Báo Đồng Nai điện tử
En

Vươn mình trên đất lửa

10:02, 26/02/2018

Ngày 1-3-1948, Chi đội 10 cùng các đơn vị lực lượng vũ trang Đồng Nai đã đánh trận phục kích giao thông trên quốc lộ 20 (từ km104 đến km113 thuộc xã Phú Ngọc, Ngọc Định và thị trấn Định quán), gây cho thực dân Pháp tổn thất nặng nề.

Ngày 1-3-1948, Chi đội 10 cùng các đơn vị lực lượng vũ trang Đồng Nai đã đánh trận phục kích giao thông trên quốc lộ 20 (từ km104 đến km113 thuộc xã Phú Ngọc, Ngọc Định và thị trấn Định quán), gây cho thực dân Pháp tổn thất nặng nề. Trận đánh đã thể hiện sự trưởng thành vượt bậc và phối hợp tác chiến nhuần nhuyễn của lực lượng vũ trang Đồng Nai.

Trong kháng chiến chống Mỹ, nhân dân Định Quán anh hùng cũng tổ chức các trận đánh làm chao đảo Chi khu Định Quán của địch. Để rồi những ngày tháng 3-1975, nhân dân và du kích địa phương lại cùng quân chủ lực giải phóng Định Quán (ngày
17-3-1975), góp phần nhanh chóng thống nhất đất nước vào ngày 30-4-1975 lịch sử.

* Định Quán anh hùng

Giữa năm 1947, nhận được tin tình báo vào đầu năm 1948, thực dân Pháp sẽ tổ chức một hội nghị về việc thành lập Chính phủ bù nhìn Bảo Đại tại Đà Lạt, dự kiến có nhiều đoàn xe chở quan chức cấp cao đi từ Sài Gòn lên Đà Lạt qua ngả quốc lộ 20, Ban chỉ huy Chi đội 10 sau khi tìm hiểu, xác minh kỹ và tính toán nhiều phương án đã quyết định chặn đánh đoàn xe vừa để gây tiếng vang lớn vừa cản trở kế hoạch của quân Pháp.

Ông Lâm Văn Răng (thường gọi Ba Răng, ngụ ấp Miễu, xã Phước Tân, TP.Biên Hòa), một trong những người đã tham gia trận phục kích giao thông trên quốc lộ 20 đúng 70 năm trước, kể: “Để đảm bảo đoàn xe tới vị trí phục kích của Chi đội 10 sau 14 giờ ngày 1-3-1948, nhiều đơn vị du kích đã được lệnh chốt tại 5 vị trí vắng vẻ, nhiều cây cối dọc theo quốc lộ 1 và quốc lộ 20. Khi đó, tôi cùng đồng đội chốt tại khu vực Khu công nghiệp Bàu Xéo (huyện Trảng Bom) bây giờ. Nhiệm vụ mỗi chốt du kích khi đó là chặt cây chặn đường, nổ súng làm rối đội hình địch, dụ địch bắn càng nhiều đạn càng tốt và kìm chân địch lâu hết mức có thể. Như vậy, khi địch đến chỗ Chi đội 10 phục kích chính thì chúng bị suy yếu và dễ bị hạ. Tất cả điều này, chúng tôi chỉ được biết sau khi trận đánh kết thúc, còn trước đó chỉ nhận được lệnh đánh du kích cầm chân đoàn xe quân sự”.

Hơn 15 giờ ngày 1-3-1948, chiếc xe đầu tiên của đoàn xe Pháp đi vào trận địa phục kích. Vài phút sau, địa lôi ta gài phát nổ, xé toạc đội hình đoàn xe, hất tung xe thiết giáp mở đường và một số sĩ quan hộ tống. Các xe sau bị dồn lại, không biết xoay xở thế nào. Lúc đó, bộ đội phục kích 2 bên đường xông ra tấn công, nổ súng đồng loạt tại 3 điểm phục kích và xé nhỏ các đơn vị hộ tống của Pháp, không cho tiếp ứng nhau.

Tượng đài Chiến thắng La Ngà chụp từ trên cao, hướng nhìn về cầu La Ngà.
Tượng đài Chiến thắng La Ngà chụp từ trên cao, hướng nhìn về cầu La Ngà. ảnh: Đài Truyền thanh huyện Định Quán cung cấp

Trận đánh giao thông La Ngà kéo dài khoảng 50 phút, Chi đội 10 cùng các đơn vị hỗ trợ phá hủy gần 60 xe quân sự, bắt sống 200 tù binh (số này được thả vài ngày sau đó), tiêu diệt 150 lính lê dương, 25 sĩ quan Pháp, thu nhiều vũ khí. Trận đánh này đã làm kế hoạch tổ chức hội nghị của Pháp ở Đà Lạt gặp sự cố và hạn chế điều động quân ra chiến trường miền Trung và miền Bắc.

Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, lực lượng vũ trang Đồng Nai liên tục tổ chức đánh du kích và quấy nhiễu địch, khiến công tác bình định tại huyện Định Quán của quân đội Mỹ và chế độ Sài Gòn gặp trở ngại.

Đến tháng 3-1975, khi chiến sự tại Tây Nguyên và miền Trung đang rất nóng, chính quyền Sài Gòn chi viện một lượng lớn quân đóng giữ tại Chi khu Định Quán hòng khóa đường tiến của quân giải phóng từ Tây Nguyên về Sài Gòn. Vì vậy, Chi khu Định Quán là nút thắt buộc phải được mở thông để tạo điều kiện cho đại quân xuôi theo quốc lộ 20 về Sài Gòn và Sư đoàn 7 (Quân đoàn 4) cùng quân dân địa phương được giao nhiệm vụ này.

Khi quân dân Định Quán đã sẵn sàng, vào đêm 16, rạng sáng 17-3-1975, Tiểu đoàn 2 và 3 (Trung đoàn 141, Sư đoàn 7, đảm nhận mũi chủ yếu đánh vào Chi khu Định Quán) đã âm thầm xuất phát.

Ông Trương Minh Ngọc, nguyên Đội trưởng Đội An ninh vũ trang Định Quán trong thời kỳ chống Mỹ, kể: “Đúng 5 giờ ngày 17-3, tiếng súng nổ vang trời, quân địa phương, quân chủ lực áp sát vào các đơn vị địch. Thời điểm đó, tin bại trận của địch khắp nơi đổ về nên cơ bản quân đội Sài Gòn ở đây cũng rời rạc lắm. Tuy vậy, chúng vẫn cố bám trụ và chống trả quyết liệt, một số đơn vị quân giải phóng phải rút lui, bổ sung đạn dược rồi mới tấn công tiếp”.

Địch dựa vào công sự, gộp đá phản kích quyết liệt. Cuộc chiến giằng co kéo dài đến ngày
18-3-1975 thì quân giải phóng làm chủ được chiến trường, bắt sống toàn bộ Ban chỉ huy địch ở Chi khu Định Quán, cờ giải phóng tung bay trên nóc Sở chỉ huy Chi khu Định Quán, báo hiệu quân cách mạng chiến thắng và quận lỵ Định Quán được giải phóng hoàn toàn.

Những ngày sau đó, quân dân địa phương và các cánh quân chủ lực tiếp tục tấn công một số cứ điểm địch còn lại và mở toang đường để các cánh quân từ Tây Nguyên có thể tiến về Sài Gòn, kịp thời tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

* Hơi thở mới của Định Quán

Từ năm 1976, huyện Định Quán là một phần của huyện Tân Phú. Đến ngày 10-4-1991, Hội đồng Bộ trưởng đã ra quyết định phân chia một số cơ sở cấp huyện của tỉnh Đồng Nai, huyện Tân Phú được tách thành 2 huyện Tân Phú và Định Quán. Nhiều vấn đề cấp thiết được đặt ra với lãnh đạo huyện Định Quán lúc đó, như: cơ cấu kinh tế, cơ cấu sản xuất từng ngành chưa phù hợp, việc làm cho người lao động…, đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Định Quán.

Lãnh đạo huyện Định Quán và Sở Lao động - thương binh và xã hội đưa 3 hài cốt liệt sĩ an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Định Quán tháng 7-2017. Ảnh: Đ.Tùng
Lãnh đạo huyện Định Quán và Sở Lao động - thương binh và xã hội đưa 3 hài cốt liệt sĩ an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Định Quán tháng 7-2017. Ảnh: Đ.Tùng

Đến nay, sau 43 năm giải phóng và 27 năm thành lập huyện mới, từ một vùng rừng núi hoang tàn do bom đạn, cơ sở hạ tầng, điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp và sự đồng lòng của các tầng lớp nhân dân trong huyện, Định Quán đã phát triển, đổi thay mạnh mẽ.

Ông Lý Văn Vui (ngụ ấp 5, xã Thanh Sơn, huyện Định Quán) cho hay ông về định cư tại địa phương hơn 20 năm, đời sống lúc đầu rất khó khăn, nhưng thời gian qua được các cấp, ngành và chính quyền địa phương quan tâm nên đã có những nguồn vốn vay, sự giúp đỡ và tạo điều kiện để ông thoát nghèo. Tháng 8-2017, Hội Cựu chiến binh tỉnh trao cho ông số vốn 20 triệu đồng để nuôi dê, từ đó đến nay đời sống gia đình ông khá hơn và có nền tảng đi lên.

Hiện huyện Định Quán có tỷ lệ hộ nghèo giảm dưới 5%, an sinh xã hội cơ bản được bảo đảm, hơn 99% người dân sử dụng điện lưới quốc gia. Chương trình xây dựng nông thôn mới, đến nay đã có 12/13 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và huyện sẽ quyết tâm phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2018.

Chủ tịch UBND huyện Định Quán Trần Quang Tú cho biết: “Để đạt được mục tiêu phát triển trong tương lai, mà gần nhất là đến năm 2018 huyện Định Quán đạt huyện nông thôn mới, cấp ủy và chính quyền địa phương đã đề ra một số nhiệm vụ và giải pháp, như: phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, hệ thống giao thông; tăng cường giải pháp thu hút, kêu gọi các nhà đầu tư đến đầu tư phát triển công nghiệp… Tất cả đều phải có sự nỗ lực, cố gắng không ngừng của cán bộ và nhân dân địa phương để xứng đáng với truyền thống Định Quán anh hùng”.

Di tích Chiến thắng La Ngà được Bộ Văn hóa xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia theo Quyết định số 235/VH-QĐ ngày 12-12-1986.

Để kỷ niệm sự kiện lịch sử quan trọng này, vào năm 1998, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đồng Nai đã xây dựng Tượng đài Chiến thắng La Ngà gần cầu La Ngà (xã Phú Ngọc, huyện Định Quán) ngay tại cao điểm 100, nơi diễn ra cuộc tấn công của Chi đội 10 nhằm vào quân Pháp ngày 1-3-1948. Tượng đài cao 15,5m trong khuôn viên rộng 5 hécta.

Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày chiến thắng La Ngà (1-3-1948 - 1-3-2018), công trình đã được cải tạo, sửa chữa cơ bản với nhiều hạng mục, như: cải tạo tổng thể tượng, nhà truyền thống và các công trình phụ trợ bên cạnh.

Đăng Tùng

 

 

 

 

Tin xem nhiều