Báo Đồng Nai điện tử
En

Từng bước triển khai chuyển đổi số đến cấp cơ sở

07:08, 29/08/2022

Hiện nay, công tác triển khai chuyển đổi số (CĐS) đang được nhiều địa phương trên địa bàn Đồng Nai quan tâm, chú trọng; trong đó, có công tác thí điểm CĐS về cấp cơ sở, cấp xã.

Hiện nay, công tác triển khai chuyển đổi số (CĐS) đang được nhiều địa phương trên địa bàn Đồng Nai quan tâm, chú trọng; trong đó, có công tác thí điểm CĐS về cấp cơ sở, cấp xã.

Chuyên viên của UBND xã Long Phước (H.Long Thành) hướng dẫn, hỗ trợ cho người dân về dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Ảnh: Hải Quân
Chuyên viên của UBND xã Long Phước (H.Long Thành) hướng dẫn, hỗ trợ cho người dân về dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Ảnh: Hải Quân

CĐS về cấp xã giúp thu hẹp khoảng cách số giữa khu vực nông thôn và thành thị, thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và CĐS trong chính quyền xã, góp phần nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo điều hành…

* Thí điểm CĐS cấp xã tại 3 địa phương

Nhằm hướng dẫn CĐS cho chính quyền cấp xã trên địa bàn tỉnh, từng bước hoàn thành mục tiêu xây dựng chính quyền số, thúc đẩy ứng dụng công nghệ số trong công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền cấp xã, UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 2588/UBND-KGVX ngày 15-3-2022 về việc hướng dẫn tạm thời thực hiện CĐS cấp xã đến năm 2025. Theo đó, triển khai các nội dung, nhiệm vụ CĐS cho các xã trên 3 trụ cột gồm: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và gắn với công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng…

Đồng Nai hiện đang triển khai thực hiện thí điểm CĐS cấp xã ở 3 địa phương gồm: xã Long Phước (H.Long Thành), xã Bình Lợi (H.Vĩnh Cửu) và xã Bảo Hòa (H.Xuân Lộc). Lãnh đạo UBND tỉnh vừa có buổi họp về công tác CĐS với các địa phương trong tỉnh. Trong đó, lãnh đạo 3 xã thực hiện thí điểm CĐS cấp xã của tỉnh và các đơn vị liên quan đã báo cáo các kết quả đạt được, những tồn tại, khó khăn trong quá trình thực hiện thí điểm.

Theo UBND xã Bảo Hòa (H.Xuân Lộc), về ứng dụng các phần mềm về CĐS, xã đã ứng dụng các phần mềm tài chính - kế toán gồm 3 hạng mục: tiền lương, tài sản, kế toán; phần mềm bảo hiểm xã hội (BHXH) trong việc thu, nộp BHXH hằng tháng cho cán bộ, công chức; hệ thống dịch vụ công giao dịch kho bạc; hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, hệ thống báo cáo thông tin cơ sở… UBND xã có 31 máy tính, trong đó có 8 máy tính sử dụng đường truyền số liệu chuyên dùng, còn lại là đường truyền internet…

Tương tự, đối với xã Bình Lợi (H.Vĩnh Cửu), UBND xã đã nâng cấp mạng nội bộ của xã; nâng cấp, bổ sung thiết bị CNTT, triển khai đường truyền số liệu chuyên dùng, hệ thống hội nghị truyền hình… Hiện xã đang triển khai mô hình Ngôi nhà trí tuệ nhằm phát huy công năng của thiết chế văn hóa và tổ chức đa dạng các hoạt động của nhân dân tham gia sinh hoạt tại các nhà văn hóa ấp, hướng tới thiết lập nhà văn hóa thông minh tại các ấp…

Tuy nhiên, theo nhiều địa phương, trong quá trình triển khai thí điểm CĐS cấp xã còn gặp nhiều vướng mắc, khó khăn. Chủ tịch UBND xã Long Phước (H.Long Thành) Nguyễn Văn Hiệp chia sẻ, xã đã thành lập ban chỉ đạo và tổ giúp việc về CĐS cấp xã, cũng như phân công 2 công chức am hiểu về CNTT để hỗ trợ công tác CĐS. Tuy nhiên, đây là vấn đề mới nên trong quá trình thí điểm còn gặp nhiều khó khăn, nhất là vấn đề về hạ tầng máy móc, kỹ thuật, đường truyền internet và nhân sự.

Cụ thể, máy móc, trang thiết bị về CNTT của xã đã đầu tư từ lâu, đường truyền internet, nhất là vào giờ cao điểm thường bị kết nối chậm nên xã mong muốn các sở, ngành, đơn vị hỗ trợ về hạ tầng kỹ thuật cần nâng cấp đường truyền mạng, đảm bảo hệ thống an toàn thông tin. Đồng thời, dù xã đã triển khai trang thông tin điện tử của xã nhưng nhìn chung giao diện còn lỗi thời, cần được cải thiện, cần thêm sự hỗ trợ để tăng các kênh giao tiếp với người dân...

* Cần hỗ trợ nguồn lực để triển khai CĐS hiệu quả, đồng bộ

Bên cạnh đó, khó khăn của nhiều địa phương trong quá trình thực hiện CĐS là thiếu nguồn nhân lực có trình độ về công nghệ số, dịch vụ số để triển khai các hoạt động, công tác liên quan đến quá trình CĐS. CĐS là lĩnh vực mới đối với cơ sở và nhiều người dân. Vẫn còn một bộ phận đáng kể người dân chưa sẵn sàng hoặc cảm thấy chưa dễ tiếp cận với các công cụ, dịch vụ số, nhất là đối với nhóm người lớn tuổi, nhóm người dân ở khu vực nông thôn…

Một lớp tập huấn về kỹ năng quản trị gian hàng, đưa sản phẩm OCOP của địa phương lên Sàn thương mại điện tử tỉnh Đồng Nai (Ecdn.vn) do Sở Công thương tổ chức vào giữa tháng 7-2022. Ảnh: Hải Quân
Một lớp tập huấn về kỹ năng quản trị gian hàng, đưa sản phẩm OCOP của địa phương lên Sàn thương mại điện tử tỉnh Đồng Nai (Ecdn.vn) do Sở Công thương tổ chức vào giữa tháng 7-2022. Ảnh: Hải Quân

Lãnh đạo UBND xã Bình Lợi cho hay, trong thời gian tới, xã mong muốn các sở, ngành, đơn vị hỗ trợ hạ tầng kỹ thuật về CĐS khảo sát, đánh giá kỹ về thực trạng hệ thống mạng để triển khai CĐS, bổ sung các thiết bị, hệ thống giám sát, an toàn, an ninh mạng trong quá trình thực hiện CĐS cấp xã. Đồng thời, cần nâng cấp hệ thống camera an ninh, tăng cường hoạt động kết nối, quản lý giám sát an ninh trật tự trên địa bàn. Ngoài ra, việc phát triển kinh tế số, xã đã có các sản phẩm đạt OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) nên cần có thêm sự hỗ trợ, hướng dẫn để đưa các sản phẩm OCOP, sản phẩm thế mạnh của xã lên sàn giao dịch thương mại điện tử; nâng cao hiệu quả thanh toán điện tử, đẩy mạnh các hiệu quả tuyên truyền về thực hiện CĐS, các dịch vụ công trực tuyến đến với người dân, nhất là ở khu vực nông thôn…

Ông Nguyễn Văn Hiệp chia sẻ thêm: “Về nhân sự triển khai công tác CĐS, dù xã đã có ban chỉ đạo, tổ giúp việc về CĐS, nhưng chủ yếu vẫn là các nhân sự kiêm nhiệm, về lâu dài cần có bộ phận phụ trách trực tiếp, được đào tạo, tập huấn chuyên môn một cách cơ bản, có trình độ… Các sở, ngành đơn vị liên quan đã tổ chức các lớp tập huấn về triển khai CĐS nhưng phần lớn theo hình thức trực tuyến nên xã kiến nghị thời gian các đơn vị liên quan cần có thêm nhiều lớp tập huấn về CNTT, sử dụng phần mềm CĐS theo hướng trực tiếp”.

Phó chủ tịch UBND H.Long Thành Nguyễn Hữu Thành nêu 3 vấn đề cần sớm có phương án để thúc đẩy quá trình CĐS ở các địa phương cấp cơ sở gồm: nhân sự, hạ tầng công nghệ số và kinh phí để triển khai, thực hiện. Đồng thời, cần có sự hướng dẫn, hỗ trợ, đảm bảo hoạt động hiệu quả hoạt động của các tổ công nghệ số cộng đồng. Huyện cùng với các đơn vị liên quan rà soát các thủ tục, quy định, hạ tầng cơ sở vật chất để sớm đưa trung tâm điều hành đô thị thông minh của huyện đi vào hoạt động.

Phó chủ tịch UBND H.Xuân Lộc Huỳnh Thị Lành chia sẻ, địa phương mong muốn các sở, ngành liên quan tổ chức thêm các chương trình tập huấn cho lãnh đạo, công chức cấp huyện, cấp xã và các tổ công nghệ số cộng đồng về các nội dung liên quan đến CĐS ở địa phương, hướng dẫn đánh giá thực hiện các chỉ tiêu theo lế hoạch của Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh. UBND huyện lưu ý thủ trưởng các đơn vị, chủ tịch UBND xã, thị trấn cùng cán bộ công chức trên địa bàn cần nắm chắc, nắm rõ các thủ tục hành chính, đặc biệt thủ tục hành chính mức độ 3, 4 của từng đơn vị, qua đó có phương án, kế hoạch thực hiện CĐS trong cải cách hành chính ở những khâu, nội dung cụ thể, phù hợp, đảm bảo các quy định…

Giám đốc Sở TT-TT Lê Hoàng Ngọc cho biết, trong thời gian tới, các địa phương cần đánh giá, rà soát thực trạng về hạ tầng kỹ thuật, những điểm còn thiếu, các vấn đề liên quan đến đầu tư, kinh phí cần hỗ trợ trong quá trình CĐS ở địa phương. Trên cơ sở đó, Sở tổng hợp, trao đổi, thống nhất với các địa phương, đơn vị liên quan để đề xuất, tham mưu với UBND tỉnh những phương án tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai công tác CĐS tại các địa phương một cách phù hợp, đúng quy định…

Tại cuộc họp với các địa phương trong tỉnh về công tác thực hiện CĐS vào cuối tháng 8-2022, Phó chủ tịch UBND tỉnh NGUYỄN SƠN HÙNG yêu cầu các sở, ngành, đơn vị liên quan và các địa phương khẩn trương rà soát, đánh giá về thực trạng cơ sở vật chất, nhân sự về CĐS một cách chính xác, kỹ lưỡng; tập trung xử lý những vấn đề cấp thiết liên quan đến CĐS ở các địa phương. Đồng thời, chú trọng tập huấn về CĐS cho đội ngũ cán bộ, chuyên viên ở các địa phương. Trước mắt là 2 nhóm đối tượng chính gồm: lãnh đạo điều hành và nhóm cán bộ, chuyên viên trực tiếp thao tác, thực hiện CĐS.

Các sở, ngành, địa phương cần tham khảo, học tập, rút kinh nghiệm việc triển khai của các địa phương thí điểm để có phương án triển khai CĐS một cách hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương, thực hiện đúng các quy định pháp luật, đảm bảo an toàn, an ninh mạng…

Hải Quân

Tin xem nhiều