Đồng chí Lê Duẩn sinh ngày 7-4-1907 tại làng Bích La, xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Tham gia các phong trào yêu nước từ rất sớm, ông trở thành một trong những nhà lãnh đạo thuộc lớp tiền bối của Đảng, một bộ óc tư duy trên tầm chiến lược.
Đồng chí Lê Duẩn sinh ngày 7-4-1907 tại làng Bích La, xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Tham gia các phong trào yêu nước từ rất sớm, ông trở thành một trong những nhà lãnh đạo thuộc lớp tiền bối của Đảng, một bộ óc tư duy trên tầm chiến lược.
Ðồng chí Lê Duẩn (thứ 2 từ phải sang) với các dũng sĩ miền Nam (1972). Ảnh Tư liệu: Báo Nhân dân |
Đồng chí tham gia các phong trào yêu nước từ những năm 1924-1925 và bị đuổi học. Năm 1928, ông được kết nạp vào Hội Việt Nam cách mạng thanh niên để rồi 2 năm sau trở thành một trong những đảng viên lớp đầu tiên của Đảng. Ở tuổi 24, ông được bầu làm Xứ ủy viên Bắc kỳ và bị thực dân Pháp bắt 2 năm sau đó với đủ đòn roi tra tấn và mức án khổ sai 20 năm trải khắp các nhà tù đế quốc.
Gắn bó với Nam bộ
Mặt trận Bình Dân Pháp lên nắm quyền đã cứu ông và rất nhiều yếu nhân của Đảng thoát khỏi ngục tù. Kể từ khi tham gia hoạt động cách mạng đến khi vào miền Nam để lãnh đạo phong trào ở Nam bộ vào năm 1939, ông đã giữ nhiều trọng trách lớn của Đảng và là nhà lãnh đạo gắn bó với miền Nam. Đối với miền Nam, ông Lê Duẩn đã giành cả đời đấu tranh cách mạng gắn bó máu thịt với vùng đất này. Nguyên chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trong một bài viết đã khẳng định: “Một trong những lãnh tụ lỗi lạc, gắn bó mật thiết gần như cả cuộc đời hoạt động cách mạng của mình với Đảng bộ và nhân dân Sài Gòn - TP. Hồ Chí Minh, với Nam bộ là đồng chí Lê Duẩn”.
Năm 1940, sau khởi nghĩa Nam kỳ thất bại, thực dân Pháp đã xử tử hình nhiều lãnh đạo cao cấp của Đảng, riêng Lê Duẩn bị kết án 10 năm tù và đày ra Côn Đảo. Cách mạng tháng Tám thành công, ông cùng Bác Tôn, các ông: Phạm Hùng, Nguyễn Văn Linh… được đón trở về đất liền. Năm 1946, ông được cử làm Bí thư Xứ ủy Nam kỳ và sau đó là Bí thư Trung ương Cục miền Nam.
Tầm cao tư tưởng, khả năng tài tình và sáng tạo của ông đã được chính những đồng chí hoạt động cùng ông tặng cho biệt danh “ngọn đèn hai trăm nến”.
Dân hết mực thương yêu
Năm 1939, khi được giao trọng trách Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng, đồng chí Lê Duẩn đã cùng với đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Tổng Bí thư của Đảng, chủ trì Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng, chuyển hướng chiến lược cách mạng Việt Nam tạo những điều kiện, tiền đề tiến tới giành chính quyền về tay nhân dân. Trong thời kỳ chống thực dân Pháp, trên cương vị là Phó Bí thư, rồi Bí thư Xứ ủy Nam bộ và từ sau Đại hội II của Đảng (1951) là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Cục miền Nam, đồng chí đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh giao phó là trực tiếp chỉ đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở Nam bộ.
Rất nhiều các chủ trương, biện pháp mà đồng chí Lê Duẩn đề ra trong thời gian này đã góp phần giải quyết hàng loạt khó khăn cho cách mạng. Tư tưởng đại đoàn kết toàn dân mà nhà lãnh đạo cao nhất ở Nam bộ đề ra và thực hiện đã có tác dụng to lớn, lôi cuốn các tầng lớp nhân dân cùng tham gia đóng góp phục vụ kháng chiến.
Tại cuộc hội thảo ở Trường đại học Sài Gòn tổ chức tháng 5-2015, bà Nguyễn Thị Minh, con gái nhà yêu nước Nguyễn An Ninh, cho biết mẹ bà kể lại khi ấy ở miền Nam, ông Lê Duẩn yêu cầu phải kết nạp được bà Trương Thị Sáu (bà Nguyễn An Ninh) và Chưởng quản Cao Đài Minh Chơn Đạo là Cao Triều Phát vào Đảng. Ông Trần Bạch Đằng trong bài viết kỷ niệm thành lập Đảng đã kể lại chi tiết ông cùng ông Lê Duẩn đi trên một dòng kinh ở Nam bộ và tạt vào nhà một người dân xin nước uống; bà chủ nhà - dù biết ông là lãnh đạo cao nhất ở Nam bộ, nhưng đã nói với con gái: “Con Út, đi lấy chén cho thằng Ba ăn cơm”… Có lẽ phong cách gần dân như vậy nên ông đã trở thành nhà lãnh đạo được nhân dân hết mực tin yêu.
Trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, trên cương vị Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng ở vào một thời điểm lịch sử đầy thử thách cam go và nặng nề, cùng một lúc phải thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược của dân tộc là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, đương đầu với một đế quốc có tiềm lực quân sự và bộ máy chiến tranh khổng lồ, đồng chí Lê Duẩn là người chịu trách nhiệm chủ yếu trước Trung ương Đảng về phong trào cách mạng miền Nam. Bằng kinh nghiệm và thực tiễn phong phú của mình, đồng chí đã phác thảo Đề cương cách mạng miền Nam được xem là kim chỉ nam đề ra phương thức đấu tranh chống lại kẻ thù tàn bạo. Những tư tưởng đúng đắn và sáng tạo mà Đề cương cách mạng miền Nam nêu lên là cơ sở để Đảng ta ra Nghị quyết Trung ương 15 (khóa II), tiếp đó là Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III, góp phần vào việc hoạch định chiến lược cách mạng hai miền Nam - Bắc trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước.
Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, là nhà lãnh đạo đứng đầu Đảng, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã có công lao to lớn tập hợp, đoàn kết nội bộ, đoàn kết toàn dân vì mục tiêu cao cả thống nhất đất nước. Trong những năm hoạt động cách mạng ở niền Nam, ông cũng từng gắn bó nhiều với Đồng Nai. Tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Đồng Nai lần thứ 3-1982, ông đã về dự và có phát biểu chỉ đạo đặc biệt quan trọng: “Các đồng chí phải thấu suốt hơn nữa đường lối, chính sách và phương hướng, nhiệm vụ đề ra trong các văn kiện quan trọng để vạch được một chương trình hành động cụ thể, tích cực và hiện thực của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh, nhằm đẩy mạnh các mặt công tác cải tạo và phát triển kinh tế, văn hóa, khắc phục những khó khăn trước mắt đưa sự nghiệp cách mạng của chúng ta vững bước tiến lên”. |
Hồng Phúc