Tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, chiều 13-6, các đại biểu tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền.
Tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, chiều 13-6, các đại biểu tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền.
* Gắn đào tạo nghề với thị trường lao động
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền nhấn mạnh, công tác dạy nghề đã được Đảng, Nhà nước quan tâm, đầu tư từ trước, tuy nhiên sau khi có Chiến lược phát triển nguồn nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011 - 2020, lĩnh vực dạy nghề đã được tăng cường hơn. Hiện cả nước đã có trên 1.000 cơ sở dạy nghề, trong đó có 800 cơ sở dạy nghề công lập.
Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH Phạm Thị Hải Chuyền trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội |
Đối với vấn đề số lượng trường nghề nhiều nhưng số học sinh học nghề còn ít như hiện nay, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho rằng, nguyên nhân là do người dân thường muốn thi vào các trường Trung cấp chuyên nghiệp, Đại học chứ chưa chú trọng đến việc vào học tại các trường dạy nghề, vì vậy tỷ lệ học sinh vào các trường dạy nghề chưa nhiều. Bên cạnh đó, hiện nay có nhiều doanh nghiệp mới thành lập với nhiều ngành nghề mới, trong khi các trường dạy nghề vẫn đang đào tạo những nghề thông thường. Để đào tạo nghề đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, thời gian tới, Bộ sẽ tham mưu, đề xuất với Chính phủ sơ kết 3 năm đào tạo nghề cho lao động nông thôn; đồng thời chỉ đạo hệ thống ngành dọc trực thuộc Bộ gắn công tác đào tạo nghề với thị trường lao động. Theo Bộ trưởng, các cơ sở dạy nghề cũng cần hình thành bộ phận tư vấn, tiếp thị nhằm nắm được nhu cầu thị trường, để có thể dạy nghề phù hợp với nhu cầu doanh nghiệp.
Trả lời câu hỏi về việc nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, Chính phủ đã ban hành Quyết định 1956/QĐ-TTg về Phê duyệt đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020. Để đánh giá việc thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB-XH) đã tổ chức 3 Hội nghị tổng kết ở 3 vùng và trong tháng 6-2013 sẽ tổ chức tổng kết 3 năm thực hiện Quyết định nhằm rút kinh nghiệm trong việc thực hiện.
*Bảo đảm quản lý tốt người lao động làm việc tại nước ngoài
Trả lời chất vấn của đại biểu Lý Kiều Vân (Quảng Trị) về trách nhiệm quản lý người Việt Nam làm việc bất hợp pháp ở nước ngoài, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết: Hiện Việt Nam có 500.000 lao động đang làm việc ở nước ngoài, trong khi chỉ có 8 ban quản lý lao động ở các nước, còn phần đông là do các cơ quan đại diện ngoại giao ở các nước có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Thời gian qua, Bộ LĐTB-XH có trách nhiệm phối hợp với Bộ Lao động và doanh nghiệp nước sở tại để bảo vệ quyền lợi cho người lao động Việt Nam, tuy nhiên Bộ trưởng đề nghị người lao động khi quyết định đi làm việc ở nước ngoài cần xem xét, tìm hiểu về doanh nghiệp xuất khẩu lao động và những quyền lợi của mình khi đi làm việc ở nước ngoài.
Về việc thí điểm đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài tại 62 huyện nghèo, Bộ trưởng cho biết Bộ đã tổ chức cho 12.000 lao động đi học ngoại ngữ, văn hóa, phong tục tập quán của các nước để chuẩn bị cho việc đi xuất khẩu lao động và đến nay đã có hơn 10.000 lao động tại các huyện nghèo đi làm việc tại nước ngoài. Tuy nhiên, hiện nay có một số người lao động về trước thời hạn do ý thức và sự chịu đựng của các lao động chưa được tốt. Sắp tới, Bộ LĐTB-XH sẽ lựa chọn số lao động ở các huyện nghèo, nếu chưa đủ điều kiện cũng không thể đi xuất khẩu lao động được. Bộ LĐTB-XH cũng sẽ điều chỉnh những bất hợp lý trong việc thực hiện Quyết định 71/2009/QĐ-TTg phê duyệt đề án hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động, góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009 - 2020.
Giải đáp băn khoăn của đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) trước thực trạng lao động bất hợp pháp qua biên giới phía Bắc tiếp tục gia tăng với số lượng lớn, chủ yếu là đồng bào ở vùng biên giới nghèo, họ gặp rất nhiều rủi ro, bất lợi do thiếu hành lang pháp lý bảo vệ, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết để bảo đảm đời sống và tính mạng của người lao động, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước là phải phối hợp giữa hai nước, chính quyền hai địa phương có quy định để quản lý số lao động này, làm sao họ vẫn đến được với nhau do yêu cầu công việc nhưng cuộc sống của họ phải bảo đảm, không bị ảnh hưởng. Tới đây Bộ LĐTB-XH và các Bộ liên quan họp, đề xuất hướng đi tốt nhất để quản lý các lao động này cho tốt hơn.
***
Bên cạnh những vấn đề nêu trên, Bộ trưởng Bộ LĐTB-XH Phạm Thị Hải Chuyền còn tập trung trả lời nhiều nội dung chất vấn khác như: trách nhiệm quản lý nhà nước để hạn chế tiêu cực trong việc xét duyệt hồ sơ người có công với cách mạng (thương binh, thanh niên xung phong, người nhiễm chất độc da cam,…); biện pháp giải quyết các trường hợp bị thất lạc, không còn hồ sơ để xin xét duyệt chế độ; trách nhiệm của Bộ trong đẩy nhanh tiến độ ban hành văn bản hướng dẫn giải quyết chế độ đối với người có công với cách mạng…
Thứ sáu, ngày 14-6, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, tiếp tục tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
P.V