Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhớ về ông Hai Cà - người nông dân mặc áo lính

08:09, 17/09/2018

Với độ lùi của lịch sử sau 10 năm ngày mất của Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Công An và 70 năm sau trận đánh tháp canh cầu Bà Kiên, hậu thế có điều kiện hình dung về một phần tầm vóc của ông...

Với độ lùi của lịch sử sau 10 năm ngày mất của Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Công An và 70 năm sau trận đánh tháp canh cầu Bà Kiên, hậu thế có điều kiện hình dung về một phần tầm vóc, phẩm hạnh và chiến công của người nông dân mặc áo lính xứ Cù lao Rùa.

Dưới tượng đài Chiến sĩ đặc công, ông Hai Cà kể chuyện truyền thống.
Dưới tượng đài Chiến sĩ đặc công, ông Hai Cà kể chuyện truyền thống.

Ông Trần Công An tên trong giấy khai sinh là Trần Văn Kìa hay còn gọi là Hai Cà. Cha mất sớm, ý thức được hoàn cảnh và thân phận của mình nên Hai Cà lo giúp mẹ lao động miệt mài cật lực, hết cày ruộng cấy lúa, trồng mía ép đường, xay bột làm bánh tráng bán kiếm tiền tích góp từng xu, từng cắc.

Năm 15 tuổi, Hai Cà đã trả được món nợ mua chịu đôi trâu hết 40 đồng của năm trước và còn dư 100 đồng làm vốn tích lũy. Đến năm 17 tuổi, mẹ con anh Hai đã có đôi trâu, có lúa đầy bồ, có đường mấy chục lu và 200 đồng mua căn nhà cột vuông, lợp ngói thay cho căn nhà tranh, vách lá lúc mới ra riêng.

Đến năm 18 tuổi, Hai Cà lấy vợ do bà Nguyễn Thị Phố, má ông sắp đặt theo hình mẫu “những người thắt đáy, lưng ong đã khéo chiều chồng, lại khéo nuôi con”. Đến năm 1944, lúc đó Hai Cà mới 24 tuổi nhưng đã tích lũy mua 3 mẫu ruộng với giá 6.000 đồng và xây ngôi nhà 3 gian, 2 mái bằng gỗ căm xe trị giá 1.600 đồng. Nên nhớ hồi đó, giá 1 giạ lúa chỉ có 5 cắc để mới thấy hết giá trị lao động của chàng lực điền Hai Cà.

Từ một người chỉ biết chí thú làm ăn, lo chăm chút gia đình, chẳng màng thế sự, nhưng vào ngày 23-8-1945, vào lúc nửa đêm trừ tịch, bỗng nghe thấy tiếng trống đình Nhựt Thạnh thúc liên hồi, như giục giã, như kêu gọi... làm chàng trai Hai Cà và bà con nhân dân cù lao Rùa bừng tỉnh giấc sau cơn mê... Đó là tiếng trống của anh Nguyễn Văn Nghĩa, người được Chi bộ Bình Ý - Tân Triều kết nạp vào Đảng từ năm 1935.

Người duy nhất trong làng hiểu được tiếng trống lệnh ấy, chính là anh Mai Sơn Việt, cơ sở của ông Huỳnh Văn Tuyển, một trong 3 người của nhóm Hoàng Mai Lưu, lúc đó là Ủy viên Đảng Đoàn phong trào thanh niên Tiền Phong. Thế là sau đó, 2 anh Nguyễn Văn Nghĩa và Mai Sơn Việt gặp nhau bàn việc cướp chính quyền vào sáng hôm sau. 4 trung đội của lực lượng Thanh niên Tiền Phong được huy động, ngày 24-8-1945, lúc mặt trời vừa lên đỏ ửng ở phía Đông bờ sông Đồng Nai, dân làng và lực lượng Thanh niên Tiền Phong với tầm vông vạt nhọn, tề tựu trước cột cờ sân lễ ở miếu Bà cùng 25 chiến sĩ tự vệ chiến đấu, trong đó có Hai Cà.

Sau khi giành chính quyền, anh Hai Cà được phân công làm Xã đội trưởng Thạnh Hội, anh suy nghĩ rất nhiều phương án đánh địch, như anh đã từng nói với đồng đội: “Đánh địch để khi chúng qua đây phải ngán đất này”. Một trong những phương án mà anh Hai Cà chọn là tổ chức những thanh niên chiến đấu giỏi võ, bơi lặn tốt giả làm người lái đò, nếu lính Pháp, lính Việt đi đò qua cù lao Rùa hà hiếp nhân dân, bắt heo bắt bò thì chọn địa điểm hợp lý lật cho đò chìm, dùng dầm chèo đập đầu giết chết bọn chúng, súng ống sẽ mò lấy sau.

Phương án này chưa kịp thực hiện thì thời cơ chiến đấu đến với Hai Cà, khi anh được cơ sở là ông Hai Lê báo có một lính Pháp dẫn một người tù qua sông tìm bông hoa cho ngày lễ Giáng sinh năm 1946 sắp tới. Anh liền đóng giả một người nông dân vừa đi cày về, tay cầm roi mây, đầu đội nón lá, áo ngoài che khuất sợi dây thừng đã thắt thòng lọng giắt ở eo lưng. Đi đến trước cổng nhà cô giáo Đạn, tên lính Pháp dừng lại nhìn ngắm hàng rào dâm bụt đỏ rực, thì anh cũng vừa đến, gỡ nón cúi đầu chào và nói bằng tiếng Pháp: “Eh vous! Ici beaucoup fleurs”(Thưa ông, đằng kia có nhiều bông lắm). Tên lính Pháp gật đầu: “Oui, oui!”. Hai Cà nói tiếp: “Avancer vite Je suis en ariere vous” (ông bước lên phía trước, tôi đi phía sau, dẫn ông ấy đến vườn có nhiều bông lắm). Khi đi qua khỏi nhà thầy Tư Đố phải bước qua một mương thoát nước, rộng khoảng 1,2m, sâu 5 tấc, tên lính Pháp bước xuống mương, chân phải đặt lên bờ mương bên kia, chân trái vừa nhóm gót, nhanh như chớp, Hai Cà nắm cổ chân trái giật mạnh, đầu hút vào lưng của y, bị mất thăng bằng tên lính Pháp ngã xuống mương một cái ạch, cây súng văng ra phía trước. Tên lính Pháp cao to chống trả quyết liệt nhưng trước các thế võ của Hai Cà, cuối cùng sợi dây thòng lọng cũng được tròng vào cổ và trói thúc ké 2 tay của gã ra sau lưng. Rồi Hai Cà giải tên tù binh lên Bình Chánh vào căn cứ của Huyện ủy Tân Uyên bàn giao cho ông Huỳnh Văn Đính, là anh hai của anh Năm Bình, lúc đó mới mười một mười hai tuổi gì đó rồi nói: “Anh Hai cho tôi cây súng này về khoe với đồng bào, tôi sẽ sắp xếp chuyện gia đình rồi đi bộ đội luôn”.

Mang khẩu súng quay về cù lao Rùa, lòng Hai Cà ngổn ngang bao nỗi suy nghĩ: “Tự hào mình vừa lập được chiến công, tay không bắt giặc, nhưng vừa lo mình thoát ly đi bộ đội chẳng có gì phải băn khoăn nhưng mẹ già, vợ trẻ, con thơ sẽ sống như thế nào giữa vùng kiểm soát của giặc?”. Nhưng khi về gần tới nhà, Hai Cà đã có quyết định: Anh thưa với mẹ, nói với vợ, bận này con sẽ rời gia đình lên chiến khu tham gia kháng chiến. Mặc dù, anh là con một nhưng bà Nguyễn Thị Phố, người mẹ lam lũ của anh vẫn đồng ý cho con thoát ly gia đình, riêng vợ anh với gương mặt đượm buồn, cũng gật đầu. Anh xin phép mẹ, đốt 3 nén nhang rồi quỳ xuống trước bàn thờ tổ tiên lâm râm khấn: “Giặc Pháp cướp nước đang giết người yêu nước, đốt nhà dân. Việt Minh kêu gọi kháng chiến trường kỳ, bổn phận là thanh niên nước nhà, là cháu của tổ tiên họ Trần, là con trai của cha, con phải tòng quân kháng chiến. Được mẹ đồng ý, con xin đốt nhà từ đường này, để quân cướp nước thấy tinh thần bất khuất của dân ta”.

Chờ cho 3 nén nhang vừa tàn, anh Hai Cà nhờ những thanh niên, du kích lấy những bó bã mía chuẩn bị cho mùa nấu đường năm sau chất tận họng trính, họng kèo rồi tưới dầu hôi tự tay châm lửa đốt nhà. Trong khi ngọn lửa từ trái tim của người vừa giác ngộ cách mạng bùng cháy sáng rực một góc Cù lao Rùa, mẹ anh đẫm nước mắt quay đi chỗ khác, còn vợ Hai Cà bụm mặt khóc nức nở, anh lẳng lặng bước đến trước bàn thờ ông Thiên đốt 3 nén nhang và khấn: “Hôm nay, vì bổn phận trung với Tổ quốc, hiếu với gia đình, làng mạc, con phải đốt nhà từ đường của cha mẹ. Kính xin Trời Phật chứng giám lòng trung thành của con và thanh niên trong làng, phù hộ mẹ, vợ con của con và bà con trong làng tránh được sự khủng bố của giặc Pháp”.

Nếu trước đây chuyện anh Hai Cà, trong cảnh mẹ góa con côi, nhưng nhờ lao động cật lực nên mới mười mấy tuổi đã sắm được trâu, xây được nhà, khiến bà con trong làng nể phục. Thì nay, chuyện người con trai độc nhất của bà Hai Phố dám tay không bắt giặc Tây, tước súng, đốt ngôi nhà từ đường mới xây, cắt búi tóc, bỏ nhà lên rừng kháng chiến lại càng được dân làng kính phục, trở thành tấm gương về lòng yêu nước cho thanh niên trai tráng noi theo.

***

Việc ông Hai Cà, sau này đổi tên là Trần Công An, một người nông dân mặc áo lính, suy nghĩ sáng tạo nghĩ ra cách đánh tháp canh mà trận đánh tháp canh cầu Bà Kiên là trận mở đầu. Sử sách, báo chí đã viết rất nhiều, gắn liền chiến công này với tư duy sáng tạo, tinh thần mưu trí, dũng cảm của ông Trần Công An, ai cũng biết. Từ cách đánh độc đáo này, đã góp phần bổ sung vào kho tàng lý luận quân sự của nghệ thuật chiến tranh nhân dân Việt Nam với sự ra đời của Binh chủng Đặc công vào năm 1967. Người nông dân Hai Cà - Trần Công An, người con của quê hương Cù lao Rùa đã góp phần đánh bại kế hoạch “3 giai đoạn, 6 biện pháp”, trong đó có chiến thuật tháp canh và nhân dân tôn vinh là “ông tổ” khai sinh ra binh chủng đặc biệt tinh nhuệ.

Bà con Cù lao Rùa tự hào nói với nhau: Làng này chưa có ai được diễm phúc như Hai Cà, với lần đầu tiên ra Việt Bắc năm 1952 và lần tập kết năm 1954, đã vinh dự 7 lần được gặp Bác Hồ. Cùng với việc được gặp Bác Hồ nhiều lần, ông còn được nhân dân và các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước rất yêu mến, quý trọng. Không kể lúc đương chức được gặp các đồng chí lãnh đạo, đến lúc ông đã về hưu, làm người chăm sóc hoa cảnh dưới tượng đài Chiến thắng sân bay Biên Hòa, ông Hai Cà cũng được lãnh đạo hết sức quan tâm bằng cả tình cảm yêu mến, quý trọng.

Đối với nhân dân TP.Biên Hòa, hình ảnh một cụ già đội nón lá, tưới hoa, tỉa cành, quét dọn dưới tượng đài Chiến thắng sân bay Biên Hòa hoặc bóng dáng một ông già đội mũ tai bèo, có gương mặt phúc hậu như ông tiên, đạp xe “ống tuýp” đến thăm đồng đội, gia đình chính sách, người nghèo rất đỗi thân quen với mọi người. Sau khi được nghỉ hưu, ông Hai Cà về quê cất lại ngôi nhà bằng gỗ trên cái nền nhà mà ông đã đốt năm xưa và hằng ngày, ông vẫn đi làm ruộng như một lão nông của làng.

Khi ông mãn phần, dân làng Cù lao Rùa đã dành cho ông Hai Cà cái vinh dự được an nghỉ trước đình làng Nhựt Thạnh và năm 2018, nhân kỷ niệm 70 ngày ông đánh trận tháp canh cầu Bà Kiên và 10 năm ngày ông qua đời, dân làng Cù lao Rùa đã tạc tượng, an vị bóng dáng người con của quê hương trong đình làng Nhựt Thạnh, để thế hệ hôm nay và mai sau đến chiêm bái và học tập tấm gương về đạo đức, phong cách của một người đã “NGỘ” tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

MAI SÔNG BÉ 

 

Tin xem nhiều