Mục tiêu của Đồng Nai trong nhiều năm qua là tập trung chăm lo đời sống cho người dân, nhất là với những người nghèo, đối tượng yếu thế với phương châm "không để ai bị bỏ lại phía sau".
[links()]Mục tiêu của Đồng Nai trong nhiều năm qua là tập trung chăm lo đời sống cho người dân, nhất là với những người nghèo, đối tượng yếu thế với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Khối thi đua 13 (gồm: Báo Đồng Nai, Đài PT-TH Đồng Nai, Báo Lao động Đồng Nai, Bệnh viện tâm thần Trung ương 2, Bảo hiểm xã hội Đồng Nai, Nhà thiếu nhi Đồng Nai, Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Đồng Nai) và UBND phường Quyết Thắng tổ chức trao nhà tình thương cho gia đình ông Mai Văn Xuân (ngụ KP.3, phường Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) vào ngày 17-1. ảnh: V.Truyên |
Bà Bùi Thị Liễu, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho nay hiện toàn tỉnh còn 7.954 hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều. Nhằm giảm số hộ nghèo, Mặt trận các cấp đã đẩy mạnh thực hiện những mô hình hỗ trợ người nghèo vươn lên bằng nhiều hình thức khác nhau.
* Đa dạng hình thức giúp dân
Ngoài việc được tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội cũng như nhiều nguồn tín dụng khác để phát triển kinh tế, hộ nghèo, hộ khó khăn trong tỉnh còn được hỗ trợ phát triển kinh tế từ nhiều nguồn lực qua đó giảm nghèo bền vững… Trong đó có dự án hỗ trợ vốn cho hộ nghèo mua phương tiện sản xuất, kinh doanh từ nguồn Quỹ Vì người nghèo. Cách làm này được Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Định Quán bắt đầu triển khai thực hiện từ năm 2013.
Theo ông Nguyễn Chánh Tám, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Định Quán, trong giai đoạn 1 của dự án (2013-2016) có 73 hộ nghèo trong huyện được vay vốn với số tiền 657 triệu đồng và đã có 65 hộ đã thoát nghèo. Vừa qua, huyện Định Quán triển khai tiếp giai đoạn 2 (2017-2020) của dự án gắn với việc huy động nhiều nguồn lực cũng như mở rộng đối tượng được vay, nâng số tiền cho vay đối với từng hộ.
Theo Già làng Hùng Văn Xứng (dân tộc Chơro, xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc): “Thời gian qua nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương các cấp mà con em trong đồng bào được tạo điều kiện học tập, giới thiệu việc làm, nhiều hộ gia đình được vay vốn sản xuất, xây nhà ở kiên cố. Điều này khiến mọi người rất phấn khởi”. |
Ông Hồ Thanh Phong (ngụ ấp 5, xã La Ngà, huyện Định Quán), người được vay vốn từ dự án hỗ trợ vốn cho hộ nghèo mua phương tiện sản xuất, kinh doanh của Quỹ Vì người nghèo do Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Định Quán thực hiện, cho hay năm 2018 ông muốn nuôi ba ba thịt nhưng không đủ tiền đầu tư. Biết được nguyện vọng chính đáng của gia đình ông Phong, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Định Quán đã trao 15 triệu đồng trợ vốn cho gia đình ông đầu tư vào sản xuất. Số tiền này được ông dùng mua thêm lưới, sửa chữa lại ghe đánh bắt cá trên sông La Ngà. Số cá đánh bắt được, ông Phong phân loại để bán cho thương lái và dùng làm thức ăn cho 4 hồ nuôi ba ba của gia đình. Nhờ đó, gia đình ông Phong chủ động được nguồn thức ăn phát triển đàn ba ba thịt.
Nhiều năm qua tại huyện Cẩm Mỹ đã thực hiện mô hình mỗi cơ quan, đơn vị đỡ đầu một gia đình khó khăn nhằm tự tạo nguồn lực tại chỗ giúp những hộ nghèo vươn lên. Theo ông Đào Công Từ, Trưởng phòng Lao động - thương binh và xã hội huyện Cẩm Mỹ, qua 12 năm triển khai, mô hình này đã đem lại hiệu quả tích cực đối với người dân, giúp người nghèo có thêm cơ hội vươn lên trong cuộc sống, học sinh nghèo được tiếp thêm nguồn lực đến trường.
Ông Trần Văn Nguyên (ngụ xã Xuân Mỹ, huyện Cẩm Mỹ) là một trong những hộ dân được nhận sự hỗ trợ từ mô hình trên cho biết, năm 2015 gia đình ông được nhận 5 triệu đồng để làm chuồng và nuôi thỏ sinh sản, thỏ thịt. Do là vật nuôi ngắn ngày nên tiền bán thỏ đã giải quyết được những khó khăn về chi phí học tập cho các con và ăn uống hằng ngày cho gia đình. Tiếp đó, chính quyền địa phương còn hỗ trợ, bảo lãnh cho ông làm thủ tục vay thêm 20 triệu đồng từ nhiều nguồn vốn ưu đãi khác để nuôi thêm dê. Hiện gia đình ông Nguyên có những bước phát triển kinh tế rất tốt.
* Xóa nhà dột nát…
Một trong những hình thức giúp đỡ người nghèo được đánh giá cao tại Đồng Nai thời gian qua là tập trung xây dựng nhà đại đoàn kết, xóa nhà dột nát cho người nghèo. Từ nguồn tiền vận động Ngày Vì người nghèo, Đồng Nai đã xây dựng và sửa chữa 20.414 căn nhà đại đoàn kết, hoàn thành việc xóa nhà dột nát cho người nghèo với tổng trị giá thành tiền hơn 268,3 tỷ đồng.
Bà Hoàng Thị Minh Thủy (36 tuổi, ngụ ấp Tân Lập, xã Phú Túc, huyện Định Quán) người được vay 18 triệu đồng để mua máy móc làm nghề may từ nguồn Quỹ Vì người nghèo. |
Theo Ủy viên Ban TVTU, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Huỳnh Văn Tới, việc xây dựng nhà đại đoàn kết, xóa nhà dột nát, nhà tạm ở Đồng Nai có những cách làm đa dạng, theo tình hình thực tế của địa phương. Ngoài tiêu chí của Chính phủ thì Đồng Nai có thêm tiêu chí như nhà rộng hơn, khang trang hơn. Khi bàn giao nhà, các đơn vị còn vận động mạnh thường quân ủng hộ thêm nhiều vật dụng khác như: tivi, tủ lạnh, bếp gas… để giúp bà con sớm ổn định cuộc sống.
Năm 2018, quỹ vì người nghèo các cấp của tỉnh đã vận động được 20,4 tỷ đồng, xây dựng và bàn giao 236 nhà tình thương trị giá 9,6 tỷ đồng; sửa chữa 6 căn nhà trị giá 1 tỷ đồng; vận động tặng gia đình chính sách, hộ nghèo nhân dịp lễ, tết 9.954 phần quà trị giá 4 tỷ đồng; tặng 1.224 suất học bổng trị giá 1,74 tỷ đồng... Công tác vận động giúp đỡ người nghèo, hộ nghèo trực tiếp tại cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh, thực hiện chương trình an sinh xã hội tiếp tục phát huy hiệu quả với nhiều cách làm sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tế đã giúp nhiều người nghèo, hộ nghèo ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững đảm bảo “không để ai bị bỏ lại phía sau”. |
Đầu năm 2019, gia đình ông Nguyễn Hoàng Anh (ngụ ấp 1, xã Phú Thịnh, huyện Tân Phú) được dọn vào sống trong căn nhà mới. Bản thân ông Nguyễn Hoàng Anh bị mắc bệnh phổi, vợ thường xuyên đau yếu. Do vậy mà thu nhập từ làm thuê làm mướn của vợ chồng thuộc hộ nghèo này chỉ đủ duy trì cuộc sống cho gia đình 4 người, không có khả năng xây sửa nhà dù xuống cấp nhiều.
Qua giới thiệu của địa phương, Đoàn cơ sở Sở Lao động - thương binh và xã hội đã vận động các doanh nghiệp đóng góp 50 triệu đồng xây dựng căn nhà có diện tích 75m2 cho gia đình ông Hoàng Anh.
Theo ông Cao Duy Thái, Bí thư Đoàn cơ sở Sở Lao động - thương binh và xã hội, căn nhà là tấm lòng của đoàn viên Đoàn cơ sở Sở Lao động - thương binh và xã hội cùng các nhà tài trợ với mong muốn giúp sức cho người nghèo vươn lên trong cuộc sống.
* Chú trọng đào tạo nghề
Ngoài hỗ trợ vốn, để người dân có định hướng cũng như kiến thức trong việc sử dụng đồng vốn, Đồng Nai còn chú trọng đến công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Ông Trần Đức Tùng (50 tuổi, ngụ xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ) bên vườn dâu tằm của gia đình. Sau khi được học lớp trồng dâu nuôi tằm, ông Tùng đã đầu tư cải tạo lại vườn cho năng suất và thời gian thu hoạch lá lâu hơn . |
Ông Võ Đức Hiền (65 tuổi, ấp Lác Chiếu, xã Bảo Quang, TX.Long Khánh) là người tham gia khóa đào tạo nghề chăn nuôi thú y đầu tiên được tổ chức tại xã vào năm 2011. Giờ đây ông Hiền có thể tự điều trị bệnh cho vật nuôi của gia đình và bà con lối xóm khi được nhờ giúp đỡ. Bên cạnh được Nhà nước hỗ trợ cho học nghề, gia đình ông Hiền còn được trao tặng dê giống. “Nhà nước hỗ trợ cho gia đình tôi rất nhiều để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Chính điều này đã giúp gia đình tôi vươn lên từng ngày” - ông Hiền cho hay.
Còn bà Đồng Thị Hương (dân tộc Hoa, ngụ ấp 10, xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ) thì cho biết, gia đình bà đã trồng dâu nuôi tằm gần 10 năm qua. Nhiều năm liền bà được tiếp cận với các lớp học chuyên sâu để cải tiến việc chăm sóc tằm. Sau các khóa học kỹ thuật trồng dâu nuôi tằm, bà còn được giảng viên đến tận nhà tư vấn nên trồng giống cây dâu mới cho lá to, thời gian thu hoạch lâu hơn lại dễ chăm sóc, ít sâu bệnh thay cho giống cây dâu trước đây lá nhỏ, cây thấp, thời gian thu hoạch ngắn và hay bị bệnh vàng lá…
Bà Đồng Thị Hương bộc bạch: “Từ những kiến thức tiếp thu được trong khóa học, tôi đã biết xử lý để khắc phục những nhược điểm mà trước đây tôi chưa từng biết. Tôi thấy việc được tham gia vào các lớp đào tạo nghề là sự hỗ trợ thiết thực của Nhà nước dành cho nông dân”.
Nguyễn Phượng - Văn Truyên
Bài 4: Hướng đến sự hài lòng