Báo Đồng Nai điện tử
En

Ngày hội văn hóa- thể thao các dân tộc thiểu số huyện Long Thành: Góp phần bảo tồn các giá trị truyền thống

09:12, 07/12/2012

Vừa qua, tại Nhà văn hóa dân tộc S’tiêng (xã Tân Hiệp)  đã diễn ra “Ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc thiểu số huyện Long Thành” lần thứ nhất.

Vừa qua, tại Nhà văn hóa dân tộc S’tiêng (xã Tân Hiệp)  đã diễn ra “Ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc thiểu số huyện Long Thành” lần thứ nhất.

Bà Nguyễn Thị Hoàng Trinh, Phó chủ tịch UBND huyện cho hay, với mục đích bảo tồn, phát huy truyền thống, đồng thời tạo sân chơi lành mạnh và bổ ích, ngày hội  đã thu hút 13 dân tộc anh em đang sinh sống trên địa bàn huyện tham gia tranh tài với nhiều nội dung phong phú, như: ca múa dân tộc, đẩy gậy, đập niêu, bóng đá… 

* Thể hiện nét văn hóa đặc trưng

Tham gia ngày hội, từng điệu múa của các cô gái Thái, những tiết mục biểu diễn cồng chiêng của các chàng trai S’tiêng hay những lời ca mộc mạc của người Tày… đã thể hiện được nét văn hóa đặc trưng của từng dân tộc và thu hút rất đông người dân trong huyện đến xem và cổ vũ. Ông Điểu Phua, Trưởng khu dân tộc S’tiêng xã Tân Hiệp cho biết: “Trước đây, những hoạt động văn hóa - văn nghệ truyền thống chỉ được biểu diễn riêng lẻ, ít khi có sự giao lưu giữa các cộng đồng dân tộc với nhau, do đó, ngày hội được tổ chức đã tạo điều kiện thuận lợi để mỗi dân tộc có cơ hội được giới thiệu đến những dân tộc anh em khác đang sinh sống trên địa bàn. Qua đó, tạo điều kiện giao lưu, học hỏi lẫn nhau và đáp ứng kịp thời nhu cầu vui chơi giải trí, sinh hoạt tập thể của đồng bào”.

Một tiết mục văn nghệ tham gia Ngày hội văn hóa- thể thao các dân tộc thiểu số huyện Long Thành.  Ảnh: V. Truyên
Một tiết mục văn nghệ tham gia Ngày hội văn hóa- thể thao các dân tộc thiểu số huyện Long Thành. Ảnh: V. Truyên

Ngoài giao lưu văn nghệ, một số hoạt động thi đấu thể thao với các bộ môn, như: đẩy gậy, đập niêu, bóng đá… cũng thu hút rất đông người dân tham gia theo dõi. Anh Sì Thính Nàm, dân tộc Tày ở xã Bình Sơn chia sẻ, ngày hội đã giúp anh cũng như tất cả những chàng trai, cô gái dân tộc khác có thêm cơ hội được gặp mặt giao lưu, góp phần tăng cường tinh thần đoàn kết, hòa đồng và hiểu biết lẫn nhau để cùng nhau tiến bộ.

Bên cạnh việc biểu diễn văn nghệ, thể thao, ngày hội còn  trưng bày những sản phẩm truyền thống được làm thủ công của đồng bào các dân tộc, như: vải thổ cẩm, dụng cụ đan lát (gùi, rọ…), một số dụng cụ phục vụ săn bắn và sản xuất (nỏ, dụng cụ cán bông, khung dệt…),  nhạc cụ (cồng chiêng, kèn môi, sáo, đàn đá…) và một số trang sức bằng bạc khác…

* Cần tiếp tục nhân rộng  

Ông Dương Văn Lùn, người có uy tín trong cộng đồng người dân tộc Chơro, xã Phước Bình cho biết: “Với đặc điểm sinh sống rải rác tại nhiều khu vực vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, nên những sân chơi văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao là rất cần thiết đối với đồng bào. Điều này sẽ góp phần rất lớn trong việc khuyến khích bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống của từng dân tộc”.

Huyện Long Thành đã xây dựng và đưa vào hoạt động 2 nhà văn hóa dân tộc: Nhà văn hóa dân tộc S’tiêng (xã Tân Hiệp) và Nhà văn hóa dân tộc Chơro (xã Phước Bình). Huyện đang tiếp tục đầu tư xây dựng Nhà văn hóa dân tộc Chăm tại xã Bình Sơn.

 “Trong thời gian tới, các cơ quan chức năng của huyện sẽ phối hợp với chính quyền địa phương tại các xã, thị trấn tiến hành khảo sát các khu vực có đông đồng bào dân tộc sinh sống để có kế hoạch xây dựng kịp thời các nhà văn hóa dân tộc, phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí, sinh hoạt tập thể của đồng bào” - bà Nguyễn Thị Hoàng Trinh, Phó chủ tịch UBND huyện cho biết thêm.

Văn Truyên

 

 

Tin xem nhiều