Công tác cải cách hành chính (CCHC) và giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) đang là những điểm nghẽn, tác động đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Cần có những đánh giá đúng về chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp của chính quyền các cấp thay cho những con số đẹp nhưng còn nhiều vấn đề.
Công tác cải cách hành chính (CCHC) và giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) đang là những điểm nghẽn, tác động đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Cần có những đánh giá đúng về chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp của chính quyền các cấp thay cho những con số đẹp nhưng còn nhiều vấn đề.
Người dân bấm số thứ tự để được giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả một cửa của H.Xuân Lộc. Ảnh: C.Nghĩa |
Trong báo cáo kết quả giải quyết TTHC của các đơn vị cấp huyện, phần lớn các địa phương đều có tỷ lệ trả kết quả đúng hẹn ở mức từ 98 đến 99%. Tỷ lệ hài lòng của người dân cũng được thống kê với tỷ lệ rất cao. Những con số này hoàn toàn ngược lại với chỉ số xếp hạng CCHC của Đồng Nai trong những năm gần đây.
* Sợ… thủ tục
Chị Phạm Thị Thu Hằng, một người dân ở P.Trung Dũng (TP.Biên Hòa) cho biết, điều chị cảm thấy phiền hà khi đi giải quyết TTHC là nhiều thủ tục còn rườm ra, chờ đợi khá lâu. “Có lần, tôi đi làm căn cước công dân phải mất tới 2 giờ chờ đợi, nhưng khi vào làm chỉ chưa tới 5 phút. Dù giải quyết rất nhanh nhưng trước đó phải chờ đợi khá lâu nên tôi chưa thể đánh giá hài lòng”.
Một trong những thủ tục vẫn bị coi là rườm rà, phức tạp nhất là liên quan đến đất đai và xây dựng. Anh Nguyễn Thành Nam (ở P.Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) cho hay, nhà anh xây dựng đúng theo giấy phép, khi xây dựng xong phải làm thủ tục hoàn công. Tuy nhiên, nhìn danh sách những thủ tục phải thực hiện để có một bộ hồ sơ hoàn chỉnh, anh thực sự “hoa mắt”. Vì vậy, anh Nam đã quyết định nhờ dịch vụ đứng ra làm thủ tục hoàn công, khi hồ sơ được hoàn thiện anh chỉ việc mang đi nộp và chờ lấy kết quả.
Hầu hết các TTHC đều có biểu mẫu, quy định thời gian từ khi nộp đến khi nhận là bao nhiêu ngày, nhưng trên thực tế người dân vẫn còn gặp khó khăn, phiền hà khi thực hiện.
Chủ tịch HĐND tỉnh THÁI BẢO: Chọn công chức có năng lực, chuyên môn và kỹ năng Các sở, ngành, địa phương phải cử những cán bộ, công chức có năng lực chuyên môn, đạo đức, kỹ năng ứng xử tốt để phục vụ tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ cho dân. Tuyệt đối không được đưa cán bộ, công chức yếu năng lực hoặc thuộc diện tinh giản biên chế ra trực tiếp nhận và trả hồ sơ. |
Trong buổi giám sát của HĐND tỉnh tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả một cửa của H.Xuân Lộc mới đây, đoàn giám sát đã chỉ ra rất nhiều nguyên nhân khiến người dân chưa thể hài lòng với chất lượng giải quyết TTHC. Chẳng hạn, có thủ tục đất đai chỉ mất 10 ngày là nhận được kết quả nhưng người dân phải đi lại tới 4 lần trong tháng vẫn chưa được giải quyết xong. Hay có những người làm "cò" dịch vụ giấy tờ "ôm" cả xấp hồ sơ, chiếm hết thời gian của người dân khác.
Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lưu Thị Hà cho rằng, những hồ sơ giải quyết đúng hạn với tỷ lệ cao là những hồ sơ đủ các thủ tục. Nhưng trước khi đủ thủ tục, người dân phải rất vất vả, thậm chí đi tới đi lui mãi mới xong. Đó mới là điều phải quan tâm, làm sao để quá trình hồ sơ hoàn thiện được nhanh gọn. Có nhanh gọn thì dân mới thực sự hài lòng. Còn hồ sơ đã đủ thủ tục rồi, việc giải quyết lại rất đơn giản, công chức xử lý đúng hẹn là chuyện bình thường.
* Nhận diện điểm nghẽn
Theo Phó giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Quốc Vũ, có rất nhiều điểm nghẽn khiến người dân và doanh nghiệp còn than phiền về chất lượng CCHC và TTHC. Cụ thể là còn nhiều thủ tục rườm rà khiến người dân gặp khó, chưa thực sự phân cấp, phân quyền mạnh mẽ. Nguyên nhân quan trọng nhất vẫn là chất lượng, tinh thần thái độ của đội ngũ công chức, nhất là ở cấp xã. Qua kiểm tra đột xuất công vụ, Sở Nội vụ đã phát hiện rất nhiều vi phạm về chấp hành thời gian làm việc, công khai các TTHC, tiếp nhận và giải quyết để trả hồ sơ cho dân…
Điển hình như tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả một cửa TP.Biên Hòa, thay vì dùng số điện thoại của đơn vị, công chức lại dùng số điện thoại của cá nhân mình để người dân liên lạc khi cần. Điều này có thể dẫn đến những tiêu cực không đáng có của cán bộ công chức trong quá trình giải quyết TTHC cho dân. Hay như việc rà soát, loại bỏ các TTHC không cần thiết, hàng năm chỉ tiêu đề ra phải ít nhất 10%, thế nhưng kết quả thực hiện lại chỉ đạt khoảng 5%.
Việc người dân hoàn thiện đầy đủ thủ tục của một bộ hồ sơ để nộp tại bộ phận một cửa đã là khó, thế mà vẫn chưa chắc chắn rằng sẽ không bị trả lại và yêu cầu bổ sung thêm giấy tờ. Theo báo cáo của UBND tỉnh, năm 2020, tỷ lệ hồ sơ bị trễ hẹn, trả lại, hoặc ngừng xử lý đối với cấp sở chiếm 5,14%, năm 2021 là 4,72%, năm 2022 là 7,16%. Đối với cấp huyện, năm 2021 là 19,93%, còn năm 2022 là 21,67%. Các lĩnh vực có tỷ lệ hồ sơ bị trả lại nhiều nhất là đất đai, hoạt động kinh doanh.
Theo Bí thư Thành ủy Long Khánh Hồ Văn Nam, có tình trạng hồ sơ công chức nhận rồi trả về là do không kiểm tra kỹ hồ sơ khi tiếp nhận, dẫn đến khi giải quyết thiếu thủ tục lại phải yêu cầu người dân đến bổ sung, đi lại rất mất thời gian. Bên cạnh đó, việc tiếp nhận và trả hồ sơ tại nhà qua dịch vụ công ích, nhân viên tiếp nhận không nắm hết quy định thủ tục nhưng vẫn nhận, khi chuyển đến bộ phận tiếp nhận thì không đủ thủ tục theo quy định.
Ông Hồ Văn Nam cho rằng, muốn khắc phục được tình trạng nhận hồ sơ rồi lại trả về gây phiền hà cho dân thì công chức tiếp nhận phải nắm chắc thủ tục gồm những gì, khi tiếp nhận phải kiểm tra kỹ. Đã nhận rồi mà vẫn yêu cầu người dân đến bổ sung thì phải xem xét trách nhiệm người tiếp nhận vì đã làm phiền dân. Phải có định lượng cụ thể chất lượng phục vụ của từng công chức, nếu trong một tháng, một quý mà để xảy ra tỷ lệ hồ sơ phải trả về bổ sung nhiều thì phải thay người khác, đồng thời người đứng đầu cũng phải chịu trách nhiệm.
Công Nghĩa