Đơn cử như các dự án về nông nghiệp thông minh và bền vững, mô hình về thành phố thông minh và quản lý năng lượng, mô hình về công nghiệp số hóa và xanh hóa…

“Theo ước tính, việc áp dụng các giải pháp số trong công nghiệp có thể giúp doanh nghiệp giảm 10-15% chi phí vận hành và tăng hiệu suất sản xuất từ
20-30%. Đồng Nai với vị thế là một tỉnh công nghiệp lớn, có thể trở thành nơi tiên phong trong việc triển khai các giải pháp công nghiệp số hóa và xanh hóa, từ đó tạo ra một môi trường kinh doanh hiện đại, bền vững và thân thiện với môi trường” - tiến sĩ Trần Quý nhận định thêm.

Chuỗi các hoạt động hưởng ứng Ngày CĐS quốc gia (10-10) trên địa bàn tỉnh kéo dài đến cuối tháng 10-2024. Chủ đề của chuỗi các sự kiện về CĐS năm nay trên địa bàn tỉnh là “Chuyển đổi số - chuyển đổi xanh”. Các hoạt động được tổ chức theo chuỗi hành trình phát động thi đua tại các huyện, thành phố trong tỉnh theo 3 chặng tại các huyện Định Quán, Trảng Bom và thành phố Biên Hòa.

Hướng tới sản xuất, phát triển bền vững

Trong bối cảnh hội nhập, khoa học và công nghệ phát triển như hiện nay, để có thể nâng cao sức cạnh tranh thông qua chuyển đổi công nghệ, doanh nghiệp và địa phương cần phải đẩy mạnh hoạt động CĐS, cơ khí chính xác, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, đẩy mạnh các giải pháp tăng trưởng xanh…

PGS-TS Đặng Xuân Cường, Phó giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp Trường đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh, nhận định Đồng Nai sở hữu vị trí đắc địa, là nơi tập trung nhiều khu công nghiệp chất lượng cao, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế của vùng. Đây là tiền đề giúp cho các doanh nghiệp nâng cao tính cạnh tranh, thúc đẩy chuyển đổi công nghệ, tự động hóa để nâng cao giá trị sản xuất, tính cạnh tranh.

Đồng thời, đây cũng là điều kiện thuận lợi để tăng cường liên kết “5 nhà” (Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà sản xuất và nhà ngân hàng) để giải quyết các vấn đề thực tế sản xuất, thúc đẩy chuyển giao công nghệ bền vững…

Theo nhiều chuyên gia, một trong những thách thức lớn đối với các địa phương, trong đó có Đồng Nai, là việc cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp vẫn còn e ngại về chi phí đầu tư vào công nghệ xanh và việc thay đổi quy trình sản xuất để đáp ứng các tiêu chuẩn ESG (môi trường, xã hội và quản trị). Tuy nhiên, cần hiểu rằng, đầu tư vào công nghệ sản xuất xanh không chỉ là yêu cầu của thị trường, mà còn là cơ hội để nâng cao năng suất và giảm thiểu rủi ro về môi trường…

Tiến sĩ Trần Quý cho rằng, để CĐS gắn liền với phát triển bền vững, các doanh nghiệp cần đào tạo và phát triển năng lực quản trị ESG cho đội ngũ lãnh đạo và nhân viên. Việc xây dựng một hệ thống quản lý ESG hiệu quả đòi hỏi sự tham gia và cam kết từ tất cả các cấp quản lý trong doanh nghiệp. Đồng thời, cần nâng cao các kỹ năng số để đảm bảo rằng doanh nghiệp có thể sử dụng công nghệ một cách hiệu quả trong việc giám sát, quản lý và báo cáo các chỉ số ESG.

Hải Quân

Tin xem nhiều