Báo Đồng Nai điện tử
En

Chính sách mới trong lĩnh vực giao thông đường bộ nhằm đảm bảo an toàn cho người dân

Lâm Viên
08:01, 15/01/2025

Những ngày gần đây, các quy định tăng mức xử phạt hành chính giao thông, trả tiền cho người cung cấp thông tin phản ánh hành vi vi phạm giao thông… được báo chí trong nước thông tin, tuyên truyền đậm nét, người dân quan tâm thảo luận trong gia đình ra đến các quán cà phê đường phố. Các thế lực thù địch lại nhanh chóng “chớp lấy cơ hội này” để xuyên tạc chính sách mới.

Các thế lực thù địch thông tin xuyên tạc về chính sách mới trên lĩnh vực giao thông. Ảnh: Cắt từ màn hình
Các thế lực thù địch thông tin xuyên tạc về chính sách mới trên lĩnh vực giao thông. Ảnh: Cắt từ màn hình

Tăng mức xử phạt hành chính giao thông là một trong những nội dung được quy định tại Nghị định số 168/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2025. Còn chính sách trả tiền cho người cung cấp thông tin phản ánh hành vi vi phạm giao thông là nội dung được quy định tại khoản 7, điều 3, chương III Nghị định số 176/2024/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 176) của Chính phủ quy định quản lý, sử dụng kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và đấu giá biển số xe sau khi nộp vào ngân sách nhà nước có hiệu lực từ ngày 1-1-2025.

Các thế lực thù địch ra sức xuyên tạc chính sách mới

Đối với các quy định tại Nghị định 168, các thế lực thù địch xuyên tạc rằng: “Mức xử phạt cao bất thường”, “vắt dân đến khô nước”, “người dân khắp nơi kêu than mức xử phạt giao thông mới”... Các thế lực thù địch cho rằng chính quyền “không thương dân”.

Đối với quy định trả tiền cho người cung cấp thông tin phản ánh hành vi vi phạm giao thông của Nghị định 176, các thế lực thù địch rêu rao rằng: “Khuyến khích đấu tố nhau bằng hình thức bán bằng chứng vi phạm giao thông”, “Xúi dân làm chuyện bất lương”…

Thậm chí, các thế lực thù địch còn thông tin bịa đặt, vô căn cứ, cho rằng: “Khi xử phạt càng cao, công an càng thu được nhiều tiền vì được phép giữ lại 85% tiền phạt. Rất dễ hiểu, cứ nhìn thấy tiền về nơi đâu là hiểu lợi ích nhóm ở đó”, “Nghị định 168 xây dựng sai thủ tục, bởi từ ngày được ký ban hành tới khi có hiệu lực chưa đủ 45 ngày”. Hoặc trên mạng xã hội còn thông tin sai sự thật: “Một thanh niên thu về 50 triệu đồng chỉ sau một ngày tố giác vi phạm giao thông”…

Thông qua xuyên tạc chính sách mới trên lĩnh vực giao thông đường bộ, các thế lực thù địch ra sức bôi nhọ Đảng, Nhà nước và chế độ, từ đó kích động trong dư luận xã hội, khuyến khích tạo ra mâu thuẫn, sự chống đối trong nhân dân với mong muốn tạo khoảng cách giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước, gây mất an ninh trật tự.

Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức trong nhân dân

Đối với thông tin lan truyền trên mạng xã hội cho rằng cảnh sát giao thông được trích lại 85% tiền xử phạt vi phạm giao thông, tại buổi giao lưu trực tuyến “Những điều cần biết về tăng mạnh mức xử phạt vi phạm giao thông theo Nghị định 168”, do Báo Tuổi Trẻ tổ chức vào ngày 7-1, đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), khẳng định đây là thông tin không chính xác. Cần phải khẳng định rằng, từ trước đến nay, các khoản thu từ vi phạm giao thông đều được nộp vào ngân sách nhà nước và được sử dụng theo đúng quy định của pháp luật nói chung và Luật Ngân sách nhà nước nói riêng.

Đối với thông tin cho rằng “Nghị định 168 xây dựng sai thủ tục, bởi từ ngày được ký ban hành tới khi có hiệu lực chưa đủ 45 ngày”, đại diện Cục Cảnh sát giao thông khẳng định đây là thông tin không chính xác. Theo đó, Nghị định 168 được ký ban hành ngày 26-12-2024, hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2025, trong đó có một số quy định sẽ có hiệu lực vào ngày 1-1-2026, các quy định về giấy chứng nhận kiểm định khí thải xe mô tô, xe máy sẽ có hiệu lực thi hành theo quy định của pháp luật bảo vệ môi trường về kiểm định khí thải xe mô tô, xe gắn máy.

Theo đại diện Cục Cảnh sát giao thông, trong quá trình soạn thảo Nghị định 168 do tính chất cấp thiết liên quan đến tình hình trật tự an toàn giao thông, cơ quan có thẩm quyền đã có cuộc họp xem xét, quyết định ban hành nghị định theo trình tự rút gọn. Điều 151 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật có quy định, đối với văn bản quy phạm pháp luật được ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn thì có thể có hiệu lực kể từ ngày thông qua hoặc ký ban hành. Trong khi đó, Nghị định 168 nhằm phục vụ thực thi Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có hiệu lực ngày 1-1-2025.

Do nghị định có tác động lớn, để đảm bảo chất lượng, các đơn vị chức năng của Bộ Công an đã phối hợp các bộ, ngành, cơ quan liên quan thảo luận kỹ lưỡng. Đồng thời, dự thảo nghị định được đăng tải và lấy ý kiến đóng góp rộng rãi theo quy định trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công an và Cổng thông tin điện tử Chính phủ.

Trước tình trạng nhiều trang mạng xã hội đã thổi phồng, cắt ghép thông tin rồi gán vào việc cơ quan báo chí phản ánh “Hà Nội: Một thanh niên thu về 50 triệu đồng chỉ sau một ngày tố giác vi phạm giao thông”, Phòng Cảnh sát giao thông Công an Thành phố Hà Nội khẳng định đây là thông tin cắt ghép sai sự thật, gây hoang mang dư luận và ảnh hưởng xấu đến tinh thần của Phong trào Toàn dân tham gia phát hiện, cung cấp thông tin phản ánh các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông đang được thực hiện rất hiệu quả.

Về việc tăng mức xử phạt vi phạm giao thông, luật sư Nguyễn Thế Kỷ (Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai, Giám đốc Công ty Luật TNHH MTV Kỷ Nguyên Anh, đóng tại thành phố Biên Hòa) nhấn mạnh: “Việc xử lý vi phạm hành chính nhằm mục đích răn đe để người dân chấp hành pháp luật về giao thông tốt hơn, tham gia giao thông văn minh, đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Các chính sách mới về xử lý vi phạm giao thông nói riêng, cũng như các chính sách của Việt Nam nói chung đều mang tính nhân đạo. Nếu một bộ phận người dân do nhận thức còn hạn chế, chưa hiểu hết ý nghĩa, mục đích của các chính sách thì cần tăng cường tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân. Bên cạnh đó, ngành chức năng cũng cần quan tâm đầu tư, nâng cấp, phát triển hạ tầng giao thông để việc đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đạt hiệu quả cao”.

Việc người dân chấp hành tốt các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông không chỉ góp phần đảm bảo an toàn giao thông cho mỗi người, mỗi nhà, mà còn góp phần làm cho giao thông trở nên trật tự, văn minh hơn.

Mục đích đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân

Thực tế, các quy định mới về tăng mức xử phạt vi phạm giao thông, thưởng cho người cung cấp thông tin phản ánh hành vi vi phạm giao thông được người dân có ý thức chấp hành pháp luật giao thông luôn đồng tình, ủng hộ và có những góp ý mang tính xây dựng để quy định đi vào cuộc sống hiệu quả nhất. Còn ngược lại, những người chưa hiểu đầy đủ mục đích, ý nghĩa của chính sách mới, lại bị tác động bởi những luận điệu xuyên tạc, bịa đặt của các thế lực thù địch mới có những ý kiến trái chiều không mang tính xây dựng...

Bà Nguyễn Kim Liên (ngụ phường Hóa An, thành phố Biên Hòa) cho hay: “Tôi là người lớn tuổi, hàng ngày thường chạy xe để đi chợ hoặc đưa đón cháu đi học. Mặc dù, tôi luôn tuân thủ quy định pháp luật về giao thông khi ra đường nhưng tôi rất sợ những người chạy xe phóng nhanh, vượt ẩu trên đường, hoặc lái xe khi đã uống rượu, bia… Do đó, khi có những quy định xử phạt mạnh mẽ, đủ sức răn đe, tôi rất ủng hộ”.

Rõ ràng, có thể nhận thấy rằng, qua tổng hợp các tình huống thường xảy ra tai nạn giao thông, ngành chức năng luôn chỉ ra rằng: ý thức tuân thủ pháp luật khi tham gia giao thông của một bộ phận người dân chưa cao là một trong những nguyên nhân chính gây ra tai nạn giao thông với những hậu quả rất nặng nề về người và tài sản. Do đó, việc tăng mức xử phạt để gia tăng sức răn đe, để người dân ý thức hơn trong việc “thượng tôn pháp luật” là nhằm mục đích để người dân không vi phạm giao thông, hạn chế thấp nhất tai nạn giao thông có thể xảy ra, từ đó đảm bảo tính mạng, sức khỏe, tài sản cho chính mỗi người dân khi tham gia giao thông.

Ghi nhận thực tế sau 2 tuần thực hiện quy định mới về xử phạt vi phạm giao thông, tình hình giao thông tại những tuyến đường của thành phố Biên Hòa nói riêng và cả nước nói chung có những chuyển biến tích cực. Theo đó, người dân đã nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông đường bộ, tình trạng người tham gia giao thông chạy lố vạch dừng khi đèn đỏ, tình trạng đi ngược chiều, không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông… giảm đáng kể.              

Lâm Viên

Tin xem nhiều