Báo Đồng Nai điện tử
En

Đấu tranh ngăn ngừa tham nhũng, lãng phí

08:04, 21/04/2018

Cách mạng Tháng Mười Nga thành công, nước Nga Xô-viết bắt tay vào công cuộc kiến thiết đất nước. Ngay trong những ngày đầu của công cuộc kiến thiết đó, một trong những vấn đề cấp thiết được Lênin nêu lên là phải kiên quyết đấu tranh ngăn ngừa tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí xảy ra ngay trong đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Cách mạng Tháng Mười Nga thành công, nước Nga Xô-viết bắt tay vào công cuộc kiến thiết đất nước. Ngay trong những ngày đầu của công cuộc kiến thiết đó, một trong những vấn đề cấp thiết được Lênin nêu lên là phải kiên quyết đấu tranh ngăn ngừa tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí xảy ra ngay trong đội ngũ cán bộ, đảng viên.

V.I.Lênin đọc diễn văn tại Quảng trường Đỏ ở Mátxcơva trước các đơn vị của khóa huấn luyện quân sự toàn dân, ngày 25-5-1919.
V.I.Lênin đọc diễn văn tại Quảng trường Đỏ ở Mátxcơva trước các đơn vị của khóa huấn luyện quân sự toàn dân, ngày 25-5-1919.

Lênin cho rằng tham ô, hối lộ là một trong những kẻ thù nguy hiểm, trực diện nhất của mỗi đảng viên Bolshevik: “Theo tôi, hiện giờ có 3 kẻ thù chính đang đứng trước mỗi người, bất kể người đó làm việc gì, ở cương vị nào... Trước mặt họ, 3 kẻ thù chính ấy là: kẻ thù thứ nhất - tính kiêu ngạo cộng sản chủ nghĩa; kẻ thù thứ 2 - nạn mù chữ; kẻ thù thứ 3 - nạn hối lộ”.

* Căm ghét tệ tham nhũng

Lênin rất căm ghét tệ tham nhũng và những kẻ tham nhũng. Ông gọi những cán bộ, đảng viên tham nhũng là “bọn phá hoại” và sự lạm dụng quyền lực để tham nhũng là “hành động phản cách mạng”, không chỉ làm xấu đi hình ảnh người cán bộ, đảng viên, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Đảng và niềm tin của quần chúng nhân dân vào Đảng.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Đảng Cộng sản Việt Nam thẳng thắn thừa nhận: “Tình trạng tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng với biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước”. Vì vậy, những chỉ dẫn của Lênin về phòng, chống tham nhũng có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với Đảng ta, nhất là trong bối cảnh toàn Đảng đang đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng.

Lênin đã nhiều lần căn dặn cán bộ, đảng viên: “Mỗi cán bộ, đảng viên chúng ta nếu không tự bôi nhọ đạo đức, thanh danh của mình, thì không ai có thể hạ thấp được uy tín của họ, không một thế lực phản cách mạng nào ở trong nước và quốc tế có thể phá vỡ được mối quan hệ gắn bó giữa Đảng với quần chúng nhân dân”.

Từ việc nhận thức đầy đủ về sự nguy hại của nạn tham nhũng đối với sự tồn tại và phát triển của Đảng và chế độ, Lênin đã đưa ra lời cảnh báo: “Nếu có cái gì làm tiêu vong chúng ta thì chính là những tệ nạn đó”. Vậy nên, đấu tranh loại bỏ tham nhũng là điều kiện chủ chốt và đầy đủ để đưa chủ nghĩa xã hội đến thắng lợi hoàn toàn.

* Kiên quyết chống tham nhũng

Để chống tham nhũng hiệu quả, theo Lênin, cần phải tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý thật kiên quyết những kẻ tham nhũng. Lênin cho rằng kiểm tra, giám sát không chỉ nhằm giữ gìn kỷ luật, tính tổ chức, hạn chế tính tự phát mà còn kịp thời phát hiện để đấu tranh chống lại căn bệnh lười biếng, tham ô, hối lộ, ăn cắp của công, lãng phí. Vì vậy, để phòng ngừa tham nhũng, phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Tuy nhiên, khi đã tiến hành kiểm tra, giám sát chặt chẽ nhưng vẫn còn một số kẻ cố tình tìm cách vơ vét của cải cho mình thì cần phải  nghiêm trị.

Tham nhũng đã trở thành “một trong những nguy cơ lớn đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta”. Chính vì vậy mà những năm gần đây, Đảng và Nhà nước đã triển khai nhiều hoạt động quyết liệt để đấu tranh với vấn nạn cực kỳ nguy hiểm này. Nhờ  vậy mà đến nay, với các bước đi cẩn trọng, chắc chắn, nhiều vụ án tham nhũng lớn liên quan đến một số cán bộ cấp cao đã bị đưa ra ánh sáng. Qua đó cho thấy công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước đã có những bước đi mới, đồng bộ, có sự phối hợp chặt chẽ vừa phù hợp với diễn biến phức tạp của hiện tượng tham nhũng, vừa giải quyết vấn đề một cách hiệu quả nhằm giữ nghiêm kỷ luật Đảng và kỷ cương, phép nước. Đây có thể coi là sự thể hiện nổi bật nhất sự vận dụng sáng tạo những chỉ dẫn quan trọng của Lênin về phòng, chống tham nhũng trong tình hình mới.

Tiến hành kê khai thu nhập của cán bộ được Lênin xác định là biện pháp cần thiết để phòng ngừa tham nhũng. Đối tượng đầu tiên cần kê khai là những người có chức vụ và thu nhập cao. Đối với những trường hợp không tuân thủ những quy định đó, các biện pháp chế tài nghiêm khắc là thật sự cần thiết.

Ngoài ra, theo Lênin, sự ủng hộ và tham gia của quần chúng nhân dân sẽ giúp cho cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng đạt hiệu quả cao. Về điều này, Lênin cho rằng: “Để đấu tranh chống bệnh lề mề và bệnh quan liêu, hoặc ngay cả cái hiện tượng thật sự điển hình của nước Nga là nạn hối lộ… không chỉ độc có dựa vào tuyên truyền mà được; chỉ khi nào được quần chúng nhân dân giúp đỡ thì cuộc đấu tranh ấy mới có thể hoàn thành được”.

Để chống tham nhũng, Lênin còn yêu cầu phải giảm bớt sự cồng kềnh, chồng chéo trong bộ máy, phải phân công nhiệm vụ một cách cụ thể, rõ ràng; phải ban hành quy định về trách nhiệm của từng thành viên trong cơ quan, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng. Cụ thể là: “Tất cả các vấn đề quản lý trong các cơ quan Xô-viết phải kèm theo một quy định hết sức rõ ràng về trách nhiệm của từng người... mỗi ủy ban Xô-viết và mỗi cơ quan, không có một ngoại lệ nào, đều có nghĩa vụ ngay tức thời phải ra nghị quyết về việc phân công, phân nhiệm một cách rõ ràng giữa các ủy viên trong ủy ban hay giữa các nhân viên phụ trách”.

Điều quan trọng hơn nữa là phải xây dựng ý thức tổ chức, kỷ luật trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Tổng kết từ kinh nghiệm của nước Nga Xô-viết, Lênin đi đến kết luận: “Chỉ có cách là tổ chức nhau lại, tăng cường kỷ luật trong bản thân chúng ta, quét sạch ra khỏi hàng ngũ chúng ta những bọn lười biếng, ăn bám, ăn cắp của công”.

Vũ Thị Nghĩa

Tin xem nhiều