Đồng Nai đang đẩy mạnh chuyển đổi số (CĐS) trong tất cả các lĩnh vực nhằm đạt được mục tiêu nằm trong tốp 10 cả nước về CĐS. Đây là thử thách không hề nhỏ dành cho hệ thống chính trị của tỉnh, bởi hiện nay Đồng Nai còn đang xếp ở vị trí 20. Tuy vậy, Đồng Nai sẽ hành động quyết liệt, đẩy nhanh tiến độ CĐS ở cả 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số để đạt được mục tiêu này.
Đồng Nai đang đẩy mạnh chuyển đổi số (CĐS) trong tất cả các lĩnh vực nhằm đạt được mục tiêu nằm trong tốp 10 cả nước về CĐS. Đây là thử thách không hề nhỏ dành cho hệ thống chính trị của tỉnh, bởi hiện nay Đồng Nai còn đang xếp ở vị trí 20. Tuy vậy, Đồng Nai sẽ hành động quyết liệt, đẩy nhanh tiến độ CĐS ở cả 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số để đạt được mục tiêu này.
Cán bộ Bộ phận Một cửa UBND xã Bình Lợi (H.Vĩnh Cửu) trong giờ làm việc. Ảnh: H.Yến |
Bài 1: Xây dựng chính quyền số để phục vụ tốt hơn
Trong những năm qua, Đồng Nai đã xây dựng nhiều nền tảng công nghệ để phục vụ phát triển chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số. Cải cách thủ tục hành chính được đẩy mạnh nhằm mang lại sự tiện lợi cho người dân, doanh nghiệp. Các sở, ngành, đơn vị, địa phương đều xây dựng kế hoạch CĐS riêng để hành động.
* Quyết liệt trong xây dựng chính quyền số
Cuối năm 2021, TP.Long Khánh hoàn thành thí điểm và đưa vào vận hành chính thức Trung tâm Điều hành đô thị thông minh (IOC). Trung tâm này được phát triển với 9 phân hệ, trong đó TP.Long Khánh dành nhiều nguồn lực cho phân hệ phản ảnh hiện trường. Đây là công cụ đắc lực giúp chính quyền nắm bắt những tồn tại, bất cập trong các vấn đề xã hội do người dân phản ảnh để giải quyết, khắc phục.
Từ khi chính thức khai trương vào tháng 12-2021 đến nay, đã có hơn 1 ngàn lượt phản ảnh của người dân thông qua ứng dụng LongKhanh Smart. Người dân phản ảnh trực tiếp trên điện thoại mà không cần phải đến trực tiếp các cơ quan chức năng hay làm đơn phản ảnh gửi qua đường bưu điện. Với những thông tin được xếp vào mức độ khẩn, trong vòng 2 giờ kể từ khi nhận được phản ảnh, đơn vị tiếp nhận phải trả lời, phản hồi trên hệ thống để người dân biết.
Theo Bộ TT-TT, Cơ quan thường trực Ủy ban Quốc gia về CĐS, năm 2020 được xác định là năm khởi động CĐS quốc gia, là năm tuyên ngôn về CĐS. Năm 2021 là năm tổng diễn tập CĐS. Năm 2022 và những năm tiếp theo sẽ là giai đoạn thúc đẩy mạnh mẽ CĐS ở mọi ngành, mọi cấp, trên phạm vi toàn quốc, toàn dân và toàn diện. |
Để đảm bảo hệ thống IOC vận hành trơn tru, TP.Long Khánh đã đầu tư hơn 120 máy tính cài đặt bản quyền với đường truyền internet tốc độ cao, đảm bảo việc chia sẻ, khai thác, sử dụng dữ liệu thông tin. Ngoài hệ thống camera giám sát tình hình giao thông, TP.Long Khánh còn có hệ thống camera giám sát cán bộ, nhân viên bộ phận một cửa ở các xã, phường và thành phố…
Việc ứng dụng công nghệ đã hỗ trợ đắc lực cho lãnh đạo UBND TP.Long Khánh trong việc chỉ đạo, điều hành công việc, đồng thời mang đến thay đổi tích cực trong công tác quản lý. Ở chiều ngược lại, người dân cũng thuận tiện hơn trong việc tiếp cận các thông tin và tương tác với chính quyền, thông qua đó thực hiện quyền giám sát của công dân.
Xây dựng, vận hành và tương tác giữa người dân và chính quyền thông qua Trung tâm Điều hành đô thị thông minh kể trên là một ví dụ dễ hình dung về việc xây dựng chính quyền số, một trong 3 trụ cột của CĐS. Theo đó, mọi hoạt động của chính quyền, từ quản lý, điều hành đến tiếp nhận thông tin, trả lời phản ảnh của người dân… đều được thực hiện trên không gian số. Những người dân biết sử dụng nền tảng công nghệ để phục vụ cho các hoạt động tương tác với chính quyền, hoạt động kinh tế và các hoạt động xã hội khác chính là những “công dân số”.
Hiện nay, Đồng Nai đang có những chỉ đạo quyết liệt, cụ thể nhằm đẩy nhanh CĐS. Trong tháng 3, UBND tỉnh đã ban hành công văn về việc hướng dẫn tạm thời thực hiện CĐS cấp xã đến năm 2025, nhằm hoàn thành mục tiêu xây dựng chính quyền số, thúc đẩy ứng dụng công nghệ số trong công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền cấp xã. Tỉnh đã thống nhất chọn 3 xã để thực hiện thí điểm CĐS cấp xã gồm: Bình Lợi (H.Vĩnh Cửu), Long Phước (H.Long Thành) và Bảo Hòa (H.Xuân Lộc).
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đang chỉ đạo về việc thí điểm thành lập ban chỉ đạo CĐS cấp xã; chỉ đạo về việc thành lập các tổ công nghệ cộng đồng…
Ngoài công tác chỉ đạo, UBND tỉnh còn thường xuyên theo dõi, đôn đốc, nhắc nhở các cơ quan, đơn vị để cấp dưới hành động quyết liệt hơn. Tính đến hết quý I-2022, đã có 16/32 cơ quan nhà nước trên địa bàn Đồng Nai xây dựng kế hoạch phát triển chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng. Cũng trong quý I, tỉnh đã triển khai rà soát chuẩn bị cho việc kết nối, tích hợp, chia sẻ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với phần mềm một cửa điện tử, cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh. Đồng thời, tỉnh đã chỉ đạo rà soát nguồn nhân lực, cơ sở vật chất để thực hiện đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
* Đẩy mạnh chuyển đổi nhận thức
Tháng 12-2021, UBND tỉnh đã phối hợp với Tập đoàn FPT tổ chức hội nghị nâng cao nhận thức CĐS. Đây là hội nghị trực tuyến dành cho cán bộ quản lý từ cấp tỉnh đến xã, phường. Phát biểu tại hội nghị này, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh cho biết, thời gian qua, Đồng Nai đã đạt được những kết quả nhất định trong CĐS.
Tuy nhiên, Bí thư Tỉnh ủy cũng thẳng thắn nhìn nhận, việc Đồng Nai đạt thứ hạng 20 trên bản đồ CĐS (năm 2020) của cả nước là chưa xứng tầm. Đồng Nai sẽ quyết tâm vươn lên ở thứ hạng cao hơn, đáp ứng cho công tác quản trị xã hội, quản lý nhà nước tốt hơn. Đồng chí nhấn mạnh: “Không thể hành động tốt nếu nhận thức chưa tốt, không thể hành động có hiệu quả nếu như chưa có được sự hiểu biết về CĐS”.
Để thực hiện CĐS có hiệu quả, Đồng Nai cần thực hiện 4 nhiệm vụ: nâng cao nhận thức về CĐS; thúc đẩy hạ tầng CĐS gắn với đảm bảo an toàn, an ninh mạng; thúc đẩy chính quyền số, xã hội số và kinh tế số; đào tạo nhân lực để thực hiện và thích ứng với CĐS. |
Được chọn thí điểm CĐS cấp xã, UBND xã Bình Lợi đã tiến hành rà soát cơ sở hạ tầng, nhân lực để làm cơ sở xây dựng kế hoạch CĐS và thực hiện. Địa phương đã làm việc với VNPT Đồng Nai để làm kế hoạch, chuẩn bị tổ chức tập huấn cho cán bộ, công chức, viên chức, các Hội - đoàn thể của xã về CĐS nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết chung về CĐS.
Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Bình Lợi Nguyễn Thanh Vinh bày tỏ niềm vui vì được lãnh đạo cấp trên tin tưởng, đồng thời cũng không tránh khỏi nhiều lo lắng: “Bước đầu chắc chắn sẽ có nhiều khó khăn. Chúng tôi xác định vừa làm, vừa học hỏi, mặt nào thuận lợi thì làm trước. Thuận lợi bước đầu là chính quyền nhận thức rõ về CĐS, có sự quan tâm, hỗ trợ của cấp trên và sự hỗ trợ về mặt công nghệ của đối tác. Chúng tôi sẽ huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tích cực tuyên truyền, vận động để người dân hiểu và đồng hành”.
Cùng chung tâm trạng với lãnh đạo xã Bình Lợi, lãnh đạo xã Bảo Hòa (H.Xuân Lộc) cho biết, địa phương đang có những bước chuẩn bị về hạ tầng, thiết bị và dự liệu các công việc liên quan trên từng lĩnh vực. Việc xây dựng kế hoạch CĐS của xã sẽ bám vào định hướng phát triển chung của huyện. Xã cho biết sẽ lựa chọn những người có năng lực phù hợp để đào tạo trở thành nòng cốt trong thực hiện CĐS.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng cho biết, khi quyết định chọn 3 xã đầu tiên để thí điểm thực hiện xã CĐS, lãnh đạo tỉnh đánh giá cao hệ thống chính trị của những địa phương này. Lãnh đạo, cán bộ của 3 xã đều có nhận thức tốt, thể hiện được quyết tâm cao khi bắt tay thực hiện CĐS.
Có thể thấy, việc chuyển đổi nhận thức bước đầu đã “thấm” đến lãnh đạo cấp xã, phường. Đây sẽ là thuận lợi rất lớn cho Đồng Nai trong thực hiện CĐS. Sự chuyển biến trong nhận thức này sẽ còn được tiếp tục lan tỏa khi Đồng Nai thực hiện hàng loạt chương trình tập huấn cho các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị; đặc biệt là sự ra đời của các Tổ Công nghệ cộng đồng sẽ giúp lan tỏa thông điệp CĐS đến tận người dân.
Hải Yến
Bài 2: Thúc đẩy kinh tế số, xã hội số