Nhằm ghi lại những chặng đường lịch sử vẻ vang của Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà, giáo dục niềm tự hào về truyền thống của Đảng và dân tộc, Ban TVTU đã cho xuất bản các cuốn sách về lịch sử Đảng bộ (LSĐB) tỉnh Đồng Nai giai đoạn từ 1930-2000.
Nhằm ghi lại những chặng đường lịch sử vẻ vang của Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà, giáo dục niềm tự hào về truyền thống của Đảng và dân tộc, Ban TVTU đã cho xuất bản các cuốn sách về lịch sử Đảng bộ (LSĐB) tỉnh Đồng Nai giai đoạn từ 1930-2000.
Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Phan Văn Trang đóng góp ý kiến vào bản thảo Lịch sử Đảng bộ tỉnh Đồng Nai 1930-2020 |
Các cuốn sách về LSĐB tỉnh đã thể hiện chân thực sự ra đời, phát triển của Đảng bộ tỉnh, góp phần vào thắng lợi 2 cuộc kháng chiến của dân tộc và sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trong tình hình mới.
Tự hào truyền thống Đảng bộ tỉnh
Theo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, các cuốn sách về LSĐB tỉnh đã xuất bản: LSĐB Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Đồng Nai 1930-1954; LSĐB Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Đồng Nai 1954-1975 và LSĐB Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Đồng Nai 1975-2000.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy NGUYỄN HỒNG LĨNH cho biết, việc tái bản, bổ sung LSĐB tỉnh 1930-2020 nhằm nâng tầm các hoạt động của Đảng bộ tỉnh lên tầm tổng kết, rút ra những bài học kinh nghiệm cho giai đoạn phát triển tiếp theo, nhất là trong giai đoạn hiện nay khi Đồng Nai đang đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa, đi đầu trong xây dựng nông thôn mới là việc làm cần thiết và có ý nghĩa chính trị sâu sắc. |
Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Trần Thị Minh Hoàng khẳng định, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc ở Đồng Nai đã một lòng đi theo Đảng, chiến đấu kiên cường, giành được nhiều thắng lợi vẻ vang, góp phần xứng đáng cùng toàn dân viết lên những trang sử vàng chói lọi.
Trong đó, trải qua 30 năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, mảnh đất này là nơi diễn ra cuộc đấu tranh liên tục, toàn diện giữa ta và địch. Những địa danh lịch sử như: chiến khu Đ, chiến khu rừng Sác và các chiến thắng La Ngà, Xuân Lộc, sân bay Biên Hòa… gắn liền với những chiến công vang dội, là niềm tự hào của quân, dân Đồng Nai và cả nước.
Đảng bộ và quân, dân Đồng Nai với lý tưởng “không có gì quý hơn độc lập, tự do” và mục tiêu giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc đã vượt qua mọi gian khổ hy sinh, thách thức, làm nên những chiến thắng có ý nghĩa lịch sử như: phá khám Tân Hiệp, đánh Mỹ đầu tiên ở Nhà Xanh, đánh sân bay Biên Hòa, tổng kho Long Bình, thực hành cuộc tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Xuân Kỷ Dậu 1969, Chiến dịch Xuân Lộc mùa Xuân 1975 để cùng cả nước “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, giải phóng miền Nam, giành thắng lợi trọn vẹn, đưa đất nước sang kỷ nguyên mới: Độc lập, tự do, thống nhất và đi lên chủ nghĩa xã hội.
Sau khi đất nước thống nhất, Đảng bộ tỉnh bắt tay ngay vào việc lãnh đạo khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định đời sống nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, từ khi thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo nhân dân đồng tâm hiệp lực, phát huy trí tuệ, tài năng, hăng hái thi đua lao động sản xuất, đoàn kết, sáng tạo, đưa Đồng Nai phát triển mạnh mẽ, trở thành một trong những tỉnh đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Quá trình hình thành và phát triển của Đảng bộ tỉnh Đồng Nai đã được Ban TVTU các nhiệm kỳ vừa qua chỉ đạo ghi chép lại, đây là một việc làm thiết thực nhằm phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của Đảng bộ và nhân dân trong toàn tỉnh; củng cố niềm tin và tự hào chính đáng của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân; tăng cường sự đoàn kết nhất trí trong Đảng, sự gắn bó máu thịt giữa Đảng và nhân dân; nâng cao trình độ lãnh đạo và năng lực công tác của các cấp ủy Đảng, cán bộ, đảng viên để hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ trong các giai đoạn cách mạng của Đảng, góp phần giáo dục lòng yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho các thế hệ mai sau.
“Đối thoại” không ngừng với quá khứ
Thực hiện Chỉ thị 20-CT/TW ngày 18-1-2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, Ban TVTU đã có kế hoạch tái bản, bổ sung LSĐB tỉnh Đồng Nai 1930-2020. Việc tái bản, bổ sung lần này sẽ bổ sung tư liệu mới về tổ chức tiền thân của Tỉnh ủy lâm thời Biên Hòa; công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy lâm thời Biên Hòa; sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, văn nghệ, giáo dục, y tế trong thời kỳ kháng chiến; công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh trên các mặt để khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh, chi viện sức người, sức của trong chiến tranh biên giới Tây Nam và phía Bắc; công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh đối với công tác dân tộc, tôn giáo…
Là người trực tiếp tham gia tái bản, bổ sung LSĐB tỉnh Đồng Nai 1930-2020, đại tá, PGS-TS Hồ Sơn Đài, nguyên Trưởng phòng Khoa học quân sự, Quân khu 7 nhận xét, việc tái bản, bổ sung LSĐB tỉnh lần này đã tổng kết 90 năm hoạt động của Đảng bộ tỉnh. Qua đó, tác phẩm này không chỉ có tính ứng dụng về mặt lý luận lịch sử Đảng mà còn tổng kết thực tiễn sâu sắc, rút ra các bài học kinh nghiệm quý giá cho giai đoạn phát triển tiếp theo, góp phần giáo dục truyền thống, nâng cao niềm tự hào của cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh Đồng Nai, đáp ứng yêu cầu tình hình mới.
Cũng theo đại tá, PGS-TS Hồ Sơn Đài, Ban TVTU Đồng Nai đã chỉ đạo xuất bản 3 tập LSĐB tỉnh. Tuy nhiên, viết lịch sử là quá trình đối thoại không ngừng với quá khứ. Trải qua thời gian, chúng ta nhận thức đầy đủ hơn về quá khứ và có điều kiện tiếp nhận được nhiều nguồn thông tin chính thống hơn. Vì thế giờ đây, Ban TVTU Đồng Nai có kế hoạch bổ sung tư liệu mới LSĐB tỉnh thời kỳ từ năm 2000 trở về trước cho đến năm 1930 và viết mới giai đoạn 20 năm sau này (từ 2000-2020) là việc làm rất cần thiết và có ý nghĩa chính trị sâu sắc. Quá trình sưu tầm tư liệu không đơn giản, không dễ dàng nhưng những người tham gia viết sử luôn ý thức cao về ý nghĩa của công trình lịch sử này để tác phẩm đạt kết quả tốt nhất.
Phương Hằng