Từ đầu năm đến nay toàn tỉnh thành lập thêm 7 tổ chức cơ sở Đảng và kết nạp mới 135 đảng viên trong doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước, nâng tổng số tổ chức Đảng ở khu vực này lên 168 tổ chức và 3.378 đảng viên.
Từ đầu năm đến nay toàn tỉnh thành lập thêm 7 tổ chức cơ sở Đảng và kết nạp mới 135 đảng viên trong doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước, nâng tổng số tổ chức Đảng ở khu vực này lên 168 tổ chức và 3.378 đảng viên.
Một buổi sinh hoạt chi bộ ở Chi bộ Công ty TNHH Pouchen Việt Nam (100% vốn Đài Loan), thuộc Đảng bộ TP.Biên Hòa. |
Theo Phó trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Tú, nhiều tổ chức Đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước đã khẳng định được vai trò trong công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động người lao động thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chấp hành nội quy doanh nghiệp; các đảng viên nêu cao ý thức trách nhiệm trong công việc, tích cực lao động sản xuất, giữ gìn an ninh trật tự, đóng góp đáng kể vào kết quả sản xuất - kinh doanh của công ty.
* Phát huy vai trò hạt nhân chính trị
Đồng Nai hiện có hơn 34 ngàn doanh nghiệp đang hoạt động với tổng số hơn 1 triệu công nhân lao động. Việc thành lập tổ chức Đảng, đoàn thể chính trị - xã hội trong doanh nghiệp cũng giống như mục tiêu của doanh nghiệp là làm cho doanh nghiệp ổn định và phát triển hơn. Từ chủ trương này, Tỉnh ủy và các cấp ủy trực thuộc đã chỉ đạo quyết liệt và đề ra nhiều giải pháp cụ thể về phát triển Đảng và thành lập tổ chức Đảng trong doanh nghiệp, trong đó các cấp ủy trực thuộc đã tích cực mở lớp cảm tình Đảng để tạo nguồn cho phát triển đảng viên mới.
Ủy viên Ban TVTU, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy Phạm Văn Ru cho rằng khi thành lập tổ chức Đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp phải đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người sử dụng lao động và người lao động, tạo niềm tin vững chắc cho chủ doanh nghiệp và công nhân. Việc thành lập tổ chức Đảng trong doanh nghiệp đã khó, việc duy trì được hoạt động còn khó hơn nên phải quan tâm đến chất lượng sinh hoạt chi bộ; xây dựng được những đảng viên có vị thế trong doanh nghiệp để nâng cao vai trò của chi bộ trong doanh nghiệp. |
Từ đầu năm đến nay ban thường vụ các địa phương: Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu, Trảng Bom, Long Khánh... đã mở nhiều lớp nhận thức về Đảng cho quần chúng ưu tú là công nhân lao động học vào các ngày thứ bảy và chủ nhật để không ảnh hưởng đến thời gian làm việc của công nhân. Các cấp ủy còn thường xuyên gặp gỡ chủ doanh nghiệp để tuyên truyền, vận động, nói rõ ý nghĩa, mục đích của việc thành lập tổ chức Đảng trong doanh nghiệp.
Cũng theo đánh giá của Phó trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Tú, nhiều cấp ủy, chi bộ, Đảng bộ trong doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài từng bước khẳng định vai trò hạt nhân chính trị thực sự trong doanh nghiệp, tạo được uy tín với giới chủ; một số đảng viên được bổ nhiệm vào các vị trí then chốt, tham gia quản lý điều hành doanh nghiệp, góp phần đáng kể vào sự ổn định và phát triển của doanh nghiệp… Từ đó cho thấy, nơi nào tổ chức Đảng, đoàn thể vững mạnh thì nơi đó đảm bảo về an ninh trật tự, sản xuất phát triển, kinh doanh bền vững.
* Những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ
Công tác xây dựng Đảng trong doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mặc dù đã đạt những kết quả nhất định song vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn. Số lượng tổ chức Đảng và đảng viên còn quá thấp, chưa tương xứng với tốc độ tăng trưởng và phát triển của số lượng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Một trong những nguyên nhân của hạn chế này là do nhiều chủ doanh nghiệp chưa mặn mà với việc thành lập tổ chức Đảng, đoàn thể, lo ngại khi thành lập tổ chức chính trị - xã hội sẽ gây khó khăn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Mặt khác, một bộ phận công nhân, người lao động chưa giác ngộ về chính trị hoặc chỉ nghĩ đến lợi ích trước mắt là làm việc để có lương; còn tư tưởng mình là người làm thuê, sợ mất việc nên không thiết tha phấn đấu vào Đảng và tham gia các hoạt động đoàn thể. Một số tổ chức Đảng chưa thể hiện được vai trò hạt nhân lãnh đạo ở cơ sở, lúng túng trong xây dựng mối quan hệ công tác với chủ doanh nghiệp và đoàn thể... dẫn đến một số chi bộ ít đảng viên có chiều hướng giải thể.
Phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội Phạm Văn Cộng nhận định, để chủ doanh nghiệp đồng thuận trong việc thành lập tổ chức Đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp thì các tổ chức chính trị khi được thành lập phải đảm bảo hài hòa lợi ích 2 bên, không chỉ chăm lo, bảo vệ quyền lợi người lao động mà còn phải bảo vệ được quyền lợi của doanh nghiệp, góp phần làm lợi, tăng doanh thu cho doanh nghiệp.
Phó trưởng ban Tổ chức Thành ủy Biên Hòa Võ Văn Chín cho rằng khâu tuyên truyền phát triển Đảng trong công nhân lao động chưa đạt yêu cầu, cần phải có chuyên đề nghiên cứu về cách thức, nội dung tuyên truyền công tác Đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước sao cho thật hiệu quả. Bên cạnh đó, các phong trào thi đua, nêu gương của cán bộ, đảng viên chưa thực sự nổi bật nên chưa tạo sức hút, lan tỏa, tin tưởng trong cộng đồng.
Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Trảng Bom Trương Hữu Dũng kiến nghị, phải có giáo trình bồi dưỡng quần chúng trung kiên riêng, phù hợp đặc thù với công nhân lao động. Hiện nay các lớp bồi dưỡng cảm tình Đảng dành cho công nhân đều phải mở vào chủ nhật, do đó nếu là lớp cảm tình Đảng, học viên phải học 5 tuần chủ nhật; lớp đảng viên mới học 8 tuần chủ nhật, tức là diễn ra trong vòng 2 tháng. Thời gian học kéo dài, đứt quãng, học viên khó nhận thức được liền mạch nên giáo trình dành cho đối tượng này phải biên soạn lại.
Phương Hằng